Giữa cơn bão giá, PNJ khẳng định không hưởng lợi khi giá vàng tăng
Ban lãnh đạo PNJ nhận định ngành trang sức đối mặt với 'cơn bão kép' khi nguồn cung vàng khan hiếm, giá tăng kỷ lục và sức mua giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. PNJ không hưởng lợi dù giá vàng tăng cao.
Sáng ngày 26/4, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE:PNJ) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025, thông qua kế hoạch doanh thu 31.607 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến gần 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với mức kỷ lục của năm ngoái. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp bán lẻ trang sức này đưa ra kế hoạch tăng trưởng âm.
Giải thích về kế hoạch năm nay, lãnh đạo PNJ cho biết đã áp dụng nguyên tắc thận trọng khi dự báo tình hình kinh doanh. Theo đó, xu hướng chi tiêu dè dặt của người tiêu dùng đang ảnh hưởng đến sức mua của toàn ngành bán lẻ, đặc biệt là nhóm hàng xa xỉ.
Sức mua tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi thông qua những chính sách kích cầu của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, nhưng ngành hàng trang sức và xa xỉ thường có độ trễ một nhịp. Trong kịch bản khả quan, sức mua có thể bắt đầu hồi phục trong nửa sau năm nay.
Ngoài yếu tố cầu, nguồn cung nguyên liệu cũng được PNJ đánh giá là thách thức lớn trong năm 2025. Mặc dù công ty đã chủ động chuẩn bị vàng nguyên liệu phục vụ chế tác, hoạt động thu mua gặp khó khăn hơn trước do giá biến động mạnh và nguồn cung khan hiếm.
Chia sẻ tại Đại hội, ông Lê Trí Thông - Tổng Giám đốc PNJ cho biết: “Từ năm 2024 đến nay, giá vàng đã tăng rất nhanh, vượt ngoài dự báo của các chuyên gia phân tích. Nhiều người nghĩ rằng giá vàng tăng thì PNJ hưởng lợi nhưng PNJ là doanh nghiệp bán lẻ trang sức và vàng là yếu tố đầu vào để chế tác trang sức nên đây lại là sức ép đối với PNJ.
Giá vàng tăng quá nhanh sẽ làm cho sức mua trang sức bị giảm vì giá các sản phẩm đang tăng lên nhanh theo giá vàng trong khi túi tiền người tiêu dùng không tăng nhanh kịp. Nhà đầu tư trước đây có ngân sách 5-7 triệu đồng thì có thể mua món đồ 1 chỉ, thì bây giờ còn chưa tới 1 chỉ nên sức mua sẽ bị khó.
Giá vàng tăng nhanh làm cho tâm lý nhà đầu tư chỉ muốn đi mua rồi cất giữ chứ không đi bán, nên khi không có người bán thì nguồn cung vãng lai sẽ bị suy giảm nhiều. Kết hợp với việc mua bán hôm nay có nhiều các bước kiểm tra xác thực khách hàng nên cũng làm giảm tỷ lệ người mua bán."

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ phát biểu tại Đại hội
Tại Đại hội, một số cổ đông thắc mắc xoay quanh việc giá vàng tăng nhanh thời gian qua, PNJ có khó khăn hay hưởng lợi gì? Vì sao PNJ đặt mục tiêu giảm về doanh thu và lợi nhuận trong bối cảnh giá vàng tăng?
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ chia sẻ: "Nhiều người lầm tưởng rằng giá vàng tăng thì doanh nghiệp sẽ có lãi, còn khi giá giảm thì sẽ lỗ, nhưng điều đó không đúng trong ngành kinh doanh trang sức. Chỉ có nhà đầu tư, đầu cơ vàng mới có lãi hoặc lỗ theo biến động giá. Còn với những doanh nghiệp như PNJ, chúng tôi hoạt động dựa trên một quy luật cân bằng riêng, không đặt mục tiêu lợi nhuận dựa trên việc giá vàng lên hay xuống".
Bà Dung cho rằng yếu tố sống còn là duy trì sự ổn định và dòng luân chuyển hàng hóa. Giá vàng biến động không ảnh hưởng quá lớn đến biên lợi nhuận vì công ty luôn có phương pháp điều tiết phù hợp giữa đầu vào và đầu ra. Việc xây dựng kế hoạch kinh doanh hay chiến lược dài hạn cũng không bị chi phối bởi kỳ vọng giá vàng tăng hay giảm.
Cũng theo lãnh đạo công ty, công ty không cố định giá bán hoàn toàn. Trong trường hợp giá vàng biến động vượt quá ngưỡng chịu đựng, công ty sẽ điều chỉnh giá nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Công ty không phải nhà đầu cơ vàng nên chỉ tập trung vào mảng trang sức và bán giá trị gia công, thiết kế.
Chia sẻ về kế hoạch mở mới cho năm 2025, ông Thông cho biết kế hoạch mở mới đang chuẩn bị theo nhiều kịch bản, dao động từ 12 đến tối đa 25 cửa hàng. Các biến số phụ thuộc vào sức mua của nền kinh tế để cân nhắc, trong điều kiện thuận lợi nhất sẽ mở 25 cửa hàng ở khu vực tiềm năng, tiến đến mục tiêu 500 cửa hàng trên toàn quốc trước năm 2030. Còn nếu sức mua thấp thì vẫn có khả năng mở mới để đón đầu tăng trưởng.
Ở mảng bán lẻ, PNJ tiếp tục mở rộng phân khúc khách hàng với việc đẩy mạnh thương hiệu Mancode by PNJ – dòng sản phẩm trang sức dành cho nam giới. Công ty kỳ vọng đây sẽ là động lực mới giúp gia tăng thị phần trong tương lai.
Đồng thời, công ty nâng công suất nhà máy trang sức từ 4 triệu lên 5 triệu sản phẩm mỗi năm, để chuẩn bị đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng khi thị trường hồi phục.
Ngoài ra, trong năm nay công ty còn có kế hoạch đầu tư với 1 số startup để tiếp cận một số thương hiệu thời trang quốc tế, để tăng số lượng sản phẩm trong mảng kinh doanh mới.