Giữ vững danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng

Năm 2018, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng là CVĐC toàn cầu, từ đó đến nay, diện mạo Cao Bằng nói chung, vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nói riêng đã khởi sắc, các di sản văn hóa, di sản địa chất, đa dạng sinh học được bảo tồn phát huy; đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Dấu ấn sau hơn 6 năm xây dựng và phát triển

Cao Bằng là địa phương thứ hai trong cả nước đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu do Hội đồng UNESCO công nhận vào tháng 4/2018, đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Báo Insider bình chọn CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là một trong 50 địa điểm có tầm nhìn ngoạn mục, nổi bật nhất trong những kỳ quan và phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn trên khắp thế giới.

CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng hội tụ hơn 200 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành trên 500 triệu năm của trái đất, bao gồm toàn bộ diện tích của thành phố Cao Bằng và các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, với diện tích hơn 3.683 km² cùng 4 “tuyến đường trải nghiệm”: Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”, tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay”, tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, tuyến du lịch “Một thời hoa lửa”.

Xác định việc xây dựng và phát triển CVĐC có ý nghĩa quan trọng cho việc bảo vệ môi trường sống, tạo lập sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, đa dạng sinh học và môi trường sinh thái - làm cơ sở cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức các lớp, hội nghị tuyên truyền, giáo dục về di sản địa chất và CVĐC, công tác bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường... Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh tổ chức gần 40 cuộc tập huấn cho hơn 2.000 lượt người. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các cuộc thi về CVĐC Non nước Cao Bằng cho học sinh các trường THCS, THPT trong vùng CVĐC, như: “Tìm kiếm Đại sứ CVĐC Non nước Cao Bằng”, “Sáng kiến bảo vệ môi trường trong vùng CVĐC”, “Bảo tồn tiếng dân tộc Tày, Nùng” cho học sinh các trường THCS, THPT trong vùng CVĐC...

Các làng nghề ở xã Phúc Sen (Quảng Hòa) nằm trên tuyến du lịch phía Đông vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Các làng nghề ở xã Phúc Sen (Quảng Hòa) nằm trên tuyến du lịch phía Đông vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Công tác giáo dục về CVĐC trong trường học được đẩy mạnh thông qua các hoạt động của câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC”. Từ năm 2022 - 2024 có 131 câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC” được thành lập với 2.583 thành viên học sinh. Tổ chức 15 cuộc tập huấn cho 866 giáo viên và học sinh về hoạt động giáo dục CVĐC tại các trường THCS, THPT trong vùng CVĐC; 100% trường THCS, THPT trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về CVĐC vào các môn học Địa lý, Lịch sử, Ngữ văn, tiếng Anh, các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, hoạt động Đoàn, Hội, Đội,…

Duy trì phát hành định kỳ Bản tin CVĐC Non nước Cao Bằng 4 số/1 năm; in ấn tờ rơi, sách giới thiệu về 4 tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC Non nước Cao Bằng. Thực hiện 24 clip truyền thông, quảng bá về CVĐC; đăng tải hàng nghìn tin, bài trên website caobanggeopark.com, Fanpage CVĐC Non nước Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng, Báo Cao Bằng. Đồng thời, quảng bá, xúc tiến du lịch CVĐC, du lịch Cao Bằng qua các chương trình, lễ hội, sự kiện đã mang hình ảnh du lịch Cao Bằng đến gần với du khách trong và ngoài nước. Tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 với sự tham dự của 800 đại biểu trong nước và quốc tế.

Chú trọng công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển và quản lý các tuyến du lịch CVĐC, giám sát, đánh giá định kỳ các điểm di sản, phát triển mạng lưới đối tác CVĐC, cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư gắn với quản lý và bảo tồn di sản, văn hóa, đa dạng sinh học, môi trường và phát triển du lịch bền vững vùng CVĐC. Hiện mạng lưới đối tác CVĐC có 58 thành viên chính thức và 32 đối tác tiềm năng.

Quyết tâm giữ vững danh hiệu

Đến với CVĐC Non nước Cao Bằng hôm nay, dễ dàng nhận thấy nhiều bản làng ở vùng CVĐC đã có sự thay da đổi thịt nhanh chóng, như: làng giấy bản Dìa Trên, làng hương Phja Thắp, làng rèn xã Phúc Sen (Quảng Hòa), làng văn hóa dân tộc Tày xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), làng du lịch cộng đồng Lô Lô Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc)… Nhiều du khách trong và ngoài nước đã chọn Cao Bằng là điểm đến hấp dẫn ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam.

Chị Julius Scott Anak Sapong, du khách đến từ Malaysia chia sẻ: Tôi thực sự rất thích và ấn tượng với phong cảnh và con người nơi đây. Tại các điểm tôi đến đều có phong cảnh đẹp và vẫn giữ được nét hoang sơ, bản sắc văn hóa độc đáo, người dân thân thiện, nhiệt tình. Tôi cũng đã thưởng thức nhiều món ăn ở đây, rất ngon và hấp dẫn. Còn anh Hoàng Huy Hiệp, một du khách đến từ Đà Nẵng, chia sẻ: Cao Bằng phong cảnh hữu tình, bản sắc văn hóa vẫn còn được lưu giữ và tôi thật sự ấn tượng với ẩm thực nơi đây, nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Tôi nhất định sẽ quay trở lại nhiều lần với Cao Bằng.

Đồng chí Nông Thị Tuyến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau lần thứ nhất được tái công nhận, Cao Bằng đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng sản phẩm du lịch trên vùng CVĐC; nhất là thực hiện tốt khuyến nghị của chuyên gia UNESCO trong vận hành CVĐC Non nước Cao Bằng. Hiện nay tỉnh đã và đang sẵn sàng các điều kiện cho việc chuẩn bị tái thẩm định lần 2 vào tháng 6/2025.

Nhiều giá trị văn hóa trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Nhiều giá trị văn hóa trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Để giữ vững danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tỉnh xác định, thời gian tới tiếp tục tập trung tuyên truyền về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch thân thiện môi trường, sản phẩm thủ công truyền thống, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tai biến địa chất, biến đổi khí hậu,… cho cộng đồng dân cư trong vùng CVĐC. Bảo tồn di sản địa chất, văn hóa, lịch sử, tri thức bản địa của các dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hỗ trợ người dân và mạng lưới đối tác CVĐC trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kết nối thị trường, từ đó thúc đẩy hiệu quả kinh tế và đảm bảo phát triển bền vững cho cộng đồng.

Đa dạng hóa triển khai hiệu quả hoạt động tuyên truyền và giáo dục về CVĐC trong trường học; thực hiện giảng dạy tích hợp, lồng ghép nội dung về CVĐC trong các môn học và tiết học địa phương cho hoạt động câu lạc bộ cùng em khám phá CVĐC. Chỉ đạo các đơn vị thuộc mạng lưới đối tác CVĐC Non nước Cao Bằng cam kết thực hiện mục tiêu du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội…

Nâng cấp chất lượng và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất trên 4 tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Tăng cường định hướng người dân và đối tác CVĐC đầu tư, cải tạo cảnh quan tại các khu vực làng nghề truyền thống, làng du lịch cộng đồng và các điểm di sản theo hướng thân thiện với môi trường để thu hút du khách, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, tự nhiên đặc sắc. Tiếp tục phối hợp với chuyên gia tư vấn của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, Ban Quản lý CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) khảo sát, đánh giá, lựa chọn các điểm di sản phục vụ xây dựng tuyến du lịch thứ 5 - Tuyến du lịch kết nối 2 CVĐC toàn cầu UNESCO nhằm mở rộng mạng lưới du lịch và phát triển bền vững trong khu vực.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá trên thông qua các cuộc thi sáng tạo, sự kiện văn hóa - du lịch, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, website chính thức và các kênh trực tuyến khác. Tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và hợp tác song phương với các CVĐC toàn cầu trong khu vực và trên thế giới để học tập các mô hình thành công, các bài học kinh nghiệm từ các CVĐC Toàn cầu UNESCO trên thế giới, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ làm việc trong Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng, đồng thời tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên của Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung đến bạn bè trên thế giới và chia sẻ với thế giới về các hoạt động có trách nhiệm của Cao Bằng trong gìn giữ, bảo tồn các loại hình di sản trong vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Thanh Thúy

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/giu-vung-danh-hieu-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-non-nuoc-cao-bang-3177525.html
Zalo