Giữ trẻ an toàn trong thế giới số - Cha mẹ là 'vắc xin số' đầu tiên của con
Để giúp con tận dụng điểm tốt của công nghệ, cha mẹ cần trở thành chiếc cầu nối giữa con và thế giới ảo. Cha mẹ chính là 'vắc xin số', bộ lọc chủ động lựa chọn những thông tin, ứng dụng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi để cung cấp cho con trẻ khi chúng đang chập chững bước vào đời.

Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ đồng hành cùng con trên môi trường mạng. (Ảnh minh họa)
Những trẻ nhỏ bị mạng xã hội “bủa vây”
Khảo sát của UNICEF cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam 12 - 13 tuổi sử dụng internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%, trong số đó, đa phần sử dụng tài khoản mạng xã hội. Còn theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 5 - 7 giờ mỗi ngày.
Theo một số đơn vị sản xuất nội dung, các clip trên mạng xã hội có lượt xem (view) cao thường là về giải trí hoặc những chuyện giật gân, độc, lạ. Đó là lý do mà các kênh mới nổi thường thu hút lượt view cao thường tìm những chiêu trò khai thác vào yếu tố “độc”, “lạ”, thậm chí có tính giật gân. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, cứ 100 trang web có 12 trang liên quan đến nội dung khiêu dâm, tỷ lệ lớn trẻ vị thành niên ghé thăm các trang web này rất lớn, dần dần dẫn đến việc nghiện xem các trang web này. Nguy hại là, các nghiên cứu cho thấy, tuổi trung bình ghé thăm các trang web khiêu dâm là 11 tuổi, có em từ 9 tuổi… con trai nhiều hơn con gái.
Việc để các nội dung xấu phát tán tới đối tượng người xem là trẻ nhỏ có ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ tương lai khi mà các em còn non nớt về nhận thức. Môi trường mạng là nơi cung cấp nhiều kiến thức nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với trẻ nhỏ khi trẻ còn chưa phân biệt được cái gì tốt, cái gì xấu. Trẻ nhỏ chỉ đơn giản là vào xem các clip vì nhu cầu giải trí, nhưng lại không hề biết đâu đó lại có nội dung xấu, rồi có cả những bình luận xấu, có tính ấu dâm thì vô cùng nguy hại. Đáng sợ hơn, hậu quả để lại không phải những thứ có thể đo lường được mà ăn sâu trong tâm trí trẻ nhỏ. Chúng ta không thể biết được đứa trẻ khi tiếp xúc với các cảnh bạo lực, tình dục hay những lời lẽ dung tục sẽ có suy nghĩ, thay đổi gì trong đầu. Nhiều chuyên gia nghiên cứu xã hội nói rằng, những ảnh hưởng tiêu cực như vậy có thể sẽ theo trẻ em trong suốt nhiều năm và ảnh hưởng tâm lý trong giai đoạn phát triển.
Trẻ em dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng bất an, lo lắng gia tăng. Bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống,… lâu dần sẽ sinh ra bệnh. Vì vậy, có không ít các vụ án xâm hại, bạo lực trẻ em gây ra từ đây. Các chuyên gia còn đề cập đến một loại rối nhiễu tâm lý gọi là “trầm cảm mạng xã hội, rối loạn tư duy do web độc, hại”.
Chưa hết, theo một khảo sát vào năm 2023 của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội của VPIS, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho thấy, 78% người dùng mạng khẳng định mình từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; 61,7% từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin. Nhiều người thốt lên: “Chưa bao giờ việc tiếp cận và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy”.
Dạy con dùng công nghệ đúng cách
Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) vừa tổ chức tọa đàm “Thiếu niên nói về an toàn số và sức khỏe số” vào ngày 18/5/2025 tại Hà Nội với mục tiêu hướng tới thúc đẩy một không gian số an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm cho trẻ em và thanh, thiếu niên Việt Nam.

N.Đ.K chia sẻ tại tọa đàm Thiếu niên nói về an toàn số và sức khỏe số. (Ảnh: BTC)
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ tọa đàm là minh chứng cho một điều rất quan trọng. Theo đó: “Trẻ em và thanh, thiếu niên không chỉ là đối tượng cần được bảo vệ, mà còn là những người có tiếng nói, có góc nhìn và có năng lực góp phần xây dựng một không gian số lành mạnh, an toàn và văn minh. Thế giới số không chỉ là nơi tiêu thụ thông tin - mà là nơi định hình bản sắc, kết nối cộng đồng và lan tỏa ảnh hưởng. Và Gen Z - thế hệ lớn lên cùng công nghệ - xứng đáng được tin tưởng, trao quyền và đồng hành đúng cách. Với cách tiếp cận công dân số chuẩn, chúng tôi tin rằng mỗi bạn trẻ đều có thể trở thành người biết giữ an toàn cho bản thân và người khác, sử dụng công nghệ một cách thông minh, phát triển bản thân tích cực và hành động vì cộng đồng mạng tích cực hơn. Nhưng để điều đó trở thành hiện thực, không ai có thể đi một mình. Gia đình - nhà trường - nền tảng công nghệ - tổ chức xã hội và chính các bạn trẻ, tất cả đều phải cùng cam kết và cùng hành động. Khi tất cả các bên cùng cam kết, trẻ em sẽ có thể tận dụng môi trường mạng để tối ưu hóa tiềm năng, trở thành những người dẫn dắt thay đổi cho một môi trường mạng an toàn, tử tế và nhân văn hơn”…
Nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con ở giai đoạn vị thành niên, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, mà cần sự tham gia tích cực của mỗi gia đình - đặc biệt là phụ huynh. Cha mẹ chính là “vắc xin số” đầu tiên của các con - người giúp con hình thành khả năng tự bảo vệ, nhận biết rủi ro và phát triển lành mạnh trong không gian mạng. Ngoài ra, chúng ta cũng lưu ý rằng trẻ em có quyền nhưng cũng có bổn phận, người sáng tạo nội dung có quyền nhưng cũng cần có trách nhiệm và tất cả các bên liên quan đều phải coi trách nhiệm bảo vệ trẻ em lên trên hết”.
Dưới góc nhìn chuyên môn về tâm lý, để thúc đẩy sức khỏe tinh thần của trẻ em trên môi trường số, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: “Sức khỏe số không chỉ là việc kiểm soát thời gian dùng thiết bị, mà còn là năng lực tự điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành vi trong môi trường mạng. Với thanh, thiếu niên - thế hệ sinh ra cùng công nghệ - những áp lực từ mạng xã hội, cảm giác bị so sánh, bị bỏ rơi, hoặc mất kết nối thật có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần. Điều đáng lo là nhiều em không nhận ra mình đang bị tổn thương, trong khi người lớn thì thường phát hiện quá muộn. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận, không chỉ dạy con dùng công nghệ đúng cách, mà còn cần cùng con hiểu thế giới số như một không gian sống có cả rủi ro và cơ hội. Thanh, thiếu niên cần được lắng nghe, cần kỹ năng để tự điều chỉnh và quan trọng nhất là cần có người đồng hành - không phải để kiểm soát, mà để kết nối”…
Cũng tại tọa đàm “Thiếu niên nói về an toàn số và sức khỏe số”, N.Đ.K, 16 tuổi cho biết: “Có nhiều bạn dưới 13 tuổi vẫn đang xem phải các nội dung bạo lực, hành vi sai lệch… Chúng em nghĩ rằng các nền tảng cần có thể thêm các tính năng cảnh báo tự động khi hiển thị các video có cảnh bạo lực, như nút Report (nút Báo cáo nội dung), nút SOS (nút Trợ giúp khẩn cấp)... để bảo đảm các bạn được tiếp cận những nội dung phù hợp với lứa tuổi”. Ngoài ra, các bạn thiếu niên cũng đòi hỏi các nền tảng nên quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của thiếu niên trên môi trường mạng, các bạn cũng hiến kế nên có một chatbot hỗ trợ sức khỏe tinh thần, cảnh báo và chia sẻ với các bạn.
Hơn ai hết, cha mẹ là bộ lọc chủ động lựa chọn những thông tin, ứng dụng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi để cung cấp cho con trẻ khi chúng đang chập chững bước vào đời. Cha mẹ nên hướng dẫn con dùng mạng internet, điện thoại, máy tính vào các hoạt động bổ ích như nghiên cứu tài liệu, học tiếng Anh, học online... Hiện nay, một phương pháp học tập thông minh đang được nhiều cha mẹ và học sinh lựa chọn là học online. Với cách học này, con hoàn toàn có thể chủ động thời gian, không gian ôn bài. Ngoài ra, trẻ có thể học nhóm với bạn bè để tăng sự hứng thú. Hơn nữa, bố mẹ có thể theo dõi tiến độ và kết quả học của con một cách nhanh chóng.
Bố mẹ cùng con xem các kênh giải trí lành mạnh, ý nghĩa trên mạng xã hội, trò chuyện với con mình nhiều hơn. Ngoài ra, trẻ cần được sắp xếp thời gian cho việc đọc sách, tìm hiểu cuộc sống xung quanh, chơi các môn thể thao vận động và làm các công việc nhà. Bố mẹ có thể đăng ký lớp học ngoại khóa mà con thích. Tuổi mới lớn là thời điểm con rất muốn tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu xem, con thực sự thích hoạt động nào, để giúp con dành thời gian cho nó, vừa giúp con thư giãn, đồng thời có thể gắn kết mối liên hệ giữa con với bạn bè cùng lứa tuổi.