Giữ sức khỏe cho trò khi không khí ô nhiễm nặng

Những ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội không tốt. Các nhà trường có nhiều giải pháp để giữ sức khỏe cho học trò.

Trời rét, trẻ cần được mặc ấm, đeo khẩu trang khi tới trường. Ảnh: TG

Trời rét, trẻ cần được mặc ấm, đeo khẩu trang khi tới trường. Ảnh: TG

Phối hợp chặt chẽ với gia đình

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) lên đến mức xấu. Ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu, thời tiết. Dữ liệu quan trắc cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.

Trước thực trạng trên, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe người dân dựa trên chỉ số chất lượng không khí AQI. Theo đó, các trường mầm non, tiểu học có thể xem xét cho trẻ nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học phù hợp.

Cô Trương Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai) cho biết, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với nhân viên y tế theo dõi sát sao, cập nhật thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí để tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh. Ở trường có nhiều cây xanh, cây cổ thụ nên cũng góp phần giảm ô nhiễm không khí so với nơi khác. Trường cũng tăng cường vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học, nghiêm túc thực hiện lịch vệ sinh hằng tuần.

Những ngày không khí đặc biệt nguy hại, giáo viên hạn chế hoặc không tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ; chú ý nhiều hơn tới những trẻ có biểu hiện mắc bệnh liên quan đến hô hấp, hen phế quản, suy dinh dưỡng để có biện pháp phối hợp với phụ huynh tăng cường chăm sóc, vệ sinh và bổ sung các chất dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh liên quan tới tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra, ô nhiễm không khí có thể gây tổn thương da, bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Nhấn mạnh tới vai trò của việc đảm bảo sức khỏe học sinh, cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) chia sẻ, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền và nhận được sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh trong việc triển khai giải pháp đảm bảo sức khỏe học sinh. Những ngày thời tiết xấu và ô nhiễm không khí, trường không tổ chức hoạt động ngoài trời, học sinh chơi trong lớp có điều hòa không khí và đủ ấm nên bố mẹ yên tâm.

Tương tự, cô Lê Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) trao đổi: Là đơn vị mới thành lập, điều kiện cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại trở thành lợi thế để nhà trường triển khai tốt công tác giáo dục theo quy định. Những ngày chất lượng không khí ở mức xấu, các hoạt động tập thể của học sinh được thực hiện tại nhà thể chất rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị.

 Trẻ mầm non hoạt động trong lớp thay vì ra ngoài trời trong những ngày thời tiết rét và ô nhiễm không khí. Ảnh: TG

Trẻ mầm non hoạt động trong lớp thay vì ra ngoài trời trong những ngày thời tiết rét và ô nhiễm không khí. Ảnh: TG

Khó cho học sinh nghỉ

Một trong những khuyến cáo của ngành Y tế là các trường mầm non, tiểu học có thể cho học trò nghỉ ở nhà nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục. Điều này đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của không ít bậc phụ huynh có con nhỏ tại Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Thủy có con học lớp 3 và mầm non 5 tuổi tại huyện Hoài Đức tâm sự: “Nhà ông bà ở xa không thể chăm cháu nên tôi phải cho con đi lớp từ lúc hơn 1 tuổi. Nếu vì không khí bị ô nhiễm mà nhà trường cho học sinh nghỉ đồng loạt thì chúng tôi khó thu xếp công việc cơ quan và gia đình”.

Cùng quan điểm trên, chị Phí Thị Diễn trú phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) bày tỏ, với học sinh tiểu học và mầm non vẫn có thể đến trường, miễn sao bố mẹ mặc cho con đủ ấm và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi trẻ nghỉ ở nhà, gia đình phải nhờ người trông, giờ giấc sinh hoạt đảm bảo cũng là bài toán khó, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ ở tỉnh phải thuê nhà trên Hà Nội mà không có ông bà lên chăm cháu.

Ngành Y tế khuyến cáo về việc cho học sinh nghỉ nếu chất lượng không khí ở mức nguy hại liên tiếp 3 ngày là cần thiết. Tuy nhiên, nếu không đến trường, trẻ ở nhà, gia đình phải bố trí người trông. Hơn nữa, không ai dám đảm bảo trẻ ở nhà có tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm hay không. Đặc biệt, cận Tết, nhiều phụ huynh không đồng tình với phương án đó vì bận đi làm.

Bày tỏ quan điểm, cô Cao Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đồng thời cho hay: “Nhà trường quán triệt tới giáo viên chủ nhiệm các lớp trao đổi, khuyến cáo tới phụ huynh trong việc yêu cầu học sinh mặc đủ ấm, đeo khẩu trang từ nhà đến trường và ngược lại.

Trong những ngày ô nhiễm không khí, các hoạt động ngoài trời cũng không được tổ chức. Học sinh được thầy cô, bố mẹ hướng dẫn cách tra mắt, rửa mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý thường xuyên. Tăng cường thể dục thể thao kết hợp ăn uống đủ chất để có sức khỏe tốt”.

Trường Mầm non Đông Ngạc B (quận Bắc Từ Liêm) có gần 700 trẻ theo học. Theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Kim Thu, những ngày qua có một số trẻ nghỉ ốm ở nhà để gia đình chăm sóc. Các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ vẫn được nhà trường duy trì theo hướng dẫn của phòng GD&ĐT quận và phù hợp với thực tế. Cha mẹ phối hợp với giáo viên trong việc giữ ấm, đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi thời tiết lạnh.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giu-suc-khoe-cho-tro-khi-khong-khi-o-nhiem-nang-post715243.html
Zalo