Không thu tiền ôn thi tốt nghiệp THPT: Nỗ lực vì học sinh
Từ 14/2, tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền học sinh.
Dù khó khăn, nhưng nhiều địa phương, nhà trường đã nhanh chóng có giải pháp để việc ôn tập không bị gián đoạn, bảo đảm chất lượng kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới.
Cùng tháo gỡ
Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 (Thông tư 29) quy định, học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh và ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền học của học sinh. Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, đồng nghĩa với việc ôn tập thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch giáo dục nhà trường đầu năm phải điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới. Đây là vấn đề khó cho các trường THPT thuộc tỉnh An Giang, do nguồn thu ngân sách Nhà nước còn hạn chế, trong khi các quy định hiện hành không cho phép vận động để chi trả tiền giờ dạy cho giáo viên.
“Sở GD&ĐT An Giang đã có công văn yêu cầu các trường phổ thông trên toàn tỉnh triển khai Thông tư 29. Dự kiến tổ chức cuộc họp với hiệu trưởng các trường THPT để lắng nghe, cùng tháo gỡ khó khăn này. Trước mắt, nhà trường cố gắng sắp xếp, tính toán tiết kiệm các khoản chi để đáp ứng nhu cầu dạy học ôn tập, số kinh phí cần phải có để phục vụ việc ôn tập, thời lượng dạy học ôn tập. Trường hợp không đáp ứng được ngân sách, sở sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu ôn tập cho học sinh”.
Chia sẻ thông tin này, ông Trần Tuấn Khanh đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT hướng dẫn thêm về việc dạy học, ôn tập thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT để các tỉnh thống nhất thực hiện. Cụ thể, hướng dẫn cách tính giờ dạy của giáo viên (có tính vào tổng số giờ dạy trong năm học), chế độ chính sách đối với giáo viên giảng dạy ôn tập, để động viên, tạo động lực cho giáo viên toàn tâm với chất lượng chuyên môn của các trường.
Theo thầy Nguyễn Bá Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh), nhà trường vẫn tổ chức ôn tập cho học sinh theo kế hoạch từ đầu năm học. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, công tác ôn tập không được thu phí, trước mắt nhà trường động viên thầy cô tiếp tục nỗ lực, trách nhiệm để giúp học sinh chuẩn bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, về lâu dài, rất cần các cấp có thẩm quyền quan tâm cấp ngân sách để bảo đảm chất lượng công tác này.
Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre), thông tin từ thầy Phó Hiệu trưởng Phan Trọng Hải, kế hoạch giáo dục nhà trường được ban hành từ đầu năm học; trong đó có nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho học sinh lớp 12 và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Thời gian ôn thi tốt nghiệp năm 2025 của nhà trường dự kiến thực hiện từ đầu tháng 5 đến trước ngày thi tốt nghiệp một tuần. Thông tư 29/2024/TT-BGD&ĐT ban hành có ảnh hưởng đến một số nội dung trong kế hoạch của nhà trường. Hiện trường đang dự thảo điều chỉnh một số nội dung trong kế hoạch đã ban hành từ đầu năm học để phù hợp với quy định.
“Trường THPT Nguyễn Huệ hiện có 8 lớp 12 với 324 học sinh. Học trò phần lớn sống tại vùng nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn. Chất lượng đầu vào học sinh của trường thấp so với hai trường cùng địa bàn nên khả năng tự học chưa cao. Quy định của Thông tư là mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 2 tiết/tuần. Điều này đồng nghĩa sau khi kết thúc chương trình theo quy định (cuối tháng 5/2025), học sinh phải tự học nhiều hơn so với trước đây”, thầy Phan Trọng Hải chia sẻ.
Khắc phục khó khăn
Chia sẻ giải pháp khắc phục khó khăn, thầy Phan Trọng Hải cho biết, tháng 2/2025, nhà trường tổ chức hội thảo cấp trường về rèn luyện kỹ năng tự học và cách dạy học sinh tự học; tuyên truyền dưới cờ, lồng ghép vào các hoạt động tập thể về tầm quan trọng của kỹ năng tự học cho học sinh.
Giáo viên dạy các môn học cũng tăng cường rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh thông qua hoạt động trên lớp, giao việc về nhà cho các em. Thầy cô chủ nhiệm tổ chức cho học sinh học tập theo nhóm để giải quyết các nhiệm vụ học tập được giao; đồng thời yêu cầu báo cáo kết quả học nhóm để giáo viên chủ nhiệm biết và hỗ trợ khi cần thiết.
Cùng với việc tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh để hỗ trợ học sinh tự học tại nhà, giáo viên chủ nhiệm cho học sinh lập kế hoạch học tập hằng ngày và yêu cầu thường xuyên kiểm tra lịch học tập của mình.
Nhà trường cũng yêu cầu các nhóm bộ môn xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn tập phong phú và đa dạng. Trong đó, chú trọng các câu hỏi mức biết, hiểu là chủ yếu để học sinh tự học tại nhà. Với các câu hỏi mức độ vận dụng cần trọng tâm, trọng điểm tránh tràn lan.
Giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; chuyển sang hỗ trợ học sinh tự học qua các hình thức trực tuyến (LMS, Zalo) là chủ yếu, dành thời gian dạy học trực tiếp giải quyết những vấn đề cốt lõi, trọng tâm. Nhà trường sẽ tập trung hỗ trợ học sinh chưa học tốt các môn học bổ sung kiến thức bằng các hình thức phù hợp với quy định, giao thêm bài tập nâng cao cho học sinh có kiến thức môn học tốt.
Triển khai Thông tư 29, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) dự kiến phương án điều chỉnh kế hoạch ôn tập. Theo đó, nhà trường phân loại học sinh theo kết quả học tập cuối học kỳ I thành chưa đạt và đạt trở lên (dự kiến nhóm chưa đạt khoảng 5 - 8% tổng số học sinh lớp 12). Xây dựng kế hoạch ôn tập với 4 môn cho học sinh từ đầu tháng 4 đến hết tháng 5. Nhóm đạt trở lên bố trí Toán, Ngữ văn 4 tiết/tuần/môn; trong đó, 2 tiết trả từ ngân sách và 2 tiết tự học. 2 môn tự chọn còn lại 3 tiết/tuần/môn; trong đó 2 tiết trả từ ngân sách và 1 tiết tự học.
Nhóm chưa đạt bố trí Toán, Ngữ văn 4 tiết/tuần/môn; trong đó, 2 tiết trả từ ngân sách và 2 tiết giáo viên dạy miễn phí. 2 môn tự chọn còn lại 3 tiết/tuần/môn; trong đó, 2 tiết trả từ ngân sách và 1 tiết giáo viên dạy miễn phí. Thời gian còn lại học sinh tự ôn tập tại nhà. Nếu có giáo viên tự nguyện ôn tập miễn phí, nhà trường bố trí thêm tiết để học sinh đến trường. Nhà trường sẽ báo cáo kế hoạch ôn tập để sở GD&ĐT đồng ý chi trả tiền dư giờ cho giáo viên ôn thi tốt nghiệp THPT từ ngân sách Nhà nước.
Với quy định này, có trường gặp khó khăn nhưng hoàn toàn có thể sắp xếp giáo viên phụ trách các môn học một cách hợp lý để dành cho việc ôn thi, giúp các em củng cố, tổng hợp lại kiến thức. Với trường hợp nào thì việc dạy thêm cũng không quá 2 tiết/tuần. Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học trò phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả. - Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT)