Giữ nguồn sống cho bản làng

Đồng bào dân tộc Thái ở thôn Tân Hiệp, xã Thanh Hòa, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) từ bao đời nay đã gắn bó và xem rừng là nguồn sống quý báu. Vì vậy, giữ rừng không chỉ bảo vệ tài nguyên của quốc gia, mà còn là giữ 'hơi thở xanh' cho các thế hệ con cháu mai sau.

Anh Lương Văn Bảy nhận thức rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Chung.

Anh Lương Văn Bảy nhận thức rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Chung.

Chúng tôi ngược về miền Tây của Thanh Hóa giữa ngày đông giá. Nhà của ông Lương Hồng Tiến, thôn Tân Hiệp (xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân) nằm khuất sau những cánh rừng. Năm nay đã bước vào tuổi ngoài 70 nhưng ông Tiến trông vẫn còn sức vóc. Khi biết chúng tôi lên đây để tìm hiểu về công tác giữ rừng của làng, ông đã không giấu được niềm tự hào, sự hồ hởi của mình từ sâu trong giọng nói, ánh mắt.

Ông Tiến kể: Ngay từ những ngày còn thơ ấu, cuộc đời ông đã gắn bó với rừng. Ông vẫn nhớ những lần theo cha đi đốn củi, hái măng, nhặt nấm. Làng đói mùa giáp hạt, người dân đau ốm đã có rừng lo hết. Vì vậy, ông và người dân thôn Tân Hiệp đã luôn ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng. Khi Nhà nước bắt đầu thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng, ông Tiến được giao quản lý, bảo vệ hơn 40ha rừng tự nhiên ở vùng tiếp giáp với tỉnh Nghệ An. Ngày ấy không chỉ dân làng mà ngay chính cả vợ con cũng bảo ông “gàn” vì nhận vùng rừng khó khăn nhất, xa nhất. Nhưng với ông thì khác: “Công tác bảo vệ rừng không chỉ của lực lượng chức năng mà còn là trách nhiệm, tình yêu của mỗi người dân Tân Hiệp. Mà khi đã “yêu” thì có gì phải so đo, tính toán”- ông Tiến nói.

Mỗi tháng ông Tiến lên rừng đôi ba lần, mỗi lần đi từ 2 - 3 ngày. Vào mùa măng, ông thường dựng lán ở lại trong rừng cả tuần. Trước mỗi hành trình, ông phải dậy từ rất sớm, khi con gà còn chưa gáy. Đồ đoàn mang theo cũng đơn giản với cái nồi nhỏ, gạo, mắm muối, lạc vừng, cá khô đủ dùng trong khoảng 3 ngày ở trong rừng... Mỗi lần đi tuần, nếu thấy dấu hiệu chặt phá rừng hay săn bắn trái phép, ông báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn. Đồng thời, ông luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tuyên truyền đến người dân sống xung quanh những cách nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ rừng, không xâm hại rừng.

Những người giữ rừng như ông Tiến lo sợ nhất chính là thời tiết. Vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất cao. Ông phải luôn bám sát địa bàn, theo dõi tình hình, tuyên truyền nhắc nhở người dân nâng cao ý thức sử dụng lửa khi vào rừng, hạn chế nguy cơ gây cháy rừng.

Giờ đây ông Tiến không chỉ vui khi nhìn những cánh rừng bạt ngàn xanh tốt, mà còn vui niềm vui của người đã tìm được người kế nghiệp khi đã “chồn chân, mỏi gối”. Với anh Lương Văn Bảy – con trai ông Tiến thì đây không chỉ là trọng trách, mà còn là công việc đầy thử thách được người cha giao phó. Diện tích rừng rộng hơn 40ha, nếu không có kinh nghiệm của thế hệ đi trước truyền lại thì bản thân anh khó có thể đảm nhiệm.

Trách nhiệm và sự hỗ trợ của Nhà nước cho những người bảo vệ rừng là động lực để tôi nối nghiệp cha, tiếp tục gắn bó với rừng”- anh Bảy chia sẻ. Mới đây, anh được nhận hơn 16 triệu đồng từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về bảo vệ rừng. Nếu như trước đây, những người giữ rừng chỉ nhận hỗ trợ về chính sách chi trả giao khoán bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng, thì nay những người bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập từ Nghị định 107/2022 ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (gọi tắt là chương trình ERPA).

Có thêm nguồn thu nhập, phần nào giúp anh Bảy cũng như nhiều người dân trong thôn Tân Hiệp giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tạo động lực bảo vệ rừng. Bên cạnh ý nghĩa kinh tế, chính sách mới còn thay đổi nhận thức trong cộng đồng về giá trị của rừng. Từ việc cung cấp các lâm sản phụ, nay rừng còn có vai trò trong bảo vệ môi trường, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều này giúp người dân hiểu rõ hơn vai trò của mình trong việc giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống.

Ông Lương Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết: Xã có 787ha rừng tự nhiên. Trong đó, có 625ha rừng được giao cho 103 hộ dân quản lý, bảo vệ; 162ha do UBND xã Thanh Hòa quản lý. Trung bình 1ha rừng sẽ được chi trả hơn 130 nghìn đồng theo chương trình ERPA. Như vậy, hàng năm người dân trong xã được thụ hưởng hơn 81 triệu đồng từ chương trình ERPA và UBND xã được thụ hưởng khoảng 21 triệu đồng.

“Mặc dù đang trong giai đoạn thí điểm nhưng chương trình ERPA đã cho thấy hiệu ứng tích cực trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân sống, gắn bó với rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi. Nhờ nguồn kinh phí này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương” - ông Dương cho biết thêm.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giu-nguon-song-cho-ban-lang-10296724.html
Zalo