Người chiến binh Tây Tiến oanh liệt trong chiến đấu, bình dị giữa lòng dân

Nghe tin cụ Nguyễn Xuân Sâm, cựu chiến binh (CCB) Tây Tiến ra đi về miền mây trắng ở tuổi 98, vẫn biết sẽ phải đến ngày này mà các con em Tây Tiến vẫn bồi hồi xúc động.

Bởi cụ như người cha, người ông, oai hùng mà gần gũi của thế hệ tiếp lửa Tây Tiến chúng tôi, người chiến binh anh tuệ, kiên trung và bình dị trong lòng dân.

Người chiến sĩ Tây Tiến góp phần trong chiến thắng Mường Láp, Houaphanh, Lào

Sinh ngày 2-3-1927, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, năm 18 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Xuân Sâm tham gia tổng khởi nghĩa 19-8 ở Hà Nội. Sau khi chiếm trại “Bảo An Binh” (số 40 Hàng Bài), những thanh niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh được phát súng vừa thu được trong trại "Bảo An Binh", rồi tổ chức thành tiểu đội, phân đội. Cán bộ tiểu đội, phân đội do anh em bầu. Các phân đội ở trại “Bảo An Binh” do đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy. Sau đó có một đơn vị được tách ra, khoảng 160 người, chuyển đi đóng ở “Nông lâm đại học đường” (bây giờ là trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Đơn vị được lệnh đi Tây Tiến, lúc đó gọi là đội “Võ trang trinh sát miền Tây” gồm 160 anh em do đồng chí Anh Đệ là đội trưởng, đồng chí Tuấn Sơn là đội phó và đồng chí Lê Hiến Mai là ủy viên Chính phủ cử đi để lãnh đạo.

Những chàng thanh niên Hà Nội từ đó xuất phát theo con đường số 6 đi Xuân Mai và lên tập kết ở thị xã Hòa Bình rồi đi đường tắt sang Lào. Tinh thần thời kỳ khởi nghĩa của dân tộc lúc đó rất cao và lý tưởng giành độc lập của mọi người đều hừng hực, tất cả sẵn sàng hy sinh cả của cải và tính mạng. Chàng trai Nguyễn Xuân Sâm đã lên đường với khí thế như vậy. Suốt dọc đường đi bộ, đến thị xã Hòa Bình nhân dân ra đón tiếp như ngày hội. Đoàn quân đi trong tiếng pháo nổ dọc đường, trong tiếng hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm”. Quân lính Nhật (còn đóng ở đấy) ngơ ngác nhìn cảnh người Việt Nam tiễn đưa con em của mình ra trận. Ra khỏi tỉnh Hòa Bình, đoàn quân đi tắt đường núi sang nước bạn Lào.

Chân dung CCB Nguyễn Xuân Sâm.

Chân dung CCB Nguyễn Xuân Sâm.

Sau nhiều ngày hành quân gian khổ, còn cách giặc khoảng một ngày đường, quân Tây Tiến dừng lại lấy tin tức. Kiều bào ở Sầm Nưa cử người đến báo: Giặc vừa chạy sáng 17-10-1945. Từ điểm tập kết thứ nhất, quân Tây Tiến gấp rút hành quân suốt đêm trong mưa. Sáng 18-10 thì đến thị xã Sầm Nưa. Quân Tây Tiến được kiều bào cho lương thực, sưởi ấm để lấy lại sức. Kiều bào cho biết tình hình về giặc rất đầy đủ, chính xác.

Ngay hôm sau, 19-10, từ điểm tập kết tại Sầm Nưa, đội “Võ trang trinh sát miền Tây” đã lên đường truy kích giặc. Sẩm tối 20-10 đội tập kích bất ngờ vào quân giặc ở Mường Láp. Giặc vừa tới Mường Láp đang nghỉ xả hơi, uống rượu, nhảy xòe, nhiều tên còn đang ở trần.

Tổ chiến đấu tiếp cận, nổ súng bắn địch. Các tổ chiến đấu khác ném lựu đạn lên sàn nhà, hô “xung phong”. Bọn giặc hoảng hốt chạy tán loạn vào rừng trong đêm tối. Chúng bỏ lại hàng trăm ngựa thồ, hàng trăm phu khuân vác, hàng đống súng đạn, điện đài, thuốc men và những đồ quân dụng khác.

Trận Mường Láp diễn ra ngày 20-10-1945, khi Đội võ trang vừa 2 tháng tuổi quân, mà địch là đội quân nhà nghề. Cuốn sách “Trung đoàn 52 Tây Tiến - 70 năm chiến thắng Mường Láp, Hủa Phăn, Lào” - NXB Chính trị quốc gia Sự thật có phân tích nguyên nhân chiến thắng này:

“Đó là nhờ uy danh của cách mạng. Thứ hai là tinh thần chiến đấu tiến công rất cao của cán bộ, chiến sĩ, đã vượt qua cuộc hành quân rất gian khổ, gặp giặc thì đánh giặc với tinh thần chiến đấu tiến công rất cao. Thứ ba là các đồng chí chỉ huy đã tỏ ra xuất sắc, dù cũng chỉ mới hai tháng tuổi quân. Trận đánh Mường Láp là một trận tập kích. Tập kích mà có đầy đủ yếu tố bất ngờ thì xưa nay chưa bao giờ không thắng, dù đối phương là kẻ địch mạnh… Đơn vị cũng đã làm tốt việc ngoại giao, dân vận, đã thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế với cách mạng Lào. Đã để lại cho bạn nhiều súng đạn, quân dụng, chiến lợi phẩm, giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang…”. Trận đánh Mường Láp ngày 20-10-1945 là một nét son của tình hữu nghị Việt - Lào, là một điểm sáng trong lịch sử quân tình nguyện Việt Nam ở Lào.

Trưởng thành cùng Trung đoàn 52 Tây Tiến, đặt tên xã Tự Do

Đội vũ trang trinh sát miền Tây sau này gọi là Tây Tiến 1. Nhiều đơn vị khác sau khi hoàn thành nhiệm vụ kìm chân giặc ở Thủ đô Hà Nội lần lượt chuyển lên mặt trận miền Tây. Đó là những đơn vị Tây Tiến 2, 3 (theo cách gọi của đồng chí Lê Hiến Mai).

Năm 1947, Tây Tiến 1 họp lại với Tây Tiến 2, 3 lập thành Trung đoàn 52 Tây Tiến. Lúc này đồng chí Nguyễn Xuân Sâm là Chính trị viên Đại đội 135, Tiểu đoàn 60 của Trung đoàn. Đồng chí Lê Duy làm Đại đội trưởng và đồng chí Kim Tuấn làm Đại đội phó. Sau đó ông Sâm là chỉ huy đại đội độc lập c130 thuộc trung đoàn chiến đấu giải phóng châu Ngọc Lâu, thành lập chính quyền cách mạng, đổi tên xã thành xã Tự Do.

Quân đội ta lúc đó thực hiện chiến tranh nhân dân, đánh hàng trăm trận làm cho địch khốn đốn bằng những chiến thuật tập kích, gây hỏa mù, lấy yếu thắng mạnh…

CCB Nguyễn Xuân Sâm và CCB Ngô Đình Nhung trong cuộc tọa đàm tại Hòa Bình năm 2012.

CCB Nguyễn Xuân Sâm và CCB Ngô Đình Nhung trong cuộc tọa đàm tại Hòa Bình năm 2012.

Trong tham luận của đồng chí Nguyễn Xuân Sâm tại Hội thảo khoa học lịch sử “Bộ đội Tây Tiến với Hòa Bình” có viết:

“Khi địch nhảy dù và tràn ra khắp tỉnh. Trên có chủ trương “Đại đội độc lập, Tiểu đoàn tập trung”. Đại đội tôi được biên chế lại và tăng cường mạnh. Đồng chí Ngọc làm đại đội trưởng, đồng chí Thịnh làm chính trị viên, tôi chuyển sang làm đại đội phó phụ trách xây dựng dân quân và lập chính quyền.

Chúng tôi bí mật luồn sâu vào vùng địch chiếm. Đi suốt ngày đêm, đang giấu quân ở bìa rừng cho anh em ngủ lấy lại sức thì gần buổi trưa bọn Tây ở Vụ Bản kéo đến tập kích. Bị bất ngờ chúng tôi rút vội, suýt mất cả chân bệ súng cối. Đó là do lang Quách Phát cho người chạy đi báo Tây. Người dân không dám tiếp xúc, chỉ đưa mắt nhìn thông cảm. Được tin dân mật báo, chúng tôi đi lùng bọn phản động này. Tìm kiếm nhiều giờ, chợt nghe tiếng ho dưới bờ suối. Chúng tôi gọi nó bỏ chạy. Chúng tôi bắn theo, tên này ngã gục, kéo lên bờ để đó thị uy. Sau đó bọn phản động im hơi, dân phấn khởi mạnh dạn tham gia cách mạng.

Sau đó giặc càn, đánh liên tiếp nhưng chúng đều thất bại vì bị đánh du kích. Dân tản cư vào núi, ủng hộ bộ đội. Du kích đánh giặc rất sáng tạo. Chúng mò lên Ngọc Lâu, bị bộ đội và du kích bắn tỉa, bị đánh bằng ong vò vẽ, thuốc độc bỏ trong rượu cần.

Khi vào hậu địch, cụ Quách Hy - Chủ tịch huyện, động viên và cấp cho chúng tôi 3 tạ gạo. Hết gạo, tôi vào nhà lang Quách Sức. Nó ăn lang cử vùng Ngọc Lâu. Sức có con là Quách Đăng làm chủ nhiệm Báo "Sao Trắng", báo của xứ Mường tự trị. Tôi bảo người nhà gọi nó về tôi hỏi chuyện. Nó không dám về, nhưng Báo “Sao Trắng” phải hạ giọng. Mẹ và vợ nó sai quan Đong, quan Vưng (Bùi Văn Đổm) mang lợn gạo đến ủng hộ. Cụ Thật ở xóm Gai bây giờ là chiến sĩ trẻ lúc đó.

Ngọc Lâu là cao nguyên nhỏ giáp Thanh Hóa, địa thế rất hiểm trở. Chúng tôi dùng làm địa bàn đứng chân. Hôm họp những người nòng cốt của vùng giải phóng mới, tôi cho người về báo cáo cụ Quách Hy, yêu cầu cụ cử cán bộ vào họp. Là xã trong vùng bị giặc kìm kẹp, người dân thèm khát tự do, tôi chợt nghĩ ra rồi đề nghị đổi Ngọc Lâu thành xã Tự Do. Mọi người nhiệt liệt đồng ý. Ông Đinh Công Phục người đại diện cho huyện vào họp cũng rất đồng ý. Ông về báo cáo với huyện và tỉnh chính thức lấy chữ Tự Do đặt tên cho xã.

Đó là thời điểm cuối năm 1947. Ngày nay, nhân dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình vẫn luôn nhớ CCB Nguyễn Xuân Sâm, vẫn về thăm cụ và cụ cũng nhiều lần lên thăm bà con khi đủ sức khỏe.

Là điểm tựa cho lớp con em Tây Tiến

Dù sau này chuyển ngành và giữ nhiều cương vị khác nhau như Bí thư Đảng ủy Cục trồng rừng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Tổng công ty chế biến và bảo quản Lâm sản…, ở cương vị nào, người CCB Tây Tiến Nguyễn Xuân Sâm cũng tận tâm, tận lực, dũng cảm, sáng tạo, gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Cụ là người đầu tiên thiết kế, chế thử và phổ biến bếp than tổ ong cho xã hội sử dụng trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề thời bao cấp.

Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến họp tất niên tại nhà cụ Nguyễn Xuân Sâm, năm 2022.

Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến họp tất niên tại nhà cụ Nguyễn Xuân Sâm, năm 2022.

Về đời tư, cụ lập gia đình năm 1956 với cụ bà cùng làng, sống hạnh phúc bên vợ hiền 68 năm, có 4 con, 8 cháu, 2 chắt, đều là kỹ sư, doanh nhân, sĩ quan cao cấp. Đặc biệt, cụ là nòng cốt của Ban liên lạc CCB Tây Tiến trước đây, gây dựng nhiều hoạt động ý nghĩa thắm tình quân dân trong cộng đồng mà nay lớp cháu con - Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến tiếp tục kế thừa và phát huy. Khi còn khỏe, năm nào Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến cũng họp tổng kết tại nhà cụ để được nghe những chỉ đạo sáng suốt của cụ trong hoạt động theo hướng tri ân và khuyến học của Ban. Các con em Tây Tiến đã duy trì hằng năm đi dâng hương liệt sĩ Tây Tiến tại các điểm di tích Tây Tiến ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, duy trì quỹ khuyến học ở Trường Tiểu học Sài Khao (Mường Lát, Thanh Hóa) và nhiều hoạt động khác. Cụ từng là linh hồn của các CCB Tây Tiến ít ỏi còn sống và của lớp con em Tây Tiến.

Thế là cụ đã về miền mây trắng, gặp lại đồng đội hồi 22 giờ ngày 25-11-2024, hưởng thọ 98 tuổi, để lại niềm tiếc thương và kính trọng vô bờ bến trong lòng những người thân yêu. Các con em Tây Tiến luôn tự hào và noi theo tấm gương của cụ.

NGÔ THỊ THANH THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/nguoi-chien-binh-tay-tien-oanh-liet-trong-chien-dau-binh-di-giua-long-dan-807534
Zalo