Giữ nghề làm muối ở Bạc Liêu
Với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, thời hoàng kim có diện tích làm muối lên đến hơn 6.000 ha nhưng đến nay, nghề làm muối ở Bạc Liêu chỉ còn gần 2.000 ha. Tỉnh cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực nhằm khôi phục, giữ vững nghề truyền thống nổi tiếng này.
Thủ phủ muối một thời
Những ngày đầu xuân Ất Tỵ, cũng là dịp cao điểm vào mùa sản xuất và thu hoạch muối, chúng tôi trở lại vùng ven biển xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình và xã Long Điền Đông, thuộc huyện Đông Hải - nơi vẫn được biết đến như thủ phủ muối của tỉnh Bạc Liêu.
Năm 2013, sản phẩm muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đáng chú ý, cuối năm 2020, nghề làm muối Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nghề làm muối ở Bạc Liêu có từ đầu thế kỷ XX. Ở thời điểm “lên ngôi” nhất, diện tích làm muối ở vùng ven biển của Bạc Liêu trải dọc bờ biển 56 km, từ xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu đến thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, thu hút hàng chục nghìn lao động. Nghề muối Bạc Liêu xưa kia có đóng góp khá lớn về tăng trưởng kinh tế cho tỉnh, đồng thời mang giá trị văn hóa gắn liền với cuộc sống của hàng nghìn diêm dân vùng ven biển, là tinh hoa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Muối Bạc Liêu rất nổi tiếng vì chất lượng cao, hạt muối có độ mặn không đắng chát. Bạc Liêu hiện là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, năm 2024, toàn tỉnh có gần 800 hộ dân làm nghề với hơn 1.500 lao động chuyên sản xuất muối. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nghề muối Bạc Liêu luôn đứng trước những thách thức lớn như phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết, làm nghề hết sức vất vả, giá muối thấp, được mùa thì mất giá… cho nên hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn gần 2.000 ha chuyên sản xuất muối, sản lượng ước đạt từ 15.000 đến 20.000 tấn muối hạt mỗi năm.
Chung tay giữ gìn nghề truyền thống
“Tuy nghề làm muối rất vất vả nhưng nó gắn bó máu thịt với gia đình tôi và nhiều hộ dân nơi đây đã gần 100 năm nay, với nhiều đời làm muối. Vì vậy, dù có khó khăn, vất vả, chúng tôi vẫn ráng giữ nghề”, anh Hồ Văn Niên, người làm muối giỏi nức tiếng nhiều năm ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải chia sẻ.
Tương tự, anh Phan Chí Tâm cũng là một trong những diêm dân nhiều năm gắn bó với nghề làm muối tại vùng quê này, được nhiều người dân địa phương mệnh danh là “vua muối”. Anh Tâm kể: “Nghề làm muối rất vất vả, nhưng điều đáng buồn là nhiều năm nay giá muối xuống thấp, luôn bấp bênh, có năm hạt muối làm ra không tiêu thụ được, người sản xuất bị lỗ vốn, chính vì vậy không ít hộ đành xót xa bỏ nghề... Chúng tôi chỉ mong sao các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương xem xét, tìm giải pháp giúp cho giá muối ở mức hợp lý để đời sống diêm dân bớt khổ. Có như vậy mới giữ và khôi phục được nghề làm muối lâu đời này”.
Theo các diêm dân ở vùng ven biển Bạc Liêu, hằng năm, việc sản xuất muối diễn ra trong mùa khô, tính theo âm lịch, thường bắt đầu từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Quy trình sản xuất muối nơi đây được hình thành và truyền qua nhiều thế hệ, đến nay, những kỹ thuật cơ bản vẫn được duy trì và áp dụng như yêu cầu bắt buộc, từ lấy nước, chứa nước và làm tăng độ mặn cần thiết, phơi kết tinh và thu hoạch...
Trong câu chuyện đầu xuân với chúng tôi, ông Trần Văn Thưa, Chủ tịch Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Doanh Điền ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải cho biết: Hợp tác xã hiện có 76 thành viên, với diện tích làm muối gần 70 ha. Thời điểm sau Tết Ất Tỵ 2025 cũng vào chính vụ sản xuất muối, dự kiến khoảng hơn nửa tháng nữa sẽ cho thu hoạch rộ vụ muối này.
Năm nay, do có một vài trận mưa trái mùa cho nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất. Hiện nay, hợp tác xã áp dụng mô hình sản xuất muối truyền thống (tức là lấy nước để lắng đọng muối trực tiếp trên nền đất) và muối trải bạt (tức sản xuất áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới, muối trắng tinh khiết hơn). So với giá muối truyền thống thì giá muối trải bạt cao hơn từ 400-500 đồng/kg, nhất là dễ xuất khẩu hơn.
Bên cạnh nghề làm muối, Hợp tác xã Doanh Điền còn sản xuất artemia (một loại ấu trùng dùng làm thức ăn trong ương nuôi ấu trùng tôm cá). Năm 2024, nhờ thời tiết thuận lợi cho nên artemia trúng vụ, thu về khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Riêng muối thu về lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha/năm. “Tuy nhiên, điều đáng lo nhất đối với hơn 70 thành viên hợp tác xã cũng như hàng trăm hộ dân sản xuất muối ở vùng biển Bạc Liêu hiện nay vẫn là điệp khúc được mùa mất giá. Bởi thực tế cho thấy, mấy năm qua, việc sản xuất, tiêu thụ muối của diêm dân vẫn luôn gặp nhiều trắc trở, bấp bênh...”, ông Trần Văn Thưa lo lắng bày tỏ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, diện tích sản xuất muối trải bạt của tỉnh hiện nay vẫn còn rất hạn chế, chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10% tổng diện tích muối toàn tỉnh. Để đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi sản xuất theo mô hình mới, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030, đặt mục tiêu không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng mà còn đa dạng hóa các sản phẩm muối, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Đến nay, Bạc Liêu mới xây dựng được hai nhà máy chế biến muối với tổng công suất hơn 36.000 tấn mỗi năm. Theo đó, việc đầu tư vào công nghệ như máy sấy muối của Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Những hạt muối trắng sáng, đồng đều về kích cỡ và vị mặn thanh đã vươn xa tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và một vài nước trong khu vực...
Nhằm tôn vinh và bảo tồn nghề làm muối, tỉnh chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình, kế hoạch tổ chức Festival nghề muối đầu tiên với quy mô toàn quốc, dự kiến diễn ra tại Bạc Liêu từ ngày 6 đến ngày 8/3/2025. Với chủ đề “Hành trình 100 năm nghề muối-Đời người”, Festival dự kiến sẽ có khoảng 100 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm muối, sản phẩm OCOP, sản phẩm muối kết hợp du lịch, hợp tác xã sản xuất, chế biến muối và các trang thiết bị, công nghệ; các hội nghị, hội thảo, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư...
Đây là dịp kết nối các nhà sản xuất, doanh nghiệp, tạo đà phát triển bền vững cho ngành muối, cũng là để khơi dậy tình yêu với nghề truyền thống trong thế hệ trẻ, thu hút nguồn lao động có trình độ tham gia vào sản xuất và kinh doanh muối. Thông qua Festival, chính quyền tỉnh mong muốn và kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ việc khai thác tiềm năng của ngành muối để nâng cao đời sống diêm dân, hướng tới mục tiêu làm giàu từ nguồn tài nguyên “vàng trắng”.
“Trong hành trình trăm năm, nghề muối ở Bạc Liêu là câu chuyện về giọt mồ hôi thấm đất, là bài học về sức mạnh bền bỉ và tinh thần đổi mới. Hạt muối của xứ biển này dù nhỏ bé, vẫn mang trong mình giá trị kinh tế lớn lao và là niềm tự hào của những người dân vùng đất mặn”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết.