Giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi
Nghề thủ công là một phần không thể thiếu làm nên nét độc đáo của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nghề đang dần mai một, thất truyền. Xuất phát từ tình yêu nghề được thế hệ trước truyền lại, trải qua bao thay đổi của thời cuộc, hiện tại, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa, Đặng Hương Lan là nơi duy nhất còn làm món đồ chơi truyền thống 'mặt nạ giấy bồi' ở phố cổ Hà Nội, món đồ chơi từng rất được yêu thích, nhất là mỗi dịp Trung thu.
Mặt nạ giấy bồi vốn là đồ chơi truyền thống phổ biến trong các dịp lễ, Tết của trẻ nhỏ. Bây giờ, tuy không còn phổ biến như xưa song những “cái mặt chơi được” này vẫn có sức hút nhất định.
Với ông Hòa, bà Lan, mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi đều có ý nghĩa riêng biệt, đó không chỉ là món đồ chơi mà còn là văn hóa Việt Nam. Phần lớn mặt nạ giấy bồi được chế tác từ những hình tượng mang màu sắc truyền thống, biểu trưng cho nền văn minh lúa nước, cùng một số nhân vật văn học điển hình khác. Và việc giữ được nghề cũng như truyền lại nghề cho người say mê văn hóa truyền thống, cũng chính là mong muốn của người nghệ nhân luôn đau đáu gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
45 năm chắc chắn là một hành trình dài, và với công việc làm mặt nạ giấy, để đi được quãng đường xa như vậy cần đến sự tỉ mỉ, chịu khó, kiên trì và một tình yêu sâu sắc dành cho nghề truyền thống. Và những giá trị tốt đẹp mà nghề thủ công đem lại chính là nguồn động viên lớn lao để những nghệ nhân như bà Lan, ông Hòa bền bỉ trên hành trình giữ gìn văn hóa truyền thống của Hà thành.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!