Mõ vang nhịp phách âm ba
Tôi theo đò về bến sông Văn Úc lên bờ đê dài xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Sóng nước mênh mang cùng đàn cò bay táo tác đi kiếm mồi sớm trong bãi sình lầy. Đất làng Nghi Dương xưa bám dọc sông Văn Úc được bồi đắp phù sa màu mỡ mà nên. Rồi bến sông cứ dần trôi ra xa vì phù sa dồn tụ theo thời gian. Mấy làng theo những đụn cát mới quây quần thành cộng đồng ngụ cư. Gió từ sông Văn Úc bay về vang vọng lời hát chèo rộn ràng bên chợ thôn.
Gió sông Văn Úc động biển khơi
Những người đi chợ cho tôi hay, đất Ngũ Phúc là đất chèo bên sông Văn Úc bao la. Khúc sông đi qua làng bắt đầu mở rộng hơn sông Luộc và sông Thái Bình đổ về trước khi trôi ra biển Đông. Tôi đi trong lời ca cổ mời chào tới chợ mới sớm ngày. Mọi người đang chuẩn bị vào hội làng Mõ (thôn Nghi Dương). Tôi nao lòng lắng nghe lời ca vọng từ sân đình: “Người về dọn quán bán hàng/ Để tôi là khách qua đàng vào chơi/ Mỗi người mỗi chốn mỗi nơi/ Gặp nhau ta kết ở đời với nhau…”. ("Dọn quán bán hàng" - chèo cổ). Những chùm nốt í a cuộn theo gió sông Văn Úc thổi về mát rượi.
Ngày ấy, thôn Nghi Dương còn hoang vu lắm, với những đụn cát đùn lên như núi đất thơm vàng. Cho tới khi thành vùng đất tổng Nghi Dương, vẫn còn lau lách hoang hoải trong chiều dài hơn 3 cây số ven sông. Những câu chuyện cổ tích cũng bắt đầu từ đây. Một người con gái từ kinh thành đã du ngoạn tới đây. Thuyền rồng đậu bến như định mệnh số phận của một người con gái kiều diễm nhưng đầy khổ đau. Nàng dựng am và xuống tóc tại gò đất thôn Nghi Dương (năm 1284).
Tiếng mõ đầu tiên vang lên nơi hoang vu này. Mái am chùa quạnh quẽ cùng tiếng chuông, tiếng mõ trong đêm lạnh. Một ngày mới đối với nàng là trồng những cây khoai, gốc sắn đầu tiên quanh chùa. Không một bổng lộc vua ban vì nàng là công chúa nhà Trần và bắt đầu bằng cuộc đời khổ hạnh, phong ba. Nàng chôn giấu một cuộc đời đau khổ vì tình yêu bằng niềm vui lao động. Những người nô bộc được gọi về quây quần bên nàng như một sự sẻ chia. Những quần cư xa xôi cũng dọn về thôn để nghe nàng chỉ dẫn khai khẩn đất đai, ngăn đê lấn biển.
Đó chính là cuộc đời công chúa Quỳnh Trân, chị ruột của Vua Trần Nhân Tông (1279-1293). Công chúa đã buông bỏ lầu son gác tía, trở về với dân gian trần thế. Một cuộc tình không tới. Hạnh phúc khổ đau đã biến nàng thành một tu sĩ để lánh xa danh vọng huy hoàng trong cung triều. Công chúa được học hành, đều hanh thông mọi công việc nên đã kêu gọi mọi người hội tụ dựng đất dựng làng quanh vùng.
Tuy trở thành tu sĩ nhưng công chúa không xa lánh cuộc sống. Quỳnh Trân tu sĩ đã dùng tiếng mõ của mình để làm hiệu lệnh tổ chức công việc và sinh hoạt trong cộng đồng nô bộc ngày đó. Tuy đã hơn 700 năm qua, tiếng mõ Nghi Dương tưởng như vẫn vang vọng những lời dặn dò của nữ sĩ: “Mõ vang nhịp phách âm ba/ Ai ơi ngừng việc về nhà họp vui/ Khi như gió vọng lưng trời/ Mõ mời mõ gọi mọi người góp công/ Cướp vào tiếng mõ điệp trùng/ Tay giáo, tay mác làng cùng bủa vây…”. (đồng dao). Cứ thế cuộc sống Nghi Dương hình thành trên những cánh đồng xanh tươi bên sông Văn Úc.
Làng Mõ đã hình thành bên chùa Mõ như vậy đó. Khi tu sĩ Quỳnh Trân tạ thế (năm 1308), người dân Nghi Dương đã tôn vinh bà là Chúa, là Thánh. Họ coi bà là người khai hóa mảnh đất cả vùng Kiến Thụy ngày nay và lập đền thờ ngay trong chùa Mõ. Những bí ẩn của cuộc đời công chúa tài sắc này đã được hóa giải trong lời kinh tiếng mõ. Một chí sĩ tới đây ngẫm ngợi thiên tình sử của công chúa khắc lời thơ rằng: “Mõ nghẹn đêm sao/ Rụng tiếng thở dài/ Khuya lạnh/ Sông mê”. (Mạnh trinh).
Cây đời hoa thắm phận người
Đến nay, di tích đền Mõ đã được 12 sắc phong của các triều đình. Công chúa Quỳnh Trân khi mất được Vua Trần Anh Tông (1293-1314) bổ sắc chỉ tôn phong là Trần Triều A Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa. Năm xã quanh vùng đã rước sắc phong về Nghi Dương lập đền thờ (năm 1308). Qua thời gian, đền và chùa Mõ được trùng tu nhiều lần và thường tổ chức lễ hội vào ngày 12/2 âm lịch hàng năm. Nhưng có một di tích và cũng là di sản gắn với cuộc đời của Bà chúa Mõ chính là cây gạo có tuổi đời 740 năm.
Tương truyền được ghi trong lịch sử chùa về cây gạo này chính do công chúa Quỳnh Trân trồng từ ngày đầu tới dựng am ở đây (năm 1284). Dân làng thường nói cây gạo tổ được nguồn sông nước Văn Úc nuôi dưỡng từ đầu. Khi công chúa dựng am ngày đó, còn bên bờ sông Văn Úc. Theo năm tháng phù sa bồi đắp, bến sông xa dần ngôi chùa cổ kính, nhưng mạch nước ngầm vẫn chảy về dưới tầng sâu lớp đất. Cây gạo quanh năm tươi tốt vì mạch nguồn đó suốt hơn 740 năm qua.
Cây gạo cao tới 30 mét tỏa bóng, cành vươn che mát tới cả ngàn mét vuông trong sân chùa. Đặc biệt, vào tháng Ba thì dân cả năm xã quanh vùng đều đón những bông gạo bay khắp nơi như tuyết trắng. Cây hoa đỏ rực như những ngọn đèn giữa trời xanh. Có người đã vịnh thơ: “Tiếng mõ trăm năm buông tình sử/ Hoa gạo đổ lửa một góc trời/ Đêm đêm sao chớp, trăng ngời sáng/ Gió sông Văn Úc động biển khơi” .(Văn Chi).
Có điều bất ngờ, cây gạo đã mọc thêm thân bên cạnh tạo nên dáng mẫu tử nhân nghĩa thân thương (chung gốc chính có đường kính dài 2 mét). Hai thân mẹ con đó làm cho chùa Mõ thêm linh thiêng về cội nguồn đời sống và sinh sôi phát triển. Không ít đôi vợ chồng hiếm muộn đã tìm về đây cầu bà Chúa Mõ ban phước lành cầu tự. Cứ thế cây gạo đâm cành phát lộc tươi mới theo thời gian. Người dân Ngũ Phúc hay dân Hải Phòng luôn tự hào về cây gạo tâm linh này. Đó là một cây đời biểu tượng cho sự trường tồn vĩnh cửu bên dòng sông cửa biển Văn Úc. Một cây gạo từ bi bao bọc cho cuộc sống bình yên. Đây là cây gạo duy nhất trong số 100 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam (xác nhận từ năm 2011) và giành kỷ lục cây hoa gạo già nhất Việt Nam (740 năm).
Mới đây Nhà hát Cải lương Hải Phòng đã trình diễn vở “Bà Chúa Mõ” nhằm tôn vinh công lao to lớn của Công chúa Quỳnh Trân trên đất Nghi Dương. Đây là tác phẩm sân khấu giàu tính nghệ thuật, tôn vinh truyền thống văn hóa và lịch sử của vùng đất Hải Phòng. Câu chuyện xúc động về cuộc đời Công chúa Quỳnh Trân gắn liền với hình tượng cây hoa gạo đã đi sâu vào đời sống tâm linh của người dân Kiến Thụy.
Tại ngôi chùa này, danh nhân Nguyễn Thông (1827-1884) đã tới và bày tỏ cảm xúc dạt dào: “Bao triều đại chìm vào quá khứ/ Những đền đài, thành quách đã nên rêu/ Cả những bậc quân vương từng ngạo nghễ/ Chẳng để lại gì một nấm cỏ tiêu điều/ Ta sống với nhân dân giữa xanh tươi đồng ruộng/ Bảy, tám trăm năm như chớp mắt, sá gì/ Hoa vẫn nở tháng ba từ dạo ấy…”.
Sự hội ngộ kỳ lạ
Đường tới cõi Phật của Công chúa Quỳnh Trân được sự đồng tình và khích lệ của Vua Trần Nhân Tông. Sau khi đánh đuổi giặc Nguyên giữ bình yên bờ cõi, chính Vua Trần Nhân Tông cũng đã theo gót chân thiền của Quỳnh Trân. Ngài đã yên tâm về đất nước “Xã tắc hai phen bon ngựa đá/ Non sông ngàn thuở vững âu vàng”.
Thế rồi ngài rũ áo lên núi ẩn tu sau 14 năm ở ngôi vua. Ngài đã trở thành thủy tổ của phái Thiền Trúc Lâm núi Yên Tử. Đồng thời ngài còn là một trong những nhà thơ thiền kiệt xuất đời Trần. Một trong những bài thơ ấn tượng của triết lý thiền tự của ngài là “Đêm mưa bão”. Không ai có thể quên những hình ảnh: “Bỗng trời nổi gió, bụi tung bay/ Ông chài say tít, mặc thuyền xoay/ Một dãy núi đồi vang tiếng sấm/ Sầm sập mưa rơi như thác đổ/ Thi nhau ánh chớp xé đêm dày/ Bất chợt bão tan, trời lại tạnh/ Trăng sáng ngoài thềm - canh mấy đây?”. (Trần Nhân Tông).
Thật trời xui đất khiến, khi hay tin chị gái đang ốm nặng, ngài đã hạ sơn tới chùa Mõ thăm nom. Biết bệnh tình của Quỳnh Trân công chúa không qua khỏi, ngài vô cùng đau khổ và hẹn cùng chị xuống tuyền đài. Quá bất ngờ, lúc công chúa Quỳnh Trân trút hơi thở cuối cùng dưới chùa, ngài cũng băng hà trên núi (ngày 3/11/1308). Thật đúng là:“Kiếp người - bọt sóng biển mênh mông/ Sống chết tại thiên chớ bận lòng”. (Trần Nhân Tông).