Giữ nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê

Xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có 4 buôn đồng bào dân tộc Ê Đê, gồm: Buôr, Nui, Ea Pô và Trum, với tổng số 747 hộ, hơn 4.170 nhân khẩu, chiếm 28% dân số toàn xã. Những năm gần đây, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát huy văn hóa truyền thống, các buôn đồng bào Ê Đê ở Tâm Thắng đã khôi phục mạnh mẽ nghề dệt thổ cẩm.

Đồng chí Trần Mạnh Trường, công chức văn hóa xã cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, có hơn 200 hộ ở các buôn đồng bào Ê Đê duy trì nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt, không chỉ các nghệ nhân cao tuổi mà cả những thiếu nữ trẻ, điển hình như H’Yanh Ê Ban và H’ Dunh Ktul ở buôn Trum cũng có tay nghề cao. Có những cháu nhỏ như chị em H’Nhanh Bkrông (sinh năm 2012), H’Nhân Bkrông (sinh năm 2014) ở buôn Buôr cũng đã biết dệt những sản phẩm có hoa văn đơn giản...

 Nghệ nhân H’Ok Bkrông ở buôn Trum, xã Tâm Thắng (Cư Jút, Đắk Nông) không chỉ dệt giỏi mà còn tích cực truyền nghề cho lớp trẻ.

Nghệ nhân H’Ok Bkrông ở buôn Trum, xã Tâm Thắng (Cư Jút, Đắk Nông) không chỉ dệt giỏi mà còn tích cực truyền nghề cho lớp trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, chị H’Banh Bkrông, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tâm Thắng cho biết: “Những năm qua, Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cư Jút mở được 4 lớp dạy dệt thổ cẩm cho 40 hội viên. Nhờ vậy, đến nay đã có 80 hội viên phụ nữ người Ê Đê biết dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị em”.

Được biết, nhằm duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm, Hội LHPN xã Tâm Thắng không chỉ mở lớp dạy nghề mà còn hỗ trợ về vốn, quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Điều đặc biệt trong việc phát huy nghề dệt thổ cẩm của bà con là năm 2021, xã đã thành lập Tổ dệt thổ cẩm buôn Nui. Hiện nay, tổ thu hút 22 thành viên tham gia, đây là những nghệ nhân có tay nghề cao, do Nghệ nhân Ưu tú H’Đá Êya làm tổ trưởng. Sản phẩm của Tổ dệt thổ cẩm buôn Nui được nhiều khách du lịch biết đến thông qua các hoạt động quảng bá du lịch cộng đồng; được các nhà thiết kế tin dùng trong thiết kế thời trang trình diễn trong và ngoài nước.

Theo nghệ nhân ưu tú H’Đá Êya, toàn bộ sản phẩm thổ cẩm của các nghệ nhân ở Tổ dệt thổ cẩm buôn Nui đều được làm thủ công, hết sức công phu, tỉ mỉ và có hoa văn, họa tiết tinh xảo, có giá thành khá cao. Chẳng hạn, áo thổ cẩm nữ hiện có giá bán 3,5 triệu đồng; áo thổ cẩm nam là 3,7 triệu đồng; chăn thổ cẩm có giá 5-7 triệu đồng. Nếu sản phẩm tiêu thụ tốt thì bình quân mỗi tháng, mỗi thành viên trong Tổ dệt thổ cẩm buôn Nui sẽ có nguồn thu nhập thêm 3-4 triệu đồng.

Việc duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Tâm Thắng không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống mà còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần quan trọng để năm 2016, xã Tâm Thắng về đích nông thôn mới và hiện nay đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Những buôn làng đồng bào Ê Đê ở Tâm Thắng đã trở thành những buôn văn hóa, buôn du lịch cộng đồng tiêu biểu trên vùng đất Nam Tây Nguyên.

Bài và ảnh: ĐỊNH THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giu-nghe-det-tho-cam-cua-nguoi-e-de-733806
Zalo