Giữ nghề đan gùi truyền thống
“Còn sức khỏe, tôi còn đan gùi. Nghề cha ông để lại, sao để mất!”, ông Y Không, 82 tuổi, thành viên cao niên nhất trong Tổ hội nghề nghiệp đan gùi truyền thống xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) vừa dứt lời, mấy thành viên còn lại cười sảng khoái, gật đầu tán đồng. Căn nhà sàn chợt ấm áp thêm bởi tiếng cười đùa trong tiết trời se se lạnh, lất phất mưa ngày cuối năm...
Cần sự kiên trì, khéo léo
Từ hồi 5 - 6 tuổi, ông Y Sum - Tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp đã được cha chỉ dạy đan gùi; từ cách chuốt sợi mây, vót nan lồ ô, đến luồn dây làm quai, lận nan làm vành, ngâm nước thân cây nhàu cho mềm để uốn chân gùi vuông vức. “Muốn đan gùi, phải vào rừng kiếm cây tre, cây lồ ô không non, không già, thân thẳng, lóng dài để chẻ được sợi nan suôn thẳng. Lồ ô tươi mang về chẻ sợi thô, gác bếp bảo quản, khi cần đan mới đem ngâm nước 1 ngày cho mềm, rồi chẻ, vót thật mỏng và đều tay. Khâu này rất dễ đứt tay vì sợi nan rất bén. Đan xong lại gác bếp, nhờ hơi bếp nóng làm gùi rút nước, định hình cứng cáp mới bền”, ông Y Sum chậm rãi giải thích.
Học nghề rất kỹ, làm nghề đã thạo, nhưng lớn lên, ông Y Sum cũng không rờ đến nan tre, phần vì mải làm thuê, làm rẫy, phần vì giỏ nhựa được bày bán khắp nơi. Đến khi bị bệnh, ngồi không ở nhà, ông mới nhớ đến cái nghề được cha truyền dạy. Thế là ông bắt tay vào đan gùi. Hàng xóm qua xem, thấy đẹp hỏi mua. Ai cũng khen gùi tre mang trên vai dễ dàng, ngậm nước thì dẻo dai, phơi nắng lại cứng cáp, đựng rau, trái không lo giập nát, dùng được 4 - 5 năm. Vài người cũng theo ông, bỏ công đan gùi… Giữa năm 2024, tổ hội nghề nghiệp đan gùi của xã chính thức thành lập với 7 thành viên, tạo việc làm và niềm vui cho những người yêu nghề thủ công truyền thống. “Đan gùi không khó, nhưng muốn có chiếc gùi đẹp, bền thì phải chịu khó, kiên nhẫn và có chút khéo léo”, ông Y Sum đúc kết, tay vẫn thoăn thoắt luồn từng sợi nan. Một chiếc gùi đan cầu kỳ mất hàng tuần, nhanh cũng tầm 2 - 3 ngày…
Giữ nghề ngay tại buôn làng
Bên bếp lửa đã tàn, câu chuyện của ông Y Không vẫn đượm nồng hồi ức xa xưa, từ thuở thấy các em bé Ê đê được mẹ bỏ vào gùi cõng lên rẫy, hay lũn cũn đeo chiếc gùi cỡ nhỏ theo cha mẹ đi tra hạt, trỉa bắp. Chiếc gùi theo các bà, các mẹ, các chị đi chợ, lên rẫy, ra bến nước. Gùi để đựng rau, trái cây, đựng suất cơm đi rừng, đựng thóc giống đi gieo hạt, gùi thóc về sau buổi thu hoạch... Chiếc gùi gần như gắn bó với cả cuộc đời của người dân, trở thành nét văn hóa truyền thống.
“Nghề đan gùi, nếu được duy trì ngay tại buôn làng của đồng bào Ê đê, sẽ giải quyết việc làm tại chỗ một cách bền vững”, bà Nguyễn Hồ Thị Minh Nhật - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tây khẳng định. Nhưng muốn động viên người dân giữ nghề, khuyến khích lớp trẻ học nghề, sản phẩm cần có đầu ra ổn định. Trong khi đó, những chiếc giỏ nhựa tiện lợi đã thay đổi thói quen của nhiều người. Việc gắn sản phẩm thủ công với du lịch làng nghề cần chiến lược quảng bá dài hơi và sự đầu tư bài bản… Tuy vậy, tín hiệu bước đầu khá lạc quan với tổ hội nghề nghiệp. Từ chỗ không ai biết, không ai dùng, sau nửa năm thành lập, tổ đã đan được khoảng 110 chiếc gùi, bán được 60 chiếc. Một số khách hàng nơi khác đã tìm hỏi mua. “Nếu được hỗ trợ máy móc để chẻ tre, tuốt nan thì số lượng gùi còn tăng nhanh hơn”, ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã nói. Bà H'Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, xã dự kiến sẽ tổ chức lớp dạy nghề đan gùi cho thế hệ trẻ; tích cực quảng bá qua đài truyền thanh, tại các hoạt động ở thôn, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày hội cúng bến nước. Đồng thời, khuyến khích người dân sáng tạo những mẫu mã mới như: Hộp đựng mỹ phẩm, đèn trang trí, gùi lưu niệm nhỏ xinh... “Tổ hội nghề nghiệp đã giúp giữ nghề truyền thống ngay tại làng nên chúng tôi quyết không bỏ nghề và sẵn sàng dạy cho lớp trẻ”, ông Y Không nói, sắc xuân bừng lên trên khuôn mặt nhuốm màu thời gian.