Giữ lửa yêu thương giữa thời đại số
Trong hành trình làm người, gia đình luôn là điểm tựa thiêng liêng và bền vững nhất. Đó là nơi có bàn tay cha vững chãi, vòng tay mẹ dịu dàng, là mái ấm với bữa cơm sum vầy chứa chan yêu thương...

Mái ấm gia đình là trường học đầu tiên nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Ảnh: ĐĂNG HẢI
Nhưng hơn cả chốn nương náu, gia đình còn là mái trường đầu tiên, nơi mỗi đứa trẻ học được bài học về lòng nhân ái, trách nhiệm và những giá trị sống để trưởng thành và đóng góp cho cộng đồng.
Gia đình không chỉ nuôi dưỡng thân thể, mà còn rèn luyện tâm hồn - một khởi đầu lặng lẽ nhưng sâu sắc cho hành trình trở thành người tử tế trong xã hội.
Gieo mầm tử tế cho thế hệ tương lai
Một đứa trẻ sinh ra phải học từ điều nhỏ nhất: Học ăn, học ngủ, rồi học cách nói năng, cư xử với ông bà, cha mẹ, anh chị em - tất cả đều bắt đầu từ gia đình. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại với nhiều thay đổi chóng mặt, không ít bậc cha mẹ trẻ loay hoay giữa những quan điểm giáo dục mới - cũ, cho rằng điều mà thế hệ trước dạy con không còn phù hợp với thời đại ngày nay.
Thách thức ấy không làm mờ đi vai trò của gia đình, mà ngược lại, càng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gắn kết, đồng hành và thấu hiểu giữa các thế hệ để nuôi dưỡng những tâm hồn tử tế giữa dòng chảy xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lê Bích Hồng, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, trong bối cảnh xã hội hiện đại, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mạng xã hội, cuộc sống đầy đủ, sung sướng hơn thì việc giáo dục trẻ cũng có sự khác biệt về phương pháp nhưng vẫn phải hướng tới những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Đó là sự yêu thương, đùm bọc, đoàn kết trong gia đình: “Chị ngã em nâng”; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”... tất cả đều hướng tới gia đình, hướng tới tổ tiên, hướng tới hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, với người lớn tuổi và biết chia sẻ với cộng đồng.
Trong bốn yếu tố nền tảng của giáo dục, gia đình luôn giữ vị trí đầu tiên. Chính từ mái ấm ấy, trẻ được uốn nắn những nề nếp đầu đời, học cách cư xử, yêu thương và trưởng thành trong vòng tay yêu dấu của cha mẹ.
Từ xa xưa, ông bà ta đã đúc kết: “Bé không vin, cả gãy cành” - lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của việc giáo dục từ thuở ấu thơ. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học hiện đại, nhiều gia đình đã chủ động thực hành thai giáo để gieo những hạt giống yêu thương và tri thức cho mầm sống đang tượng hình.
Cuộc sống gia đình có thể yên bình, nhưng thế giới ngoài kia đầy những biến động, cạnh tranh và thử thách. Chính vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ phải chuẩn bị cho con kỹ năng sống độc lập, khả năng thích nghi và một “chiếc cần câu” để con tự vững vàng trong môi trường xã hội.
Cha mẹ trong thời đại số không chỉ cần yêu con, mà còn phải học cách làm cha mẹ thông minh - biết kế thừa những giá trị truyền thống, đồng thời sáng tạo và linh hoạt trong cách dạy con phù hợp với thời đại mới.
Đó là hành trình giáo dục bằng sự gắn kết, yêu thương, chia sẻ, tôn trọng sự độc lập và cá tính của con trẻ. Hơn hết, cha mẹ cần học cách lắng nghe, không chỉ nghe bằng tai, mà còn bằng trái tim. Bởi mỗi đứa trẻ là một món quà vô giá, một sinh mệnh mang theo giá trị riêng, cần được nâng niu, chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần, đạo đức lẫn lối sống.
Gia đình hạnh phúc tạo nên xã hội thịnh vượng
Nhân ngày Gia đình Việt Nam năm nay, PGS.TS Nguyễn Bích Hồng đã gửi gắm thông điệp: Gia đình là nơi yên ấm nhất, là nơi để đi về, là tế bào của xã hội và là trường học đầu tiên để hình thành nên những con người tốt - những hạt nhân lành mạnh cho xã hội.
Gia đình tốt tạo ra xã hội tốt; gia đình hạnh phúc, quốc gia mới thịnh vượng. Và để có được điều đó, vai trò của cha mẹ không thể xem nhẹ, bởi chính họ là người định hình tư tưởng, trạng thái tâm lý và dạy con biết sống tự lập, biết vượt qua khó khăn để vươn lên.
Tuy nhiên, giáo dục trong gia đình không thể là chuyện của riêng cha mẹ. Đó là sự phối hợp hài hòa giữa các thế hệ. Ông bà, cha mẹ và con cháu vừa sống chung, vừa cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong việc giáo dưỡng con trẻ. Một mái ấm tràn ngập yêu thương, nơi mỗi người là tấm gương sáng cho thế hệ sau, sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn tâm hồn.
Cha mẹ thời hiện đại không nên là người áp đặt, mà phải là người truyền cảm hứng. Trong bối cảnh trẻ em tiếp xúc với thông tin sớm và sống giữa muôn vàn giá trị trái chiều, định hướng đúng đắn từ người lớn càng trở nên quan trọng. Trẻ sẽ không cảm thấy lạc lõng nếu có cha mẹ đồng hành, những người vừa là bạn, vừa là người dẫn đường.
Trong thời đại số, nơi mà các thiết bị công nghệ đang dần “xâm lấn” không gian gia đình, thì từng khoảnh khắc bên nhau lại càng trở nên quý giá. Một bữa cơm có đầy đủ các thành viên, một ánh mắt sẻ chia, một cái ôm đúng lúc - những điều tưởng như nhỏ bé ấy lại có thể nuôi dưỡng những giá trị lâu bền.
Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình trong thời kỳ hội nhập là trách nhiệm thiêng liêng, là sự tri ân với thế hệ đi trước và là món quà quý báu dành cho thế hệ tương lai. Gia đình - nơi khởi nguồn của tình yêu, của nhân cách và của sự trưởng thành - cũng chính là hạt nhân bền vững nhất cho một xã hội phát triển hài hòa và nhân văn.