Kiến tạo nền tảng vững chắc cho xã hội

Sau 24 năm bền bỉ tổ chức và phát triển, Bộ VHTTDL đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định vị trí trung tâm của gia đình trong xã hội. Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) đã trở thành dịp tôn vinh tình yêu thương, đồng thời là lời nhắc nhở về vai trò không thể thay thế của gia đình trong sự ổn định và phát triển bền vững của cộng đồng và đất nước.

Tác phẩm giành giải Nhì tại cuộc thi “Ảnh đẹp về gia đình” do Sở VHTTDL Hải Phòng tổ chức

Tác phẩm giành giải Nhì tại cuộc thi “Ảnh đẹp về gia đình” do Sở VHTTDL Hải Phòng tổ chức

Gia đình, với vai trò là tế bào xã hội, vừa là nơi ấp ủ tình cảm, vừa là nền tảng vững chắc cho mọi thành công trong hành trình trưởng thành của mỗi con người. Trong đó, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất, dạy dỗ những bài học đầu đời không nơi nào có thể thay thế được.

Mỗi hành động nhỏ đều là bài học lớn

Con cái không chỉ học từ lời dạy của cha mẹ, mà còn học từ chính cách sống, thái độ và ứng xử của cha mẹ trong đời sống hằng ngày. Bởi vậy, nói “cha mẹ là tấm gương cho con cái” vừa là một lời khuyên, vừa là một chân lý mang tính nền tảng trong việc giáo dục nhân cách con người.

Những gì cha mẹ thể hiện trước mặt con, từ cách đối nhân xử thế, cách nói năng, thái độ trước khó khăn, sự tôn trọng người khác... đều sẽ được con trẻ “sao chép” và hình thành dần trong tiềm thức. Khác với người lớn học bằng lý trí, trẻ em học bằng bắt chước. Cha mẹ nóng nảy, con dễ cáu gắt. Cha mẹ hiền hòa, con học được sự kiên nhẫn. Cha mẹ biết lắng nghe, con sẽ học cách thấu hiểu.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Gia đình là nơi con người ta được nuôi dưỡng, chăm sóc và học hỏi những bài học đầu tiên về cuộc sống. Cha mẹ là người đặt nền móng cho sự phát triển nhân cách, đạo đức và những kỹ năng sống cơ bản của các con. Những lời dạy dỗ, những hành động và tấm gương của cha mẹ có tác động lâu dài, sâu sắc đến con cái, hình thành nên tính cách, suy nghĩ và cách ứng xử của trẻ sau này.

Cha mẹ còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi con người từ nhỏ cho tới khi trưởng thành. Sự quan tâm, động viên kịp thời lúc vui cũng như lúc buồn sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống, vượt qua khó khăn và thử thách. Khi có một gia đình hạnh phúc, trẻ sẽ có một môi trường sống lành mạnh, an toàn và phát triển toàn diện. Vì vậy, việc xây dựng một gia đình hạnh phúc, ấm áp, yêu thương là vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ mà còn là của mỗi thành viên.

Trong cuộc sống gia đình, nếu những bậc làm cha mẹ biết nhường nhịn nhau, những đứa con của họ sẽ học được sự yêu thương. Hoặc khi cha mẹ cư xử tử tế với người giúp việc, với hàng xóm, con trẻ sẽ biết cách tôn trọng người khác. Thậm chí, những hành vi tưởng chừng rất nhỏ như cha mẹ xếp hàng nghiêm túc nơi công cộng, bỏ rác đúng nơi quy định, đọc sách mỗi tối... cũng trở thành những bài học quý giá cho con về kỷ luật, văn hóa và nhân cách sống.

Ngược lại, khi cha mẹ văng tục, chửi thề, lái xe ẩu, hành xử thô lỗ hoặc “nói một đằng, làm một nẻo”, con cái sẽ hấp thụ những lệch lạc đó, mà chính người lớn không hề nhận ra. Điều này lý giải vì sao có những đứa trẻ trở nên vô cảm, thiếu kiềm chế hoặc phản ứng tiêu cực chỉ vì sống trong một môi trường giáo dục đầu đời chưa lành mạnh.

“Điều định hình nhân cách con cái mạnh mẽ nhất không phải là những lời răn dạy, mà là hành vi nhất quán của người lớn. Trẻ em không cần cha mẹ hoàn hảo, nhưng cần người lớn sống thật, có trách nhiệm và dám sửa sai. Chúng ta có thể sai, nhưng điều quan trọng là dám chịu trách nhiệm với lời nói, hành động của mình. Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác, cần thể hiện bản lĩnh nhận lấy hậu quả, từ đó dạy con sự mạnh mẽ và đáng tin”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định.

Các gia đình nhiều thế hệ được vinh danh tại Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 24 năm ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001 - 28.6.2025) tại Bảo tàng Hà Nội

Các gia đình nhiều thế hệ được vinh danh tại Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 24 năm ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001 - 28.6.2025) tại Bảo tàng Hà Nội

Xây dựng nền tảng xã hội từ giá trị gia đình

Với GS.TS Đặng Cảnh Khanh, hiện các gia đình Việt Nam có nhiều phương pháp giáo dục con rất khác nhau. Có những phụ huynh áp dụng nuôi dạy con theo phương pháp mới, cởi mở nhưng không chọn lọc, nuông chiều, dẫn tới con cái sống theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa, chỉ biết đến bản thân.

Ngược lại, có không ít gia đình cho đến nay vẫn còn áp dụng những quy chuẩn “gia quy”, “gia giáo”, “gia phong” truyền thống mà nhiều khi đã xâm phạm tới cả “quyền trẻ em”. Cạnh đó, không ít gia đình, do bận bịu công việc mưu sinh đã không coi trọng việc giáo dục trong gia đình, buông lỏng con cái, ỷ lại, trông chờ vào nhà trường, cộng đồng và xã hội. Điều này cho thấy sự lúng túng trong phương pháp giáo dục con cái của nhiều gia đình hiện nay.

“Việc thường xuyên gần gũi tâm sự với con cái là rất quan trọng. Nó sẽ giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, cha mẹ dễ định hướng cho con, giúp chúng sửa chữa sai lầm một cách kịp thời. Tuy nhiên, việc giáo dục con cái trong gia đình cũng chỉ đạt được hiệu quả khi chính các bậc cha mẹ thực sự là những người biết tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, văn hóa chung, là tấm gương sáng cho con cái học tập”, GS.TS Đặng Cảnh Khanh khẳng định.

Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 năm nay với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” không chỉ là một thông điệp ý nghĩa mà còn là kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng xã hội bền vững từ nền tảng gia đình. “Muốn đất nước phát triển bền vững, không thể chỉ dựa vào chính sách kinh tế, mà phải bắt đầu từ những tế bào khỏe mạnh của xã hội, đó chính là gia đình”, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình.

Gia đình là chiếc nôi hình thành nhân cách, là nơi gieo trồng những giá trị sống đầu tiên cho mỗi con người. Muốn con trưởng thành tử tế, cha mẹ cần bắt đầu từ chính mình, sống mẫu mực, yêu thương, có trách nhiệm. Khi từng gia đình trở thành môi trường nuôi dưỡng tốt đẹp, xã hội sẽ dần được xây trên nền móng bền vững, văn minh.

THÚY HIỀN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/gia-dinh/kien-tao-nen-tang-vung-chac-cho-xa-hoi-149079.html
Zalo