Giữ lửa truyền thống bước vào kỷ nguyên mới

Đi qua những năm tháng của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, trở về với cuộc sống đời thường, những nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến năm xưa tiếp tục mang trong mình tâm huyết cháy bỏng 'giữ lửa truyền thống' cho thế hệ trẻ.

Gìn giữ truyền thống tự hào

Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thành công, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc đấu tranh thống nhất non sông. Thế nhưng, một thách thức hết sức nan giải lúc đó đặt ra với chính quyền cách mạng non trẻ là phải nhanh chóng củng cố an ninh chính trị, trật tự xã hội và cải tạo, ổn định xã hội. Lúc này, những người lính Cụ Hồ lại tiếp tục phát huy truyền thống “Thành đồng Tổ quốc” trong khôi phục, cải tạo xã hội sau chiến tranh.

Ông Dương Anh Đức - Bí thư Quận 1, TPHCM tặng hoa Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu tại buổi giao lưu nhân chứng lịch sử, gia đình có công, lão thành cách mạng đang nghỉ hưu và sinh sống tại TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Ông Dương Anh Đức - Bí thư Quận 1, TPHCM tặng hoa Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu tại buổi giao lưu nhân chứng lịch sử, gia đình có công, lão thành cách mạng đang nghỉ hưu và sinh sống tại TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM còn nhớ như in những năm đầu sau giải phóng Sài Gòn - TPHCM bước vào thời kỳ vô cùng khó khăn. Đó là ký ức về một thời người dân thành phố phải ăn độn khoai sắn, bo bo, lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ phải lo “chạy gạo từng bữa” cho người dân; tìm mọi cách để tháo gỡ những rào cản quy định không phù hợp về lưu thông, phân phối để có gạo cho dân. Bà Thảo rất xúc động vì cho đến hôm nay truyền thống vì dân của các thế hệ lãnh đạo thành phố tiếp tục được phát huy, giúp thành phố khẳng định vị thế “đầu tàu” kinh tế cả nước; còn người dân được ấm no, hạnh phúc. Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM chia sẻ, nói về truyền thống đáng tự hào “Thành đồng Tổ quốc” không thể không nhắc đến “cuộc ra quân 10.000 thanh niên xung phong” (TNXP). Thời điểm ấy, các tỉnh miền Nam lần lượt tổ chức lực lượng TNXP để góp phần cải tạo xã hội, xây dựng kinh tế mới. “Đó là bước chuyển mạnh mẽ từ ý thức dân tộc chia rẽ hàng trăm năm do đất nước bị xâm lược, sang hòa hợp, đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động vì Tổ quốc thống nhất”.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân rưng rưng nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ hừng hực khí thế yêu nước và thời gian là điệp viên tình báo giữa lòng địch.

Ông Tư Cang kể, những người lính trẻ lúc ấy chỉ có thể dựa vào lòng dũng cảm và niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng làm động lực để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. “Mỗi bước đi là một lần cân não, mỗi quyết định là một lần đánh cược cả tính mạng nhưng chưa bao giờ thấy sợ hãi vì Tổ quốc cần mình”. Không những vậy, người anh hùng tình báo nay đã ở tuổi 98 còn luôn tin tưởng: “Phía sau chúng tôi là đồng đội, là nhân dân, là Tổ quốc”. Vì vậy, ông và các đồng đội của mình đã không lùi bước trước mọi gian truân, hiểm nguy. Vào đêm 30/4/1975, sau khi cờ giải phóng đã bay phấp phới mọi nơi trong thành phố, Đại tá tình báo Tư Cang có cuộc trùng phùng đầy xúc động trong một giờ đồng hồ để thăm gia đình trước khi tập trung về đơn vị. Đối với những người lính Cụ Hồ, đó là niềm hạnh phúc và sự đền đáp xứng đáng khi đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc.

Xứng danh thế hệ trẻ “thành phố mang tên Bác”

Lưu giữ trong tim những ký ức đáng tự hào của gia đình và truyền thống “Thành đồng Tổ quốc” của thành phố mang tên Bác, những nhân chứng lịch sử năm xưa trở về với cuộc sống đời thường hôm nay, tiếp tục là tấm gương sáng để “truyền lửa” mạnh mẽ cho lớp lớp thế hệ trẻ.

Có cha là người lính Cụ Hồ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tá Ngô Mạnh Khẩu, nguyên cán bộ Ban Quản lý Dự án 45 - Bộ Quốc phòng tự hào khi nhớ lại: Lúc Sài Gòn vừa giải phóng, tôi mới khoảng 15-16 tuổi, cha vừa tham gia chiến trường miền Nam, tiếp tục ở lại để tiếp quản thành phố sau chiến tranh.

Đại tá Ngô Mạnh Khẩu cũng cho biết, anh em của ông và những con cháu trong gia đình đã nối tiếp truyền thống hào hùng, tiếp tục học tập không ngừng, để cống hiến cho thành phố và đất nước.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, Th.S Nguyễn Tuấn Anh, nguyên cán bộ Tuyên giáo tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết: “Tôi vẫn luôn tin rằng, nền tảng lớn nhất để một con người biết yêu Tổ quốc chính là từ gia đình. Với tôi, đó là hình ảnh của ba - người đàn ông miền Nam giản dị, kiệm lời nhưng sâu sắc, suốt đời sống vì gia đình và nghĩa tình với đồng chí, đồng đội”. ThS Nguyễn Tuấn Anh kể, anh đã lớn lên trong những câu chuyện đời thường của ba, về tình làng nghĩa xóm, về lòng thủy chung son sắt với quê hương, về cái nghĩa cái tình không thể đong đếm của người dân miền Nam. Chính từ gia đình ấy, từ tấm gương sống tử tế, lương thiện và nhân hậu của ba, anh học được tình yêu đất nước không bằng lời hô hào, mà bằng sự dấn thân lặng lẽ, trách nhiệm với cộng đồng và khát vọng làm điều gì đó tốt đẹp hơn cho quê hương.

Chia sẻ niềm tự hào của mình trong những ngày tháng Tư lịch sử này, thầy giáo Nguyễn Hùng Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1, TPHCM) xúc động cho biết, hướng đến những trọng đại của thành phố và đất nước, tập thể thầy và trò sẽ tiếp bước cha anh, tiếp tục nỗ lực không ngừng để Trường THPT Ten Lơ Man trở thành “ngôi trường hạnh phúc”. Bởi vì, nơi đây là “cái nôi” của phong trào học sinh, sinh viên thành phố trong 75 năm qua, và hôm nay tiếp tục phát huy, giữ lửa truyền thống đáng tự hào ấy cho các thế hệ học trò kế tiếp. Theo thầy Nguyễn Hùng Khương, ngôi trường Ten Lơ Man, trước đây có tên Tôn Thọ Tường, vào 75 năm trước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Quyền Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đọc bài diễn văn mang tính lịch sử, lên án mạnh mẽ tội ác của thực dân, đế quốc.

Lời hiệu triệu tinh thần đoàn kết, yêu nước của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ năm xưa đã trở thành ngày truyền thống của phong trào trí thức, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn xuyên suốt cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lấy ngày này là ngày truyền thống, tập thể thầy cô giáo và học sinh nhà trường Ten Lơ Man đã duy trì tổ chức từ nhiều năm qua. Theo thầy giáo Nguyễn Hùng Khương, việc này nhằm luôn nhắc nhở các thế hệ thầy cô giáo, học sinh trường Ten Lơ Man giữ lửa truyền thống, quyết tâm dạy tốt, học tốt để cùng Thành phố và cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Theo ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, ôn lại truyền thống không chỉ để tự hào, thể hiện lòng yêu nước, mà còn là cách thế hệ trẻ tiếp bước những thế hệ TNXP đã cống hiến cả tuổi trẻ, thanh xuân để cải tạo xã hội, đưa chính quyền nhân dân non trẻ từ “đi trước, về sau” đến “đi trước, về đích trước” và thành phố mang tên Bác đã khẳng định được vị thế “đầu tàu” của mình trên nhiều lĩnh vực, mà công đầu thuộc về những thế hệ trẻ tiếp nối đầy năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giu-lua-truyen-thong-buoc-vao-ky-nguyen-moi-10304805.html
Zalo