Giữ lửa nghề truyền thống trăm năm

Nhờ sự sáng tạo và nhiệt huyết của giới trẻ, những nghề truyền thống giờ đây mang một làn gió mới, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Lửa thử vàng…

Gần đến tết, các đơn đặt hàng trang sức đá quý, vàng, bạc tăng cao nên mỗi ngày, chị Phạm Thị Thu Hằng (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An) phải làm đến tối mới xong công việc. Với niềm đam mê chế tác trang sức, chị quyết định theo nghề kim hoàn gần 3 năm nay.

Những ngày đầu học nghề, chị gặp nhiều khó khăn khi quan sát làm sao nắm được tổng thể nữ trang, cách mài gò, đập giũa sao cho sản phẩm chỉn chu từng chi tiết,... Vậy mà theo học nghề không bao lâu, chị bỗng yêu công việc đầy tỉ mỉ này.

Công đoạn làm sáp trước khi đúc vàng cần người thợ phải sáng tạo, tỉ mỉ để có thành phẩm đẹp

Công đoạn làm sáp trước khi đúc vàng cần người thợ phải sáng tạo, tỉ mỉ để có thành phẩm đẹp

Chị Hằng chia sẻ: “Công việc này không phân biệt người thợ là nam hay nữ, chỉ cần có niềm đam mê và kiên nhẫn học hỏi đều có thể theo nghề. Từ khi làm thợ kim hoàn đến nay, tôi có thu nhập ổn định, đủ nuôi sống bản thân và gia đình; đồng thời; tôi có thể cải thiện khả năng thẩm mỹ, học hỏi được nhiều kiến thức mới liên quan đến cái đẹp, nghệ thuật”.

Tại nơi làm việc, chị Hằng phụ trách khâu làm sáp mô phỏng kiểu dáng nữ trang. Theo chị, công việc này tương đối phức tạp, đòi hỏi người thợ tập trung cao độ. Đầu tiên, người thợ sẽ thiết kế mẫu nữ trang thông qua máy tính, sau đó đưa vào máy chạy khắc thành sản phẩm mẫu.

Từ mẫu đó, thợ đem ép vào khuôn tạo hình, bơm sáp thành mô hình có màu xanh lá đậm hoặc xanh ngọc. Từ mô hình sáp này, người thợ bắt đầu chỉnh sửa các chi tiết xấu, cơi nới các ni nhẫn sao cho phù hợp với khách hàng.

Sau khi hoàn thành, các mẫu sáp được cắm cây thông và chuyển sang công đoạn đúc vàng.

Ngày nay, công việc của người thợ kim hoàn có phần đỡ vất vả hơn so với trước bởi áp dụng các máy móc, kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, những phương pháp mới này không làm mất đi sự sáng tạo, nhiệt huyết của những ai đam mê nghề.

“Vất vả nhất là khi nữ trang được thiết kế với nhiều chi tiết quá nhỏ, có độ khó cao, người thợ phải lành nghề để cân chỉnh sao cho các đường nét hài hòa, cân đối. Điều này tốn khá nhiều thời gian nhưng tôi cũng cảm thấy rất vui và tự hào khi có thể hoàn thành một sản phẩm cao cấp như thế” - chị Hằng bộc bạch.

Nói về dự định sắp tới, chị Hằng mong muốn có thể học hỏi thêm nhiều kiến thức, nâng cao chuyên môn để thiết kế nhiều mẫu nữ trang đẹp mắt, đa dạng, phù hợp xu hướng hiện đại.

Qua đó, chị hy vọng có thể góp phần lan tỏa đam mê này đến nhiều người trẻ có cùng niềm yêu thích với nghề chế tác nữ trang.

... Gian nan thử sức

Cận Tết Nguyên đán, em Trần Đoàn Nhất Vinh (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) bận rộn hơn các dịp khác trong năm vì theo đoàn múa bóng rỗi biểu diễn ở nhiều nơi.

Hồi 6, 7 tuổi, em thường cùng gia đình ra các đình, chùa, miếu để xem múa bóng rỗi và cảm thấy yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Đến đầu năm 2024, em suy nghĩ gần 2 tháng về việc theo đuổi đam mê. May mắn em được nghệ nhân múa bóng rỗi Huỳnh Hoa hỗ trợ giảng dạy miễn phí.

Những lúc nghỉ hè, nghỉ tết, em thường chạy xe từ Bến Tre lên TP.Tân An 2-3 tuần/lần để học bài rỗi mời Bà, múa chén bông, mâm vàng, vòng càn khôn, cần nhạo. Còn những tháng bận học thì trung bình mỗi tháng em dành 1 ngày lên nhà nghệ nhân để học.

Em Đoàn Nhất Vinh (giữa) là một trong những học trò theo đuổi bộ môn múa bóng rỗi nhỏ tuổi nhất của nghệ nhân Huỳnh Hoa

Em Đoàn Nhất Vinh (giữa) là một trong những học trò theo đuổi bộ môn múa bóng rỗi nhỏ tuổi nhất của nghệ nhân Huỳnh Hoa

Quãng đường từ nhà đến TP.Tân An hơn 90km nên Vinh phải dậy chuẩn bị từ sớm. Em thường đi vào ngày thứ bảy, chủ nhật rồi luyện tập đến chiều tối mới về quê.

Ngoài ra, mỗi ngày, Vinh còn dành khoảng 2 giờ xem video của nghệ nhân Huỳnh Hoa và luyện tập theo để thuần thục, quen tay quen chân, lúc biểu diễn không bị lóng ngóng.

Trong quá trình theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, Vinh gặp không ít khó khăn, nhiều lúc gặp tai nạn nhỏ trong quá trình biểu diễn nhưng em vẫn không từ bỏ đam mê. Chia sẻ về định hướng sắp tới, Vinh cho biết, sau khi hoàn thành chương trình THPT, em tiếp tục học đại học, song song đó vẫn đều đặn tham gia các buổi biểu diễn múa bóng rỗi.

Vinh đang sinh sống cùng cha mẹ và anh trai. Do tính chất công việc nên cha em thường xuyên vắng nhà, đôi lúc đi biển đến 2-3 tháng mới về một lần. “Cha em làm ngư dân, câu mực biển nên công việc khá vất vả. Có những hôm biển động, thời tiết xấu, gia đình em nơm nớp lo sợ, không biết cha ở ngoài khơi có ổn không? Mỗi lần thấy cha trở về bình an, em và mẹ lại thở phào nhẹ nhõm. Hiện mẹ em làm nội trợ, thường làm mồi tôm giả cho cha câu mực và chăm sóc anh trai. Từ khi sinh ra đến giờ, tâm trí của anh không ổn định, hay cáu gắt bất chợt và không thể nghe cũng như nói chuyện”.

Ý thức gia đình còn nhiều lo toan, Vinh luôn cố gắng học tập thật tốt để sau này có công việc ổn định đỡ đần cha mẹ. Em cho biết, gia đình sống tình cảm nên luôn ủng hộ, động viên em theo đuổi và gìn giữ nét đẹp của bộ môn múa bóng rỗi cổ truyền Nam Bộ.

Thế hệ người trẻ như chị Phạm Thị Thu Hằng và em Đoàn Nhất Vinh không chỉ gìn giữ lửa nghề truyền thống mà còn kế thừa tinh hoa văn hóa quý báu, không ngừng học hỏi, trau dồi nhằm tạo ra những giá trị mới./.

Ngọc Hân - Hoàng Lan

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-lua-nghe-truyen-thong-tram-nam-a188861.html
Zalo