'Giữ lửa' nghề tại làng hương xạ truyền thống gần 300 năm ở Hưng Yên
Với gần 300 năm làm nghề, làng hương thôn Cao, xã Bảo Khê (Hưng Yên) được ví như cái nôi của nghề làm hương Việt Nam; những ngày cuối tháng 11.2024, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi tìm về nơi đây và được chứng kiến bà con đang khẩn trương làm những mẻ hương để kịp cung ứng hàng cho thị trường dịp cuối năm.
Gìn giữ bản sắc làng nghề
Dịp cuối năm, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi về thăm làng nghề hương xạ thôn Cao (thành phố Hưng Yên) - một trong những làng nghề cổ và có tiếng của tỉnh Hưng Yên; bước chân đến đầu làng, mùi hương thuốc bắc đã thoang thoảng, bao trùm. Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống thôn Nguyễn Như Khanh vui vẻ cho biết: mùi hương này được tổng hợp từ bột 36 - 40 vị thuốc bắc nguyên liệu là thảo dược như: quế chi, hoàng đàn, hồi, hương bài, đinh hương, cam thảo... Làng nghề hương được hình thành vào thế kỷ XVIII, đến nay đã được hơn 300 năm; bà Đào Thị Khương, người con gái tài sắc của làng lấy chồng xa xứ đã học được nghề làm hương xạ, khi trở về quê truyền lại cho dân làng và hình thành một làng nghề truyền thống. Từ đó đến nay, nghề làm hương nhang ở thôn Cao vẫn được cha truyền con nối, ngày càng khẳng định được thương hiệu và bản sắc.
Theo ông Khanh, làng được gắn với cái tên hương xạ do mỗi sản phẩm hương nhang đều được sản xuất với đầu vào là dược liệu quý từ thiên nhiên có công dụng trong y học, có tác dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe người sử dụng; toàn bộ sản phẩm làng nghề đều là hương sạch được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên, không chứa hóa chất độc hại.
Tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề
Theo lời kể của người dân làng nghề hương xạ thôn Cao, trước đây, nghề làm hương rất vất vả, phương thức thủ công, lăn bột nhang bằng tay nên chất lượng sản phẩm thấp, lại tốn nhiều thời gian. Sản phẩm được người dân làm lúc bấy giờ chủ yếu là nhang đậu tàn - nhang quăn. Quy trình làm sản phẩm trước đây phải mất 4 - 5 tháng từ khâu chọn nguyên liệu làm tăm hương, ngâm nguyên liệu, rồi phơi nắng và chẻ tăm hương bằng tay. Nay, người dân đã biết tận dụng các máy móc hiện đại nên các khâu sản xuất hương nhang cũng trở nên đơn giản, dễ dàng hơn.
Trải qua gần 300 năm hình thành và phát triển làng nghề, hiện nay thôn Cao có trên 100 hộ làm nghề với trên 500 lao động thường xuyên; số hộ tham gia Hội làng nghề truyền thống đã lên 90 hộ, chiếm 80% số hộ tham gia sản xuất nhang hương tại làng nghề.
Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống thôn Cao Nguyễn Như Khanh cho biết: hiệu quả sản xuất nhang bằng máy gấp 5 lần so với trước đây, đồng thời dễ làm, không còn vất vả như trước; nếu chăm chỉ, ngoài công việc gia đình, cũng kiếm thêm khoản thu nhập ổn định khoảng 100.000 - 200.000 đồng/ngày/người. Nghề làm nhang đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhàn rỗi.
Theo anh Nguyễn Như Thành, chủ cơ sở sản xuất hương thảo mộc Tâm Nguyên, từ khi áp dụng máy móc vào sản xuất nhang, các quy trình sản xuất hương nhang của cơ sở nhà anh thuận lợi và năng suất hơn. Đơn cử, có máy sấy nhiệt đã giúp chất lượng hương được nâng cao, tránh việc ẩm mốc gây mùi gãy các sản phẩm hương. Quy trình sản xuất hiện đại và tự động hóa giúp tăng cường hiệu quả và đồng đều chất lượng sản phẩm, bảo đảm mỗi sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn mà cơ sở đặt ra. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa các thành phần tự nhiên và công nghệ sản xuất tiên tiến đã giúp các sản phẩm của cơ sở được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Được biết, để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống làm hương thôn Cao, địa phương đã và đang triển khai nhiều chương trình lồng ghép, tích cực truyền dạy bí quyết gia truyền pha chế nguyên liệu thảo mộc làm hương xạ cho thế hệ trẻ; hướng cho thế hệ trẻ phát triển nghề truyền thống trên con đường hội nhập trên cơ sở bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống phải kết hợp chặt chẽ với các loại hình du lịch làng nghề, du lịch sinh thái. Cùng với đó, không ngừng mở rộng thị trường trong nước và từng bước thâm nhập thị trường nước ngoài; tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề…
Theo đó, cùng với bán trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng hoặc bán cho các thương lái, cửa hàng, đã có nhiều hộ sản xuất nhang lập các tài khoản mạng xã hội, tham gia các cửa hàng trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử để quảng bá cũng như bán sản phẩm; anh Phương - mối buôn hương tại Hà Nội cho biết: do chất lượng hương thôn Cao rất tốt và thơm nên khách hàng của tôi quay lại mua khá đông, nhất là khi tôi sử dụng công nghệ hỗ trợ vào việc bán hàng nên gần như tháng nào tôi cũng xuống đây để mua hàng. "Việc bán trên sàn thương mại điện tử vừa giảm chi phí nhân lực, thuê mặt bằng; bên cạnh đó, người bán có thể xuống cơ sở sản xuất và livestream để khách hàng có thể thấy được quy trình sản xuất. Đây cũng được coi hình thức quảng bá hình ảnh làng nghề tới mọi người", anh Phương cho biết.
Chỉ còn không lâu nữa tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, những ngày Tết sẽ không thể thiếu được mùi thơm của những nén hương xạ đầy dư vị; góp phần vào những cung bậc cảm xúc ấy hẳn có những nén hương xạ được làm từ những bàn tay tần tảo của người dân thôn Cao.