Giữ lửa cho nồi bánh chưng ngày Tết
Gói bánh chưng ngày Tết không chỉ đơn thuần là chuẩn bị một món ăn truyền thống mà còn mang trong mình những ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và tâm linh của người Quảng Trị cũng như người Việt Nam. Bánh chưng ngày Tết được xem như một lễ vật dâng lên tổ tiên, người đã khuất. Hình vuông của bánh tượng trưng cho đất, màu xanh của lá dong tượng trưng cho trời, phần nhân bên trong tượng trưng cho sự sum họp, đủ đầy.
Gói bánh chưng ngày Tết cổ truyền đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, nhà nhà lại chuẩn gạo nếp dẻo, lá chuối, lá dong, thịt mỡ, hành, dây lạt để gói bánh chưng, bánh tét, dâng lên bàn thờ tổ tiên, đón Tết. Tết này là mùa xuân thứ 50 gia đình bà Hoàng Thị Diệp ở Phường 1, TP. Đông Hà tập trung gói, nấu bánh chưng đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Bà Diệp cho biết, sau nhiều năm chiến tranh, tết hòa bình đầu tiên gia đình bên chồng của bà anh em mới có điều kiện đoàn tụ để bắt đầu trở lại một sinh hoạt văn hóa là gói bánh chưng. Hồi đó các nguyên liệu gói bánh rất hiếm hoi nhưng mẹ chồng bà đã cố gắng gói vài chiếc bánh đơn sơ cho ngày Tết được trọn vẹn để thờ cúng ông bà, tổ tiên và thắp nhang cho con trai út của bà là liệt sĩ.
Rồi mẹ chồng già yếu, không tự gói bánh được, hiểu lòng mẹ, vợ chồng bà Diệp Tết nào cũng giữ phong tục gói bánh chưng, bánh tét. Đặc biệt, chồng bà học được cách gói bánh chưng bằng lá dong và gói rất khéo. “Nhiều năm qua, chúng tôi đã truyền lại cho các con, cháu cách gói bánh và tinh thần giữ gìn Tết truyền thống. Bây giờ, các cháu nội, ngoại của chúng tôi đi học, đi làm xa nhưng cứ mong được về quê gói bánh cùng ông bà ngày 30 Tết.
Năm nào không gói bánh chưng xem như năm ấy Tết không về, chúng bảo vậy. Nên năm nào, gia đình tôi cũng sum vầy bên nồi bánh chưng, bánh tét, kể chuyện xưa, chuyện nay rôm rả, không khí đón Tết ngập tràn”, bà Diệp vui vẻ chia sẻ câu chuyện văn hóa đón Tết của gia đình.
Những ngày này không khí Tết cổ truyền đã về trên khắp các nẻo quê. Bà Lê Thị Quýt ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, mỗi lần Tết đến, chăm chút nhất là nồi bánh chưng. Bà cho biết, gói bánh chưng trước hết là để dâng cúng tổ tiên ngày Tết; phần để gửi cho các em chồng ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vì các em năm nào cũng muốn có được hương vị Tết quê cha.
Sau Tết, các con của bà đứa nào cũng được mẹ thêm cho vài chiếc bánh chưng vào trong hành lý để trở lại thành phố làm việc, như mang theo cả hồn quê. Vì vậy, bà Quýt chăm chút nồi bánh kỹ càng, từ khâu ngâm nếp, đãi đậu đến khâu gói bánh, nấu bánh sao cho thật tinh tươm, sạch sẽ để bánh giữ được lâu. Để có nồi bánh dẻo ngon, đậm đà, bà dành mảnh ruộng riêng để trồng giống lúa nếp cho gia đình.
Sau vụ hè thu, bà Quýt cất lúa nếp vào những chum to, chờ đến tháng Chạp mới đi xay để đảm bảo nếp gói bánh là nếp mới. Thịt heo, đậu xanh, lá chuối, lạt tre đều có sẵn trong gia đình phục vụ cho nồi bánh chưng. Những nguyên liệu trong mảnh vườn, thửa ruộng được bà Quýt chăm sóc bằng đôi bàn tay tảo tần gói ghém tròn trịa trong từng chiếc bánh.
Riêng củi nấu bánh thì bà Quýt phải chắt chiu, dành dụm cả mùa hè mới có được vì theo bà củi nấu bánh phải là củi đượm, cháy lâu, lửa đều, ưa nhất vẫn là củi từ cây phi lao lâu năm, thì bánh mới nhuyễn, mới ngon.
Hồn quê còn gửi gắm trong từng chiếc bánh chưng luôn canh cánh theo những người con Quảng Trị đi làm ăn xa. Anh Trương Quang Nguyên, người Quảng Trị, làm cán bộ ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, anh sống ở thành phố này gần 15 năm, trong đó có 10 năm anh dọn về sống ở một khu chung cư tại Quận 2 (TP. Thủ Đức) cho đến nay. Mỗi năm, cả nhà của anh đều tham gia buổi liên hoan tất niên cùng cư dân trong khu chung cư.
Để có buổi tất niên, trước đó một ngày mọi người chung tay gói và nấu hơn chục nồi bánh chưng. Người không biết gói bánh thì đi mua sắm, sơ chế nguyên liệu; người biết gói bánh thì sẵn sàng vào việc gói ra những chiếc bánh chưng vuông vắn. Rồi mọi người tập trung canh nấu bánh suốt đêm. Người lớn, trẻ con ai nấy hớn hở, tíu tít, rộn ràng khắp sân của khu chung cư.
“Chúng tôi đều là những cư dân trẻ từ nhiều địa phương đến làm ăn và sinh sống tại thành phố. Nhờ những hoạt động gói bánh, nấu bánh để chuẩn bị cho buổi tất niên mà thêm gắn kết nhau hơn. Đặc biệt là trẻ con trong khu chung cư, cháu nào cũng háo hức cùng người lớn quây quần bên các bếp lửa bập bùng cùng thức để trông nồi bánh.
Mọi người đều vui và tự hào vì đã duy trì được các hoạt động này thường niên, góp phần giúp các thế hệ trẻ lưu giữ Tết truyền thống của người Việt, giữ hồn quê giữa phố phường hiện đại”, anh Nguyên chia sẻ.
Bánh chưng là một biểu tượng văn hóa đặc trưng của người Việt. Việc lưu truyền và giữ ngọn lửa nồng ấm cho nồi bánh chưng ngày Tết giúp duy trì bản sắc văn hóa dân tộc rất đáng trân trọng.