Câu chuyện phía sau những màn múa lân rực rỡ ngày Tết
Khi tiếng trống vang lên rộn ràng các con phố, hình ảnh những chú lân sặc sỡ uốn lượn theo nhịp điệu đã trở thành biểu tượng không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Ít ai biết rằng, để tạo nên những màn trình diễn đẹp mắt ấy, các thành viên của đoàn múa lân phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị. Ghi nhận của chúng tôi tại Long Nghĩa Đường - Đoàn múa lân nổi tiếng ở Thái Nguyên.
Những ngày cận Tết, không khí tại Long Nghĩa Đường trở nên hối hả hơn bao giờ hết. Các thành viên trong đội đang gấp rút hoàn thiện bài tập, kiểm tra trang phục, đạo cụ và sắp xếp lịch trình biểu diễn. Anh Đoàn Thanh Tùng, Trưởng đoàn, chia sẻ: Mỗi dịp cuối năm, cả đội gần như không có ngày nghỉ. Ngoài việc luyện tập liên tục nhuần nhuyễn các tiết mục, chúng tôi còn phải kiểm tra từng chi tiết nhỏ như đầu lân, đuôi lân hay tiếng trống để đảm bảo mọi thứ đều hoàn hảo khi lên sân khấu.
Để chuẩn bị cho một mùa Tết đầy sôi động, các thành viên Long Nghĩa Đường bắt đầu tập luyện ít nhất 3 tháng trước đó. Những động tác phức tạp như lắc đầu lân, nhảy cao hay bài múa theo chủ đề như “Lân lên mai hoa thung”, “Trúc thanh,” “Lân hí cầu” đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và đồng điệu giữa các thành viên. Đặc biệt, với bài múa rồng với chiều dài rồng tới 18m uốn lượn cần đến 10-15 người phối hợp nhịp nhàng để tạo nên màn biểu diễn vừa mạnh mẽ lại uyển chuyển.
Những ngày cận Tết, nhiệt độ tại TP. Thái Nguyên xuống thấp, nhưng cả đội vẫn miệt mài tập luyện trong những sân tập ngoài trời. Anh Tùng cho biết thêm: Chúng tôi thường phải tập đến đêm khuya, nhất là khi lịch biểu diễn cận kề. Mệt mỏi, đau nhức cơ thể là chuyện thường xuyên. Nhưng khi thấy khán giả hò reo, cổ vũ, mọi mệt nhọc đều tan biến.
Không chỉ tập luyện, việc chuẩn bị đạo cụ cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Những chiếc đầu lân được kiểm tra cẩn thận, từng lớp vải gấm, đuôi lân hay ánh đèn LED đều được chỉnh sửa để tỏa sáng nhất trên sân khấu. Trống và chiêng được đánh bóng và thử âm điệu để đảm bảo hòa quyện hoàn hảo với các động tác múa.
Đối với các thành viên đội múa lân, Tết không chỉ là dịp sum vầy mà còn là thời gian làm việc không ngừng nghỉ. Nhiều người trong đội phải dành trọn ngày Tết để biểu diễn, mang niềm vui và sự may mắn đến từng ngôi nhà, từng con phố. Tuy nhiên, điều đó không làm họ cảm thấy thiệt thòi, bởi với họ được góp phần làm rực rỡ không khí Tết là một niềm tự hào trong nghề.
Anh Lê Công Tôn, thành viên đội múa lân Long Nghĩa Đường: Mỗi lần tiếng trống vang lên, tôi cảm nhận được không khí Tết ngập tràn, không chỉ ở người xem mà còn trong chính bản thân mình. Những lời cảm ơn, những tràng pháo tay từ khán giả là động lực để tôi và cả đội cố gắng hơn nữa.
Những màn múa lân rồng không chỉ là nghệ thuật biểu diễn mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Theo quan niệm dân gian, lân tượng trưng cho sự thịnh vượng, rồng đại diện cho sự uy nghiêm, quyền lực và bình an. Những bước nhảy nhịp nhàng, mạnh mẽ như lời chúc cho một năm mới tràn đầy tài lộc, bình an.
Nhu cầu múa lân luôn tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, bởi đây là một ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt, là thời điểm mọi người sum họp, gửi gắm những lời chúc tốt đẹp và cầu mong một năm mới an lành, may mắn. Múa lân không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn được xem như biểu tượng của sự thịnh vượng, tài lộc, vì thế luôn là lựa chọn ưu tiên trong các sự kiện chào đón năm mới.
Ông Vũ Minh Tuấn, làm kinh doanh tại TP. Thái Nguyên, người hằng năm đều thuê đội múa lân Long Nghĩa Đường biểu diễn vào dịp Tết Nguyên Đán: Mỗi dịp Tết đến, tôi luôn mời đội Long Nghĩa Đường đến biểu diễn để khai xuân. Màn múa lân rồng không chỉ tạo không khí náo nhiệt, thu hút khách hàng mà còn mang ý nghĩa cầu may mắn, phát tài, xông nhà, cầu tài, cầu lộc đầu năm mới.
Đằng sau mỗi màn trình diễn là cả một hành trình dài tập luyện, chuẩn bị và cống hiến. Với những thành viên của Long Nghĩa Đường, múa lân rồng không chỉ là nghề mà còn là trách nhiệm gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. Từ những sân khấu nhỏ cho đến các sự kiện lớn, đội múa lân đã góp phần làm rực rỡ thêm sắc xuân, mang niềm vui đến với mọi nhà. Những tiếng trống vang vọng, những điệu múa uyển chuyển của lân rồng trong ngày Tết chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự trường tồn của một nghệ thuật truyền thống, tô điểm thêm cho bức tranh xuân đầy màu sắc.