Giữ lửa cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống Tây Nguyên

Với sự nỗ lực của mình, bà H'Yam Bkrông cùng người dân buôn Tơng Jú, xã Ea Kao đã và đang giữ lửa cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống Tây Nguyên.

Trăn trở với nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang bị lãng quên, trong khi nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, bà H’Yam Bkrông dân tộc Ê Đê, buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã quyết tâm khôi phục nghề dệt truyền thống với mục tiêu, vừa để con cháu sau này biết về văn hóa của đồng bào mình, vừa giúp phụ nữ có thêm thu nhập.

Bà H’Yam Bkrông, luôn đau đáu giữ lửa cho nghề dệt truyền thống

Bà H’Yam Bkrông, luôn đau đáu giữ lửa cho nghề dệt truyền thống

Nhiều năm làm công tác phụ nữ buôn, bà H’Yam Bkrông chịu trách nhiệm việc đi thuê mượn trang phục truyền thống mỗi khi trong buôn có lễ hội, nhưng do ngày càng ít phụ nữ trong buôn dệt thổ cẩm như xưa nên trang phục truyền thống mới rất ít nhà có. Nhiều người không còn mặn mà với sản phẩm dệt thổ cẩm nữa, trong khi đó nhiều phụ nữ Ê Đê trong buôn, trong xã biết dệt nhưng lại thiếu việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ đó, trăn trở phải làm sao vừa gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, vừa giúp phụ nữ trong buôn có thêm thu nhập, thoát cảnh đói nghèo, ổn định cuộc sống từ nghề dệt thổ cẩm cứ đeo bám bà H’Yam Bkrông. Nghĩ là làm, bà H’Yam Bkrông đi buôn trên buôn dưới vận động, cuối cùng cũng có một số chị em đồng hành tham gia hợp tác xã (HTX) cùng mình. Năm 2003 bà H’Yam quyết định thành lập HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông với 30 thành viên, trong đó có 3 xã viên góp vốn. Được nghệ nhân trong vùng tích cực truyền nghề, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ vốn mua nguyên liệu, khung dệt…

Thời gian đầu, các chị em chỉ dệt túi, địu em bé hay những đồ dùng đơn giản. Bà H’Yam Bkrông vừa làm vừa động viên, chỉ dẫn thêm cho chị em để dệt được váy, áo. Bà tâm sự, những ngày đầu là những ngày gian khó nhất. Sản phẩm đem gửi tại các điểm bán hàng lưu niệm đều bị trả về vì nhiều lỗi, mẫu mã lại không đẹp, không cạnh tranh được với thị trường. Hàng bán ế, tổ dệt phải phân lại cho các thành viên mang về nhà sử dụng. Nhiều hội viên chán nản, bỏ nghề, tôi lại tới từng nhà, chia sẻ, động viên chị em cố gắng khắc phục khó khăn. Dần dần, các sản phẩm đã hoàn thiện hơn, đẹp hơn.

Bà H’Yam Bkrông tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ

Bà H’Yam Bkrông tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ

Trải qua bao gian nan, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông từng bước đứng lên, khẳng định được vị thế của mình. Sản phẩm của HTX Tơng Bông ngày càng phong phú và có quy trình sản xuất khép kín từ khâu dệt, may, thêu hoàn thiện sản phẩm. Với mẫu mã đa dạng như y phục nam nữ, túi xách, cà-vạt, khăn trải bàn, túi đựng hạt thơm, gối tựa lưng, áo dài, quần áo trẻ em… sản phẩm của HTX được nhiều người trong và ngoài tỉnh sử dụng.

Với lòng yêu nghề truyền thống, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm bà H’Yam Bkrông và các xã viên HTX kiên trì ra Bắc vào Nam tìm kiếm, mở rộng thị trường, thuyết phục khách hàng, nhất là chủ các quầy bán hàng lưu niệm tại các khu, điểm du lịch, các hội chợ thương mại... Thời điểm này, trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng thổ cẩm dệt bằng máy công nghiệp với mẫu mã đẹp, chi phí thấp, giá thành rẻ… cạnh tranh gay gắt. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng, giá thành sản phẩm rẻ, cạnh tranh được với thổ cẩm của các dân tộc khác, năm 2016 - 2017, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm năm máy dệt và các máy xếp sợi, máy cuộn thoi, máy cuộn sợi… phục vụ sản xuất. Theo bà H’Yam, dù sản phẩm của HTX cải tiến mẫu mã, nhưng sắc màu đặc trưng và những họa tiết cơ bản trên thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên sẽ mãi không thay đổi.

Sau 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, các xã viên HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông có thu nhập ổn định và dệt thành thạo với các sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phong phú. Sản phẩm của HTX có đầu ra ổn định tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... Với chất lượng sản phẩm tốt và hoa văn tinh xảo, HTX Tơng Bông còn được mời tham gia nhiều hội thi trang phục các dân tộc. Sản phẩm của HTX Tơng Bông được lựa chọn trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nhờ gương mẫu, luôn đi đầu sáng tạo trong công việc, bà H’Yam Bkrông đã giúp HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông có đầu ra ổn định, giữ gìn được nghề truyền thống của dân tộc. HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông cũng trở thành HTX kiểu mẫu về tính nhanh nhạy, nắm bắt thị trường song giữ lửa được ngành nghề truyền thống của dân tộc, thiết thực cùng địa phương xóa đói giảm nghèo.

Đến nay, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông đã có 45 thành viên tất cả đều là người Ê Đê trong xã. Các xã viên vẫn làm nông nghiệp, tranh thủ thời gian nhàn rỗi dệt tại nhà, với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. HTX còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho khoảng 100 phụ nữ trong khu vực có thu nhập thêm. HTX Tơng Bông ngày càng phát triển, sản phẩm có chỗ đứng, đầu ra ổn định tại thị trường và có mặt ở nhiều địa phương từ Bắc đến Nam.

Bà H’Yam Bkrông chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên

Bà H’Yam Bkrông chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên

Đến buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột bất kỳ ai cũng có thể thấy vẻ đẹp lao động miệt mài bên khung dệt của những người phụ nữ Ê Đê nơi đây. Trong buôn Tơng Jú luôn rộn rã tiếng cười, tiếng nói hòa lẫn tiếng khung dệt vải lạch cạch làm cho không khí lao động ở đây thêm rộn ràng. Cũng chính nhờ nghề dệt thổ cẩm, mỗi người phụ nữ trong buôn am hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc để có thể tự tin làm một hướng dẫn viên quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cuộc sống thường ngày cho du khách.

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giu-lua-cho-nghe-det-tho-cam-truyen-thong-tay-nguyen-244180.html
Zalo