Giữ 'hồn' thư pháp (Bài 2): Nghề... cho chữ
Nỗi trăn trở 'Người thuê viết nay đâu' đã không còn nữa, nghệ thuật thư pháp những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, bởi vậy những người yêu mến thư pháp cũng ngày một đông. Cho chữ đã trở thành một nghề yêu thích của nhiều người.
!["Thầy đồ" Nguyễn Đăng Văn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_361_51424765/89d79bc6a2884bd61299.jpg)
"Thầy đồ" Nguyễn Đăng Văn.
1. Trong Lễ hội thư pháp Xuân Ất Tỵ 2025 tại TP Thanh Hóa, khu vực của các nhà thư pháp nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người, nhất là các em học sinh. Cảnh học sinh ngay ngắn xếp hàng dài chờ xin chữ, khiến nhiều người liên tưởng đến thời vàng son “bao nhiêu người thuê viết, tấm tắc ngợi khen tài”. Ngoài những chữ liên quan đến học tập, đỗ đạt, một số học sinh còn xin chữ “hiếu”, “lộc”, “thọ”... để về biếu cha mẹ, làm quà tặng mừng thọ ông bà hay là một món quà nhỏ để tri ân thầy cô giáo. Điều này, một lần nữa khiến các nhà thư pháp xúc động khi cảm nhận được sự quan tâm, am hiểu thư pháp của thế hệ trẻ ngày nay. Cô Đoàn Thị Tâm, giáo viên Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa), cho biết: “Hầu hết các em học sinh đều háo hức khi tham gia hoạt động, dù phải chờ đợi rất lâu nhưng em nào cũng mong xin một chữ về treo ở góc học tập. Trước đó, các thầy cô đã có buổi nói chuyện với học sinh về thư pháp, ý nghĩa tục cho chữ, quan niệm của người xưa... Việc trực tiếp nhìn thư pháp gia cho chữ đã khơi gợi tính ham học hỏi, niềm yêu thích, khiến các em học sinh cảm thấy gần gũi hơn với bộ môn này. Qua hoạt động, tôi đã nghe thấy nhiều em mong muốn được học thư pháp”.
Góp mặt trong buổi cho chữ, nhà thư pháp Nguyễn Đăng Văn tự hào nói: “Nghệ thuật thư pháp ngày càng có sức hút. Trong các lễ hội thư pháp, trong dịp đầu xuân năm mới, tại các đền, chùa... mọi người sẽ thấy bàn thư pháp của các thầy đồ luôn thu hút sự quan tâm của khách du xuân, vãn cảnh. Ngày nay thư pháp không chỉ dành cho người am tường văn chương, chữ nghĩa mà những người có niềm đam mê, hứng thú với thư pháp đều có thể theo học. Do vậy, ngày càng có nhiều người ở những lứa tuổi, ngành nghề khác nhau nhưng đều sẵn sàng khoác lên mình bộ áo the, khăn xếp viết thư pháp cho thỏa đam mê hoặc trở thành một thầy đồ cho chữ”.
Bản thân nhà thư pháp Nguyễn Đăng Văn đã có hơn 10 năm mang nét bút đẹp đến cho đời. Trong một năm, tập trung vào dịp đầu xuân năm mới, ông Đăng Văn thường xuyên tham gia các hoạt động thư pháp do địa phương, đơn vị tổ chức. Ông không nhớ mình đã cho đi bao nhiêu con chữ, chỉ biết rằng mỗi lời hay, ý đẹp cho đi là dành cả tấm lòng, tình yêu thương và mong cầu hạnh phúc đến người nhận. Ông cũng là “sư phụ” của rất nhiều học viên, trong đó có những người tiếp tục nối nghiệp trở thành nhà thư pháp.
Theo ông Đăng Văn, muốn trở thành một “thầy đồ” thì người học cần có niềm đam mê và sự kiên trì. Học thư pháp không thể một sớm một chiều. Tất cả các “thầy đồ” cho chữ phải trải qua quá trình công phu, luyện tập, phải tu tâm, dưỡng tính, trau dồi đạo đức để những suy nghĩ ngấm vào tâm tưởng của người cho chữ, chứ không chỉ đơn thuần là viết ra những con chữ. Nên các bạn trẻ yêu thích bộ môn thư pháp cần kiên nhẫn, kiên trì, không bỏ cuộc thì mới thành công. Đây cũng là lời khuyên đến những bạn trẻ có mong muốn theo học nghệ thuật thư pháp.
Hiện ông Nguyễn Đăng Văn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Thanh Hóa, với 18 hội viên, trong đó có thành viên đã 92 tuổi. Với mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông, câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các hoạt động thư pháp, tặng chữ tại các địa phương, trường học, trung tâm văn hóa... nhằm để thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh hiểu rõ hơn về thư pháp, đồng thời lan tỏa tình yêu, niềm tự hào dân tộc.
2. Tình yêu, trách nhiệm của những "thầy đồ" già đã góp phần truyền nghề, tạo ra những thư pháp gia trẻ tài năng, cũng là những "thầy đồ" trẻ đầy đam mê. Cô Đào Lan Hương, một giáo viên dạy mỹ thuật tại Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa), bên cạnh việc dạy học, còn yêu thích nghề cho chữ. Cô Hương gắn bó với nghệ thuật thư pháp đến nay đã hơn 10 năm. Trước đó, cô bị cuốn hút khi mỗi lần xem tranh chữ, đã khiến cô thích thú và cảm phục.
![Nhà thư pháp Đào Lan Hương.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_361_51424765/bc55a844910a7854211b.jpg)
Nhà thư pháp Đào Lan Hương.
Để có được những nét chữ mềm mại, uyển chuyển trao tay mọi người, cô Hương đã tốn không ít công sức theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Cô cho biết: “Những nét chữ mềm mại hay mạnh mẽ tùy theo nội dung, ý nghĩa của chữ, câu đối nhưng vẫn bảo đảm bố cục hài hòa, bắt mắt, đường nét thanh thoát, đậm nhạt... Do đó, để trở thành người cho chữ, đòi hỏi người học phải nắm vững phương pháp cấu tạo của chữ, hiểu được một số quy luật ngữ âm học của chữ, đồng thời, phải có sự khổ luyện và kiên trì”.
Theo cô Hương, thì tục cho chữ diễn ra quanh năm nhưng đặc biệt ý nghĩa và rộn ràng vào dịp đầu xuân. Cô Hương hiểu rằng, cho chữ không chỉ là hoạt động nghệ thuật mà còn là một nét văn hóa, mang đậm tính giáo dục. Người cho chữ phải hội tụ cả kiến thức uyên thâm và phẩm chất đạo đức cao đẹp, có kỹ năng viết chữ điêu luyện và am hiểu những giá trị văn hóa, những triết lý sống được gửi gắm trong những câu danh ngôn, thơ ca, tục ngữ...
Nét chữ, nết người, thư pháp của cô Hương nhanh chóng được mọi người biết đến, nhiều người tìm đến cô để học nghệ thuật thư pháp. "Hiện nay, lớp học của tôi chủ yếu là các em học sinh, những thanh niên trẻ. Các học viên không chỉ đam mê thư pháp mà còn yêu thích tìm hiểu lịch sử và văn hóa dân tộc. Điều này khiến tôi rất vui mừng. Nhờ vậy, những tinh hoa của cha ông sẽ được gìn giữ và phát huy”, cô Hương tâm sự. Đến nay, cô Hương đã “truyền” chữ cho khoảng 300 học viên, trong đó có những học viên nhí mới 7, 8 tuổi.