Giữ 'hồn' thủ công, phát triển cùng công nghệ hiện đại
Nghề chế tác vàng bạc tại làng Châu Khê đang có sự đổi mới mạnh mẽ khi máy móc hiện đại được đưa vào sản xuất, đóng vai trò hỗ trợ cho phương pháp thủ công. Sự kết hợp giữa công nghệ và truyền thống giúp tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, mà vẫn đảm bảo duy trì những giá trị văn hóa lâu đời.

Sản phẩm kim hoàn hiện nay được cải thiện cả chất lượng lẫn mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường
Trong dòng chảy không ngừng của thời đại, nghề chế tác vàng bạc truyền thống đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt khi máy móc hiện đại được áp dụng vào quy trình sản xuất. Trước đây, việc chế tác vàng bạc phụ thuộc hoàn toàn vào bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Ông Bắc, chủ của một trong số 200 hộ gia đình còn theo nghề kim hoàn tại làng Châu Khê chia sẻ: “Ngày xưa, mọi công đoạn đều làm thủ công, rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Một chiếc nhẫn thôi cũng phải trải qua hàng loạt công đoạn như nấu vàng, cán làm sợi, cuốn tròn, rồi khoan gắn đá”. Phương thức thủ công tuy tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng, nhưng lại bộc lộ những hạn chế như tốc độ chậm và sự phức tạp trong từng công đoạn trở thành bài toán khó cần giải quyết đối với các hộ sản xuất.

Chính những thách thức này đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Ông Bắc cho biết, máy móc bắt đầu được ứng dụng trong làng nghề từ 16 - 17 năm trước như một giải pháp tất yếu để cải thiện hiệu suất và đáp ứng yêu cầu thị trường. Các cơ sở sản xuất theo hộ gia đình như của chú Bắc, đã tự mày mò học hỏi cách vận hành máy móc từ nước ngoài hoặc từ các nhà cung cấp, kết hợp với sự sáng tạo để tối ưu hóa quy trình sản xuất, phù hợp với cơ sở của mình.

Một số thiết bị hiện đại đã giúp việc chế tác trở nên nhanh chóng và chính xác hơn, hỗ trợ hoàn thành những công đoạn mà phương pháp thủ công không thể đáp ứng được, có thể kể đến như máy vẽ thiết kế 3D, cho phép tạo ra những bản thiết kế chi tiết, phức tạp, hay máy đúc khuôn tự động tạo ra sản phẩm đồng đều về kích thước và hình dáng.
Ông Hậu - một chủ cơ sở sản xuất khác đã có hơn 30 năm làm nghề kim hoàn chia sẻ thêm về sự hỗ trợ của máy móc trong chế tác: “Điển hình như việc đánh bóng, ngày xưa thì bằng thủ công nhưng hiện nay đã có sự hỗ trợ của máy đánh bóng giúp tăng mức độ thẩm mỹ của sản phẩm. Sản phẩm phải đạt đến độ bóng mà soi gương được mới đạt tiêu chuẩn chứ không chỉ là phủ trắng đục lên là xong”. Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất không chỉ mang lại lợi ích về chất lượng sản phẩm mà còn giúp tăng năng suất, giảm bớt sức lao động. Cùng một đơn hàng, nếu làm thủ công phải mất nhiều thời gian hơn mới xong nhưng nếu kết hợp với máy móc thì tốc độ được nâng cao, thậm chí trong ngày vẫn có thể hoàn thành đơn số lượng lớn để trả cho khách.

Dù đối mặt với chi phí đầu tư ban đầu khá lớn và yêu cầu về kiến thức chuyên môn liên quan đến vận hành máy móc, nhưng những người thợ làng Châu Khê luôn tìm cách vượt qua bằng sự kiên trì và tinh thần học hỏi không ngừng. Ông Hậu hóm hỉnh chia sẻ rằng việc làm quen với máy móc không quá khó khăn, bởi chỉ cần kiên trì học hỏi và tìm hiểu, mọi vấn đề đều có thể giải quyết. Với kinh nghiệm tích lũy, chú thậm chí có thể tự sửa chữa máy móc khi gặp sự cố, chỉ cần nắm rõ nguyên nhân và cơ chế hoạt động. Với sự nhạy bén và thái độ cởi mở như thế, những người thợ như chú Hậu đã biến máy móc thành công cụ hỗ trợ đắc lực để phát triển nghề truyền thống, vừa bảo tồn nét đẹp của làng nghề, vừa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đặc biệt, khi nghe đến máy móc, nhiều người lo ngại rằng nó sẽ làm mất đi cái "hồn" của sản phẩm thủ công. Trái lại, thực tế cho thấy, việc áp dụng công nghệ cũng không thể thay thế hoàn toàn công việc của người thợ mà chỉ hỗ trợ các công đoạn đòi hỏi độ chính xác cao và tiết kiệm thời gian, khiến cho các sản phẩm được đẹp hơn so với việc làm thủ công. “Máy móc chỉ hỗ trợ tạo nên mẫu mã, mẫu khó thôi chứ còn việc thực hiện các khâu khác như móc nối thì vẫn được mọi người gia công thuần bằng tay”, bạn Châu - một người trẻ đang tham gia vào quá trình sản xuất chia sẻ. Hay chính ông Hậu cũng cho rằng máy móc không hề ảnh hưởng tiêu cực đến tay nghề của nghệ nhân vì công việc chủ yếu vẫn là thủ công, máy móc chỉ giúp tăng tốc độ sản xuất chứ để làm ra sản phẩm chất lượng tốt nhất vẫn cần sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ.

Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất vàng bạc không chỉ là một xu hướng mà còn là yếu tố quan trọng giúp nghề chế tác sản phẩm vàng bạc phát triển bền vững trong thời đại mới. Dù có những khó khăn ban đầu, nhưng với sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, hy vọng rằng nghề kim hoàn không chỉ bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.