Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Tiếng Việt không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là linh hồn, bản sắc của văn hóa Việt Nam. Bởi vậy, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xã hội hiện nay. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là chúng ta đang gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tiếng Việt là bản sắc của văn hóa Việt

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Đúng như vậy, tiếng Việt không chỉ là phương tiện giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày mà chính là linh hồn, là bản sắc của văn hóa Việt Nam. Ngôn ngữ tiếng Việt rất kỳ diệu, vừa diễn tả được sự hùng tráng, mạnh mẽ, vừa diễn tả được những cảm xúc ngọt ngào, mềm mại, thậm chí niềm hạnh phúc vô biên hay nỗi đau khổ tột cùng đều có từ ngữ để diễn đạt chính xác.

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cô giáo Đinh Thị Vân Anh, Trường THCS Tân Xuân luôn yêu cầu học sinh phải viết chuẩn ngữ pháp tiếng Việt

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cô giáo Đinh Thị Vân Anh, Trường THCS Tân Xuân luôn yêu cầu học sinh phải viết chuẩn ngữ pháp tiếng Việt

Nhiều năm giảng dạy môn Văn tại Trường THCS Tân Xuân (thành phố Đồng Xoài), cô giáo Đinh Thị Vân Anh cho rằng: “Chúng ta cần giữ gìn giá trị nguyên bản của tiếng Việt, tránh sự xâm nhập của những từ ngữ không phụ thuộc, từ ngoại lai, các ký hiệu, viết tắt... để quá trình diễn đạt, truyền tải thông điệp tới người đọc, người nghe dễ dàng hơn. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một trong những cách chúng ta thể hiện lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Một ngôn ngữ trong sáng sẽ góp phần phát triển giáo dục và đất nước bền vững”.

Thực tế hiện nay, việc sử dụng các từ nước ngoài mặc dù tiếng Việt cũng có từ mang nghĩa tương tự, dùng teencode hay chữ viết tắt trong quá trình giao tiếp, trên các nền tảng mạng xã hội, thậm chí cả trong văn viết đã trở nên phổ biến ở giới trẻ. Nhiều câu nói, viết của các bạn trẻ khiến người lớn tuổi “đứng hình”, ví dụ như: “bt òy = biết rồi”, “snzz = sinh nhật vui vẻ”, “tuesday = kẻ thứ ba”...

Em Lương Văn Tuấn, lớp 9/2, Trường THCS Tân Xuân cho biết: Em thường sử dụng những từ tiếng Anh, teencode trong giao tiếp hàng ngày vì ngắn gọn, súc tích. Về mặt tích cực, việc này thể hiện sự hòa nhập trong thời buổi công nghệ 4.0, tiếp cận với văn hóa quốc tế, sử dụng ngôn ngữ nhiều nước để tạo sự mới mẻ. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều sẽ làm mất đi bản sắc ngôn ngữ của dân tộc và dần dần tiếng Việt sẽ không còn là tiếng Việt nữa.

Là học sinh rất yêu thích môn Văn, em Dương Thị Hiểu Văn, lớp 11B1, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Bù Đăng chia sẻ: Đôi khi bạn bè xung quanh sử dụng quá nhiều teencode khi nói chuyện trực tiếp hoặc ở nhóm chat học tập khiến em không hiểu và có cảm giác bị tách biệt với các bạn. Còn trong văn viết, em và các bạn tuyệt đối không dùng vì dễ bị quen với cách viết này và sẽ bị mất điểm về chính tả.

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Thời gian qua, câu hỏi “Làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?” luôn được ngành giáo dục, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học và những ai quan tâm đến chữ quốc ngữ trăn trở.

Trong giảng dạy, các thầy cô giáo, nhất là thầy cô dạy môn Văn rất chú trọng đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thầy Nguyễn Xuân Trường, giáo viên Trường THCS Tân Xuân cho biết: Thầy cô trong Tổ ngữ Văn của trường luôn thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, tăng cường vận dụng những kiến thức văn hóa dân gian và văn hóa ngôn ngữ của dân tộc đưa vào từng tiết dạy để giúp học sinh có thêm sự hiểu biết về ngôn ngữ dân tộc. Mục đích cuối cùng là làm cho các em hiểu rằng tiếng Việt không chỉ phong phú, đa dạng, ý tứ sâu sắc mà nó còn có đầy đủ khả năng diễn đạt tâm tư, tình cảm của con người.

Một chương trình ngoại khóa "Sân khấu hóa văn học dân gian" của Trường THCS Tân Xuân nhằm giúp học sinh thêm yêu mến ngôn ngữ tiếng Việt

Một chương trình ngoại khóa "Sân khấu hóa văn học dân gian" của Trường THCS Tân Xuân nhằm giúp học sinh thêm yêu mến ngôn ngữ tiếng Việt

Với cô giáo Đinh Thị Vân Anh, trong quá trình giảng dạy, cô đã thực hiện nhiều hình thức khác nhau nhằm giáo dục học sinh về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cô chia sẻ kinh nghiệm: “Với các bài giảng trực tiếp trên lớp, tôi luôn yêu cầu các em phải chuẩn chỉnh về ngữ pháp tiếng Việt, tăng cường các bài học về ngữ pháp, cách dùng từ, đặt câu. Trong quá trình các em làm bài kiểm tra, tôi tuyệt đối không cho học sinh viết tắt, không được dùng bất cứ ký hiệu nào để mã hóa chữ viết của tiếng Việt”.

Theo sự phát triển của xã hội, giới trẻ ngày càng được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới, do đó việc các em học ngôn ngữ mới, sử dụng ngôn ngữ do gen Z sáng tạo trên mạng xã hội là đương nhiên. Điều quan trọng là các em phải biết dùng trong những trường hợp, tình huống phù hợp và phải giữ được giá trị nguyên bản của tiếng mẹ đẻ, phải coi đó là bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Em Dương Thị Hiểu Văn, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Bù Đăng cho rằng: Trước hết mỗi người phải viết và nói đúng chính tả, ngữ pháp, hạn chế việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hàng ngày. Học sinh đọc thêm sách, báo để nâng cao vốn từ và kỹ năng giao tiếp. Nhà trường tổ chức thêm nhiều cuộc thi, trò chơi liên quan đến tiếng Việt để học sinh có ý thức hơn, hiểu sâu hơn về vẻ đẹp của tiếng Việt. Cha mẹ làm tấm gương cho con về sử dụng đúng, chuẩn tiếng Việt. Khi tạo được môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình, nhà trường đến xã hội sẽ góp phần giữ gìn và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt.

Em Đặng Nguyễn Minh Phương, lớp 9/2, Trường THCS Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài nêu ý kiến: “Cần tạo môi trường thuận lợi để giới trẻ hiện nay hiểu được tầm quan trọng cũng như giá trị của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nên khuyến khích việc sáng tạo từ ngữ hay thể loại nhưng vẫn giữ được cấu trúc ngữ pháp, cấu trúc ngôn ngữ vốn có. Bên cạnh đó, mọi người nên làm gương bằng cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt một cách chuẩn mực trong giao tiếp hàng ngày để phát huy bản sắc của dân tộc”.

Học ở lớp 8/8, Trường THCS Tân Xuân, em Đinh Nguyễn Thị Xuân Mai đề xuất: Nên khuyến khích giới trẻ sử dụng tiếng Việt nhiều hơn, sử dụng ca dao, tục ngữ, lời hay ý đẹp trong lời nói của mình. Chúng ta có thể làm những thước phim ngắn, video ngắn về chủ đề tiếng Việt đăng tải trên mạng xã hội. Trong những video đó sẽ sử dụng hình ảnh sinh động, câu nói vui nhộn mang đậm nét văn hóa, ngôn ngữ tiếng Việt để các bạn trẻ dễ tiếp thu. Qua đó các bạn trẻ có thể hiểu được giá trị và tầm quan trọng của việc bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc.

Trong tác phẩm “Buổi học cuối cùng”, nhà văn Alphonse Daudet (người Pháp) viết rằng: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù”. Đất nước Việt Nam dù trải qua hơn một ngàn năm phong kiến phương Bắc đô hộ, gần 100 năm thực dân Pháp xâm lược nhưng dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa, bởi vì cha ông ta biết gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc mình. Kế thừa trọng trách thiêng liêng ấy, chúng ta luôn nhắc nhở mình, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả chúng ta, không ngoại trừ một ai.

Ngọc Huyền - Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/169414/giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet
Zalo