'Giữ chân' doanh nghiệp: Cần giải pháp 'may đo' theo từng ngành nghề
Trước làn sóng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, các chuyên gia cho rằng bên cạnh giải pháp vĩ mô, cần có chính sách đặc thù cho từng ngành nghề nhằm giữ chân và tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 65.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn và chờ giải thể tiếp tục chiếm tỷ lệ cao, tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khối doanh nghiệp đang là lực lượng chủ lực đóng góp vào nền kinh tế
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu hàng may mặc tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng vì thiếu đơn hàng từ thị trường EU và Mỹ, trong khi chi phí sản xuất, tiền lương và chi phí logistics đều tăng cao.
”Chúng tôi từng hy vọng vào đà phục hồi hậu COVID-19, nhưng đến nay vẫn rất khó khăn”, bà Phượng nói.
Đây chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn và thử thách. Thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang chịu tác động đồng thời từ cả phía cầu và cung như đơn hàng giảm sút, vốn khó tiếp cận, trong khi chi phí đầu vào chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, rào cản pháp lý, thủ tục hành chính rườm rà và thanh kiểm tra chồng chéo cũng khiến không ít doanh nghiệp "đuối sức".
Theo các chuyên gia, việc giữ chân doanh nghiệp không thể chỉ trông cậy vào các chính sách chung chung. Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng, từ chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ đến yêu cầu về vốn, lao động và công nghệ. Do đó, chính sách hỗ trợ cần có sự điều chỉnh linh hoạt theo từng lĩnh vực.

Lực lượng lao động chất lượng cao đang là nòng cốt trong phát triển kinh tế
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế) nhận định, chúng ta đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn còn không ít vướng mắc cụ thể ở từng ngành mà chính sách vĩ mô chưa giải quyết được. Ví dụ, ngành xây dựng bất động sản gặp khó vì thủ tục pháp lý kéo dài; ngành chế biến lại gặp khó ở nguyên liệu và thị trường xuất khẩu. Vì vậy, cần có chính sách ‘may đo’ theo từng lĩnh vực để hỗ trợ đúng và trúng”.
Trong ngành chế biến - chế tạo, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất khẩu, khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ co hẹp và chi phí sản xuất cao.
Ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại Bình Dương chia sẻ, chúng tôi đang tính đến việc cắt giảm lao động nếu không có đơn hàng mới. Thị trường EU đang thu hẹp vì lạm phát, trong khi chi phí vận chuyển và nguyên vật liệu vẫn cao. Điều chúng tôi cần là sự hỗ trợ xúc tiến thị trường và hoàn thuế nhanh để có dòng tiền duy trì hoạt động.
Trong khi đó, với ngành xây dựng - bất động sản, hàng loạt dự án vẫn “đắp chiếu” do vướng pháp lý, gây ra hiệu ứng dây chuyền đến các ngành liên quan như vật liệu xây dựng, cơ khí, thiết bị điện…
Chuyên gia Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, điều doanh nghiệp cần nhất lúc này không phải là ưu đãi thuế, mà là tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý để dự án được triển khai, dòng tiền được luân chuyển.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp lại đang đối mặt với bài toán đầu ra bấp bênh và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Để giữ chân doanh nghiệp chế biến nông sản, cần cơ chế hỗ trợ đầu tư công nghệ, mở cửa thị trường và hình thành các vùng nguyên liệu ổn định. Ngành du lịch - dịch vụ thì lại cần chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và xúc tiến thị trường quốc tế một cách mạnh mẽ hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh chính sách từ trung ương, chính quyền địa phương cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Tại Quảng Ninh, mô hình "tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp" đã giúp hàng chục doanh nghiệp gỡ vướng về đất đai, thủ tục đầu tư trong quý I/2025. TP. Đà Nẵng cũng có cơ chế đối thoại định kỳ giữa chính quyền và doanh nghiệp, qua đó giải quyết nhanh các vấn đề cụ thể.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, không thể trông chờ một chính sách chung mà giữ được tất cả doanh nghiệp. Cần một hệ thống chính sách linh hoạt, có cơ chế phản ứng nhanh và đặc biệt là sự chủ động từ chính quyền địa phương. Doanh nghiệp cần cảm thấy có người đồng hành thật sự trong khó khăn, chứ không chỉ là các khẩu hiệu.

Thương mại điện tử chính là bệ phóng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế còn nhiều chông gai, việc giữ chân doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều kiện tiên quyết để duy trì sức sống của nền kinh tế. Đã đến lúc chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải đi vào chiều sâu, sát đặc thù ngành nghề và thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm “bám trụ” và tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế quốc dân.