Áp lực giảm giá, VN-Index mất hơn 5 điểm
Phiên 19/5, VN-Index giảm 5,1 điểm, áp lực giảm giá lan rất rộng, thậm chí gần một nửa cổ phiếu trong rổ VN30 giảm quá 1%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch đầu tuần trong trạng thái giằng co. Đóng cửa phiên 19/5, VN-Index giảm 5,1 điểm xuống 1.296,29 điểm. Thanh khoản trên HoSE ở mức thấp với giá trị khớp lệnh đạt khoảng 19.600 tỷ đồng.

VN30-Index chốt phiên cũng chỉ mất -0,34% tương đương -4,69 điểm là nhờ riêng VIC đã kéo lại tới 9,2 điểm. Độ rộng rổ này rất tệ với 6 mã tăng/22 mã giảm. Toàn sàn HoSE cũng vậy, chỉ có 104 mã tăng/214 mã giảm.
Dù VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,39% nhưng có tới 125 mã giảm quá 1%, thậm chí 60 mã giảm từ 2% trở lên. Như vậy giữa chỉ số và bảng điện thực tế có khoảng cách rất xa. Dù chỉ số thể hiện mức biến động nhẹ nhưng danh mục của nhà đầu tư lại chịu “sát thương” lớn.
Cả rổ VN30 chỉ có 6 cổ phiếu xanh ngoài VIC là CTG tăng 0,26%, HDB tăng 0,23%, TCB tăng 0,17%, VPB tăng 0,83% và VRE tăng 1,02% nhưng hầu hết đều suy yếu dần về cuối ngày. VHM đóng cửa tăng 1,38% nhưng đỉnh giá có được ngay từ giữa phiên sáng và biên độ trượt giảm ở thời gian còn lại lên tới 1,84% so với đỉnh. HDB có đỉnh giá lúc 1h30 và trượt giảm khoảng 1,12% so với đỉnh…
Phía ngược lại có tới 13 mã giảm trên 1% trong đó bao gồm 2 cổ phiếu thuộc Top 10 vốn hóa là BID giảm 1,09% và FPT giảm 2,31%. Ngoài ra thêm VPL giảm 2,77%. Đây là điều khá may mắn cho VN-Index vì phía tăng vừa có trụ lớn, phía giảm lại ít mã “nặng”. VCB, HPG, MBB cũng đỏ nhưng giảm không mạnh.
Phần còn lại của thị trường tổn thương nặng hơn. Trong 214 cổ phiếu đỏ cuối ngày, có tới 125 mã giảm trên 1%. Tới gần 20 cổ phiếu trong nhóm này thanh khoản vượt 100 tỷ đồng, xác nhận sức ép từ phía bán là rất mạnh. Rổ VN30 đóng góp 4 mã đáng chú ý là FPT giảm 2,31% với 1.175,5 tỷ đồng; STB giảm 2,01% với 590,2 tỷ; SSI giảm 1,48% với 463,7 tỷ và LPB giảm 3,82% với 180,8 tỷ.
Nhóm Midcap xuất hiện VIX giảm 1,92% với 559,7 tỷ; DBC giảm 4,21% với 461,3 tỷ; VCI giảm 2,26% với 304 tỷ; HCM giảm 2,84% với 301,5 tỷ; DGC giảm 2,61% với 244,9 tỷ…
Chỉ tính riêng nhóm giảm giá 2% ở HoSE hôm nay đã chiếm 23,7% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. Trong khi đó tổng giao dịch nhóm giảm hơn 1% chiếm 38,7% sàn. Đây là tỷ trọng thanh khoản lớn, phản ánh sức ép bán hạ giá đã tăng vọt sau khi thị trường có tín hiệu bị chốt lời mạnh từ cuối tuần trước. Sức ép này cũng đến từ việc một lượng lớn cổ phiếu T+2 về đến tài khoản và lại là lượng giao dịch tại đỉnh. Việc thua lỗ nhẹ có thể thúc đẩy áp lực cắt lỗ mạnh tay hơn trước khi mức lỗ gia tăng.
Dù vậy vẫn còn khoảng 100 cổ phiếu tăng giá trong VN-Index bao gồm khá nhiều mã còn có dòng tiền tốt nâng đỡ. VIC, VHM, VRE dĩ nhiên là trường hợp cá biệt.
Ngoài ra còn có khoảng chục mã khác thanh khoản vượt 100 tỷ đồng với giá tăng từ 1% trở lên. Tiêu biểu là KBC tăng 3,48%, CII tăng 6,77%, GEX tăng 1,02%, DIG tăng 1,59%, GEE tăng 6,97%, VPI tăng 2,45%, PDR tăng 1,21%, GMD tăng 1,11%.
Có thể thấy khả năng đỡ của dòng tiền vẫn đủ sức tạo phân hóa, ví dụ nhóm bất động sản như liệt kê ở trên, dù số lớn hơn các mã nhóm này vẫn đỏ.
Nhà đầu tư nước ngoài có thêm phiên bán ròng mạnh thứ hai liên tiếp, HoSE hôm nay bị rút tiếp 561 tỷ đồng.