Giữ bản sắc cho cải lương tuồng cổ

Ngày 18-9, Sở Văn hóa - Thể thao và Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức tọa đàm 'Thực trạng và giải pháp phát triển sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TP HCM'

Tọa đàm thu hút sự tham gia của hơn 100 văn nghệ sĩ, các nhà chuyên gia về nghiên cứu sân khấu, các nhà báo chuyên viết về văn học nghệ thuật.

Lôi cuốn vì mang bản sắc dân tộc

Theo các nhà chuyên môn, năm 1980, NSND Thanh Tòng (qua đời năm 2016) đã thực hiện nghiên cứu khoa học mang chủ đề "Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ" (công trình do Hội Sân khấu TP HCM nghiệm thu) đã vận dụng trình thức vũ đạo của hát bội, với sáng tác âm nhạc mang tiết tấu, giai điệu ngũ cung của Việt Nam, tạo nên diện mạo riêng cho cải lương tuồng cổ Việt. Đó là, không vay mượn âm nhạc nước ngoài mà chắt lọc những tinh hoa để vun đắp cho bộ môn cải lương tuồng cổ Việt có bản sắc của dân tộc.

Một cảnh trong trích đoạn “Gió lộng cờ lau” của nhóm Bầu trời xanh - Nhà hát Trần Hữu Trang biểu diễn tại tọa đàm

Một cảnh trong trích đoạn “Gió lộng cờ lau” của nhóm Bầu trời xanh - Nhà hát Trần Hữu Trang biểu diễn tại tọa đàm

Áp dụng, theo những người trong cuộc, gần đây một số đơn vị xã hội hóa đã tổ chức dàn dựng nhiều vở sử Việt như "Khúc tráng ca thành Gia Định" (đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ), "Sấm vang dòng Như Nguyệt" (đạo diễn - NSƯT Chí Linh), "Xuân về trên đất Thăng Long" (đạo diễn - NSƯT Bạch Long), "Vương quyền" (đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt), "Truyền thuyết Cổ Loa xưa" (đạo diễn trẻ Dương Khôn)… mang đậm bản sắc của dân tộc tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn khán giả.

Tuy nhiên, tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn tình trạng "vay mượn" khiến người xem cứ ngỡ mình đang xem "kinh kịch tiếng Việt". "Kinh kịch của Trung Quốc rất hay, bản thân tôi ở Đoàn Cải lương Nam Bộ đã từng được học vũ đạo từ các diễn viên của Đoàn Kinh kịch Thượng Hải giảng dạy. Nhưng chúng ta phải biết chắt lọc, giữ bản sắc của mình" - NSƯT Ca Lê Hồng nhấn mạnh.

Muốn "chuẩn" thì phải đào tạo và đầu tư bài bản

Theo NSƯT Lê Nguyên Đạt, việc mở các lớp tập huấn sẽ không hiệu quả, bởi sẽ không đúng đối tượng, thời gian học quá nhanh sẽ khó thẩm thấu mà nên đi vào tổ chức đào tạo chuyên sâu tại các nhà hát, các đoàn nghệ thuật nơi có thế hệ diễn viên trẻ có năng khiếu về cải lương tuồng cổ.

NSND - nhạc sĩ Hồ Văn Thành cũng kiến nghị nên tổ chức những lớp học để đào tạo thế hệ nhạc công. Hiện nay sau thế hệ nhạc sĩ am hiểu về âm nhạc tuồng cổ như cố nghệ sĩ Đức Phú, cố NSƯT Thanh Dũng, chỉ còn NSƯT Minh Tâm, nhạc sĩ Thái Dũng, Nguyễn Phúc, Nguyễn Nhít..., còn lại không còn nhiều người theo học. Nếu lực lượng này mất đi thì không có người kế thừa. "Đa số các nhạc công tuồng cổ chỉ đánh theo thói quen, có người không biết nốt nhạc là gì, đưa bản phối xem như chịu thua, đây là lỗ hổng đáng lo" - NSND Hồ Văn Thành trăn trở.

Với phục trang, nghệ sĩ Công Minh lo lắng về tình trạng "có gì mặc nấy" diễn ra ở nhiều đoàn tuồng cổ. "Sự dễ dãi này khiến cho sân khấu sử Việt bị mai một, vì cứ diễn qua nhiều triều đại nhưng vẫn với bấy nhiêu trang phục" - nghệ sĩ Công Minh nói.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, cho biết TP HCM sẽ tổ chức liên hoan sân khấu 2 năm 1 lần, lần lượt theo từng thể loại như kịch nói, cải lương. Trong đó, khuyến khích các đơn vị dàn dựng vở diễn đề tài về sử Việt. Mở rộng mô hình "Sân khấu học đường" nhằm tăng cường giáo dục văn hóa nghệ thuật (trong đó có sử Việt) cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giu-ban-sac-cho-cai-luong-tuong-co-196240918195637769.htm
Zalo