Giới trẻ nghe về chú Sáu Dân qua 'Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân'

Nhiều mái đầu xanh ngồi quanh sân khấu chính để nghe những mái tóc bạc ôn lại kỷ niệm gặp gỡ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhân nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông.

Trên sân khấu là rất nhiều tác giả cùng viết nên tác phẩm “Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân”. Kỷ niệm khi nhớ về vị cố Thủ tướng là hai chữ tầm và tâm đọng lại trong họ. Họ là những người đã may mắn cùng làm việc với ông Sáu Dân trong thời kỳ đổi mới kinh tế. Ảnh: BTC.

Trên sân khấu là rất nhiều tác giả cùng viết nên tác phẩm “Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân”. Kỷ niệm khi nhớ về vị cố Thủ tướng là hai chữ tầm và tâm đọng lại trong họ. Họ là những người đã may mắn cùng làm việc với ông Sáu Dân trong thời kỳ đổi mới kinh tế. Ảnh: BTC.

Đó là nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhắc lại chuyện mình tháp tùng cố Thủ tướng - khi ấy còn giữ chức Phó Thủ tướng - sang Thụy Sĩ tham dự Diễn đàn Kinh tế Davos vào năm 1990. Ông Sáu Dân (bí danh của cố Thủ tướng), một người lính cách mạng chưa ra nước ngoài bao giờ đã thể hiện tầm của một vị lãnh đạo trên diễn đàn ngoại giao quốc tế. Nhờ phong cách ngoại giao chưa được ghi vào sách vở - ngoại giao từ trái tim - nhà lãnh đạo đã chiếm được nhiều thiện cảm.

Những gì ông trao đổi với quốc tế chỉ nhắm vào việc vực dậy kinh tế để cuộc sống người dân thoát khổ sau chiến tranh. Lãnh đạo các nước bắt đầu chú ý đến người Việt không mang phong cách một chính khách mà của một người rất chân thành. Cố Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu cũng bỏ qua các nghi thức xã giao cùng ngồi với ông Sáu Dân thẳng thắn trao đổi về kinh nghiệm tái thiết ở hai nước.

Phong cách làm việc của ông rất tự nhiên, từ trái tim của người lãnh đạo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM kể lại. Bởi vì nếu ông nổi nóng, dùng quyền của người lãnh đạo thì không ai dám nói thẳng, nói thật với ông nữa. “Bản lĩnh của ông Sáu Dân là dùng tâm để lắng nghe thay vì để cái tôi lấn át. Và tầm của người lãnh đạo ấy là giúp người dân biến ước mơ xây dựng đất nước phát triển thành hiện thực”, bà Phạm Phương Thảo nêu ý kiến cùng các tác giả trong buổi họp mặt tại đường sách về người lãnh đạo luôn lắng nghe và dám quyết, chỉ cần có lợi cho dân.

Các tác giả kể về kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: BTC

Các tác giả kể về kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: BTC

Nhà báo Vũ Kim Hạnh vẫn còn nhớ những ước vọng của "chú Sáu Dân" nay vẫn chưa thành hiện thực. Bà vẫn còn nhớ mãi ông gặp gỡ giới trẻ bấy giờ và “Kính chào thế hệ thứ 4” để truyền hoài bão xây dựng đất nước. “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn là người kiên định với việc hòa giải dân tộc và tôi tin rằng nếu ông vẫn còn sống đến hôm nay, ông cũng sẽ khích lệ giới trẻ làm điều đó. Còn rất nhiều điểm gạch đầu dòng ông đặt ra để phát triển đất nước, các bạn trẻ ngày nay hãy chung tay góp sức cùng chú Sáu Dân nhé”.

Xúc động khi nghe các tác giả kể về người cha đáng kính của mình, bà Phan Hiếu Dân nhớ lại người cha luôn về nhà với tâm trạng của một người tích cực: ‘Về quê nội, tôi nghe mọi người kể lại từ nhỏ cha đã rất hoạt bát sinh động. Sinh ra ở miền Tây, thoát ly từ khi còn rất trẻ để làm cách mạng, nên cha cũng phóng khoáng mà gần gũi với mọi người như miền quê sông nước vậy.

Khi đất nước thống nhất, trong vai trò người lãnh đạo mà khi về nhà, cha luôn mang lại không khí ấm áp dí dỏm trong gia đình. Cha dùng nhiều câu chuyện hài hước dạy con cái, để chúng tôi thấy mình không bị quản, mà được học từ những bài học sâu sắc một cách dễ dàng nhất. Những bài học ấy luôn lồng vào thông điệp hãy luôn quan tâm tới người xung quanh mình”.

Bà Phan Hiếu Dân (áo đen, hàng đầu) xúc động nghe về chuyện người cha của mình qua lời kể của nhiều người. Ảnh: BTC

Bà Phan Hiếu Dân (áo đen, hàng đầu) xúc động nghe về chuyện người cha của mình qua lời kể của nhiều người. Ảnh: BTC

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh nhắc lại lời của những người có tầm ảnh hưởng khi nói về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Anh Sáu Dân không dùng sự lãnh đạo của mình ở chủ trương chung, đại thể mà là con người của biện pháp cách làm. Đó chính là cái nguồn của tư duy vươn lên, xốc tới, tạo bứt phá”.

Quyển sách “Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân” do Nhà xuất bản TP.HCM xuất bản. Quyển sách này là những ghi chép về kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt do rất nhiều tác giả tưởng nhớ và kính trọng ông ghi lại.

Mỹ Huyền

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//van-hoa/gioi-tre-nghe-ve-chu-sau-dan-qua-vo-van-kiet-tram-nam-trong-mot-chu-dan-c26a45267.html
Zalo