Giới khoa học Trung Quốc: Men vi sinh trong phô mai giúp giảm triệu chứng tự kỷ
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đang thu thập ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng đến chức năng não, tâm trạng và cả nhận thức.

Lợi khuẩn có trong phô mai có thể giúp ảnh hưởng đến chức năng não. Ảnh: Shutterstock.
Một nghiên cứu tiên phong của các nhà khoa học Trung Quốc về chứng rối loạn phổ tự kỷ cho thấy một phát hiện bất ngờ – men vi sinh có trong phô mai – có thể đưa ra một con đường mới để giảm bớt các triệu chứng của bệnh này.
Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một tình trạng thần kinh suốt đời ảnh hưởng đến tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi, và có đến hơn 60 triệu người trên toàn cầu bị mắc với số ca chẩn đoán tăng lên hàng năm.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Động vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã khám phá mối liên hệ giữa sức khỏe đường ruột và bệnh tự kỷ, dựa trên bằng chứng ngày càng tăng rằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng đến chức năng não, tâm trạng và nhận thức.
Những phát hiện ban đầu của họ được công bố trên tạp chí Cell Genomics vào ngày 12/2, trong đó chỉ ra những cải thiện đáng chú ý trong hành vi xã hội ở chuột sau khi chúng được điều trị bằng men vi sinh Lactobacillus rhamnosus, thường được sử dụng trong quá trình lên men sữa.
ASD từ lâu đã gắn liền với các yếu tố di truyền và môi trường, nhưng những nghiên cứu gần đây lại tập trung vào trục ruột-não – một hệ thống liên lạc hai chiều giữa đường tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương. Sự gián đoạn của vi khuẩn đường ruột có liên quan đến tình trạng phát triển thần kinh, bao gồm lo lắng và trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi nhà khoa học gen Zhao Fangqing của Viện Động vật học, đã tập trung vào gen CHD8, gen rất quan trọng cho sự phát triển của não và ruột. Đột biến ở CHD8 là một trong những dấu hiệu di truyền phổ biến nhất đối với bệnh tự kỷ.
Bằng cách sử dụng trình tự RNA đơn bào tiên tiến, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một mô hình chuột bị thiếu hụt CHD8 đặc trưng cho tế bào ruột. Các nhà khoa học cho biết những con chuột này có biểu hiện về bệnh ASD đặc trưng: giảm hứng thú với những điều mới lạ và mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng glutamate và GABA trong vỏ não.
Đáng chú ý, sau 1 tháng bổ sung Lactobacillus rhamnosus hàng ngày, những con chuột đã cho thấy độ dẻo của khớp thần kinh được phục hồi – một cơ chế quan trọng cho việc học tập và trí nhớ – và sự gia tăng các tế bào thần kinh dương tính với Drd2, điều chỉnh động lực xã hội. Đáng chú ý nhất là sự tò mò bị suy giảm đã được cái thiện.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết trong một thông cáo báo chí: “Những phát hiện này giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về nguồn gốc phân tử của ASD và mở ra cánh cửa cho các liệu pháp đổi mới”.
Theo học viện, mặc dù sự can thiệp bằng men vi sinh của nghiên cứu nhắm vào các tế bào ruột, nhưng tác động của nó lại truyền đến não, củng cố vai trò của ruột như một “bộ não thứ hai”.
Sẽ cần phải có thử nghiệm trên người để xác nhận tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này, nhưng nghiên cứu này mang lại hy vọng cho các gia đình đang giải quyết những thách thức về ASD.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, với 1 trên 36 trẻ em ở nước này được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ vào năm 2023, nhu cầu về các phương pháp điều trị không xâm lấn là rất cấp thiết.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các liệu pháp mới, nếu được chứng minh là có hiệu quả, có thể bổ sung cho các biện pháp can thiệp hành vi với tác dụng phụ tối thiểu.
Nhóm của ông Zhao có kế hoạch điều tra xem các tín hiệu có nguồn gốc từ ruột ảnh hưởng chính xác đến các mạch não như thế nào.
Trong khi đó, mối quan tâm toàn cầu đối với các phương pháp điều trị dựa trên hệ vi sinh vật đang tăng lên, với nhiều thử nghiệm lâm sàng khám phá việc sử dụng men vi sinh để điều trị các tình trạng từ trầm cảm đến bệnh Parkinson.