Giỗ Tổ Sân khấu, tri ân Tổ nghiệp
Chiều 14/9, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên phối hợp với Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên tổ chức giỗ Tổ Sân khấu và liên hoan nghệ thuật sân khấu truyền thống mừng Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch) lần thứ XV năm 2024.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Thanh Hưng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, Sở VHTT&DL và đông đảo văn nghệ sĩ sân khấu, khán giả yêu nghệ thuật sân khấu tham dự.
Phát biểu chào mừng ngày Sân khấu Việt Nam, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên ôn lại sự kiện quan trọng: Năm 2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng có kết luận về ngày Sân khấu Việt Nam. Năm 2011, Thủ tướng đã ký và ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12/8 âm lịch làm ngày Sân khấu Việt Nam. Từ đó, hàng năm những người hoạt động trên lĩnh vực sân khấu trên khắp mọi miền của Tổ quốc đều tổ chức giỗ Tổ Sân khấu gắn với kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.
Những năm gần đây, nghệ thuật sân khấu truyền thống trong bức tranh chung của sự phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh đã thể hiện sự đa dạng, phong phú và sức sống mạnh mẽ kể cả trong điều kiện nhiều thử thách, khó khăn nhất, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của sân khấu trong đời sống tinh thần của người dân và đối với nền sân khấu nước nhà.
Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ Phú Yên, cách đây 20 năm Phú Yên chỉ có một vài câu lạc bộ dân ca bài chòi, tuồng, đờn ca tài tử hoạt động nhỏ lẻ, thì hiện nay đã có gần 30 câu lạc bộ; riêng huyện Tây Hòa có 6 câu lạc bộ. Trong các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng và các lễ hội của tỉnh, sở, ngành, địa phương, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như bài chòi, tuồng, cải lương, đờn ca tài tử... luôn hiện diện. Trong cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chào mừng 35 năm tái lập tỉnh do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phát động vừa qua, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng chục tác phẩm sân khấu của nhiều anh chị em, góp phần làm nên thành công của cuộc thi này…
“Chúng tôi tin tưởng rằng, theo đường lối văn nghệ của Đảng, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh nói chung, anh chị em nghệ sĩ sân khấu nói riêng tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm và hoạt động sân khấu có ý nghĩa phục vụ công chúng...”, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc phát biểu.
Chương trình giỗ Tổ Sân khấu được tiến hành theo nghi thức cổ truyền, diễn ra long trọng với các nghi thức truyền thống: Khởi chiêng, trống, nhạc bát âm; dâng hương Tổ nghiệp, đọc văn tế Tổ và các nghệ sĩ liệt sĩ và dâng hương. Các nghệ sĩ thành kính dâng hương tưởng nhớ Tổ nghiệp sân khấu. CLB Tuồng 10/5 biểu diễn nghệ thuật truyền thống trình Tổ, sau đó là Liên hoan nghệ thuật truyền thống, giao lưu giữa các đội, nhóm, CLB Đàn hát dân ca bài chòi, Đờn ca tài tử trong tỉnh.
* Cùng ngày, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tổ chức giỗ Tổ Sân khấu năm 2024 và chào mừng ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XV.
Ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Giám đốc phụ trách nhà hát, cho biết được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và sự chỉ đạo của Sở VHTT&DL, thời gian qua, đội ngũ nghệ sĩ nhà hát đã phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, ra sức sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật sân khấu có giá trị để phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ công chúng, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh trong Nhân dân.
Từ ngày tái lập tỉnh cho đến nay, qua 35 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà hát ngày càng khẳng định được thương hiệu bằng những chương trình nghệ thuật đặc sắc được công chúng trong và ngoài nước đánh giá cao... Đây là niềm vinh dự của anh chị em nghệ sĩ sân khấu Phú Yên, của ngành VHTT&DL tỉnh nói chung và nhà hát nói riêng. Hàng năm, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tham gia các liên hoan chuyên nghiệp và giành nhiều huy chương. Đến thời điểm hiện tại, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển có 2 NSND, 6 NSƯT.