Giỗ Tổ Hùng Vương - nhắc nhở lòng tự hào cội nguồn dân tộc
Giỗ Tổ Hùng Vương là tín ngưỡng hướng về cội nguồn với sự trân trọng và lòng tự hào giống nòi con cháu Lạc Hồng. Qua đó, nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam nêu cao khát vọng gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.
Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày 10/ 3 (âm lịch) hàng năm. Ngày lễ này đã đi vào tâm thức của người Việt Nam từ bao đời nay, trở thành biểu tượng văn hóa của một dân tộc luôn biết trân trọng quá khứ để xây dựng tương lai. Theo truyền thuyết, các Vua Hùng là những người đầu tiên xây dựng và khai sáng nền văn minh sơ khai của dân tộc Việt Nam. Dù chi tiết lịch sử về các vị Vua Hùng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, nhưng có thể khẳng định trong lòng người dân Việt Nam, các Vua Hùng là những người tiên phong tạo dựng nền tảng cho dân tộc từ các giá trị văn hóa, phong tục tập quán cho đến tổ chức xã hội. Do đó, trong tiến trình lịch sử, đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) luôn được các triều đại và Nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ.

Từ khi nước nhà độc lập đến nay, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm việc thờ tự các Vua Hùng, đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền Hùng ngày càng khang trang, xứng tầm là nơi thờ Quốc tổ. Bằng tấm lòng tôn kính, biết ơn các Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, cả nước có hơn 1.400 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương.
Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra hàng năm là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc. Vào ngày này, mọi người dân Việt Nam đều hướng về Đất Tổ, tưởng nhớ các Vua Hùng cùng các thế hệ những người có công đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc. Điều này có sức mạnh đặc biệt trong việc gắn kết cộng đồng và tạo ra hình ảnh về một dân tộc có sự liên kết bền chặt qua các thế hệ.

Hàng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng tại Khu di tích lịch sử đền Hùng. Đây là trung tâm của hoạt động tưởng niệm, nơi mà hàng triệu người dân từ khắp mọi miền đất nước tụ hội về để thể hiện lòng tôn kính. Dù khác nhau về tôn giáo, vùng miền, dân tộc nhưng tất cả đều chung một lòng kính trọng đối với nguồn cội, tổ tiên và niềm tự hào con cháu Lạc Hồng. Các địa phương khác trong cả nước cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để tưởng nhớ các Vua Hùng và cầu quốc thái dân an. Nhiều câu chuyện mang tính giáo dục, ghi nhớ công lao của các Vua Hùng được các bậc phụ huynh, thầy cô giáo truyền tải đến trẻ nhỏ… Với ý nghĩa tốt đẹp, mang giá trị nổi bật, khích lệ ý thức của dân tộc trong việc thúc đẩy tinh thần đại đoàn kết, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2012. Qua đó, đã góp phần quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo tồn tại hàng ngàn năm của người Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là lễ hội tưởng niệm, mà còn là dịp để mỗi người dân Việt Nam ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, kể cả những giá trị về tinh thần và giá trị vật thể. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi những giá trị truyền thống có nguy cơ bị mai một, Giỗ Tổ Hùng Vương giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Dịp này, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo nhắc nhở con cháu, học sinh về quá trình khai sinh, tạo dựng, gìn giữ, xây dựng và bảo vệ đất nước của bậc tiền nhân. Điều này không chỉ giúp các em hiểu hơn về lịch sử, mà còn khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm với đất nước. Từ đó, phấn đấu rèn luyện trở thành những công dân có ích, luôn biết sống có trách nhiệm, gắn bó và phát triển vùng đất nơi mình sinh ra.

Song hành với sự phát triển của xã hội, việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống là điều vô cùng quan trọng. Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp để toàn thể dân tộc nhớ về cội nguồn, tôn vinh những công lao của các vị Vua Hùng trong quá trình khai phá đất đai, xây dựng nên một quốc gia kiên cường, nghĩa tình, gắn bó, sự kiện này còn giúp củng cố và bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm. Hoạt động ý nghĩa này còn nhắc nhở về lòng tự hào dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước, trách nhiệm của mỗi người đối với những thành quả từ quá khứ, hiện tại và xây dựng, phát triển tương lai của đất nước.
Năm 2012, UNESCO chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng" là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam, là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại