Gió lộng xứ Ðầm

Gió rộn cuối năm. Ðường về xứ Ðầm giờ đã thông thoáng, nhiều lựa chọn chớ không như cách đây chục năm, kiểu gì kiểu cũng phải cách trở một chuyến phà vượt sông...

Quê hương Ðầm Dơi đổi mới. Ảnh: THÀNH QUỐC

Quê hương Ðầm Dơi đổi mới. Ảnh: THÀNH QUỐC

Thương lắm tên gọi Ðầm Chim, Ðầm Dơi, gợi lên một vùng đất mới giàu có sản vật gắn với rừng, với sông, với biển. “Sáu ghe bảy gánh” chở những người lập đất, lập làng về đây mang theo dòng máu hào kiệt của những anh hùng nghĩa quân chống Pháp. Ông Lê Khải Phong, người con xứ Ðầm, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo (Tỉnh ủy Minh Hải và Tỉnh ủy Cà Mau), tự hào: “Những người đầu tiên về vùng đất này đều mang theo dòng máu “Lạc - Hồng”, dòng máu anh hùng của cha ông. Họ mang trong lòng sự căm ghét chế độ thực dân, phong kiến áp bức, bất công; khao khát cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc”.

Ánh sáng của thời đại được Bác Hồ, được Ðảng ta chiếu rọi khắp nơi nơi. Tôi nhớ tới cố Soạn giả Trọng Nguyễn, người con xứ Ðầm với những lời ca chấn động tâm can trong bài vọng cổ "Ơn Ðảng": “Mẹ ơi, thân cút côi tháng năm tưởng đời quên lãng, nhưng nhờ ơn Ðảng cứu sống đời con trong đêm tối kinh hoàng”...

Ðó là khởi đầu cho những trang sử vàng chói lọi của đất và người Ðầm Dơi trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri (Bảy Minh) đánh giá: “Tên người anh hùng Phan Ngọc Hiển gắn bó với đất và người Ðầm Dơi 34 năm (từ năm 1947 đến năm 1984 do thành lập, chia tách), nhưng khí phách anh hùng của người cộng sản tiền bối đã được nhiều thế hệ cán bộ, tầng lớp Nhân dân Ngọc Hiển trước đây và Ðầm Dơi ngày nay học tập, noi theo”.

Cùng với những tên đất lâu đời như Tân Duyệt, Tân Thuận, xứ sở này được tô thắm thêm những tên người đã hóa bất tử thành tên đất: Tạ An Khương, Quách Văn Phẩm, Trần Văn Phán, Nguyễn Huân.

Huyền thoại của sông nước Ðầm Dơi chở nặng chiến công còn được kể mãi. Ông Dương Việt Thắng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, mô tả trận “thủy lôi chiến” đánh chìm tàu La-toa-năng của Pháp bằng niềm tự hào khôn xiết: “Tàu chiến Pháp trúng thủy lôi chìm tại chỗ chiều 18/5/1947. Nơi đây, đoạn sông Mương Ðiều, ngay trước nhà tôi đã diễn ra câu chuyện “có một không hai” trong lịch sử chiến tranh: Hàng ngàn người thi nhau tát nước bằng gàu vai, gàu chuyền ròng rã suốt 20 ngày đêm, tát cạn một khúc sông Mương Ðiều để lấy chiến lợi phẩm”.

Người anh hùng với khí phách can trường và tâm hồn nghệ sĩ tài hoa Tạ An Khương với “tay đàn, tay súng”, 1 trong 3 đảng viên đầu tiên của chi bộ đảng đầu tiên (thành lập ngày 15/10/1945) ở Ðầm Dơi bằng 30 năm cuộc đời tận hiến cho cách mạng đã tạc tên tuổi vào sử sách, bất tử trong hồn đất, lòng người quê hương.

Anh hùng nối chí anh hùng. Người nối người trọn lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ; sống và chết xứng đáng với tiền nhân, với quê hương, với lý tưởng cách mạng son sắt, thủy chung trong kháng chiến chống Mỹ. Vang vọng mãi lời người anh hùng Trần Ngọc Hy trước họng súng thù: “Tao là thanh niên Việt Nam phải cứu nhà, cứu nước, không cúi đầu làm tay sai cho ngoại bang để hại dân, hại nước. Ðả đảo Mỹ - Diệm. Ðả đảo bọn sát nhân!”. Người anh hùng ngã xuống cho quê hương này còn mãi.

Lẫy lừng chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là năm 1963. Lịch sử đã tổng kết, đây là 1 trong 7 chiến thắng lớn nhất của miền Nam năm 1963. Riêng trận cứ điểm Chà Là, ta tiêu diệt được nhiều máy bay địch nhất lúc bấy giờ. Với chiến công vang dội này, đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong phong trào đấu tranh cách mạng của Ðảng bộ, dân và quân Cà Mau sau phong trào Ðồng khởi.

Ðất này, không chỉ có những bậc trai tráng nam nhi mà còn những nữ hào kiệt trung dũng, kiên cường. Anh hùng Phan Thị Ðẹt, người mẹ của 6 con, vẫn vuông tròn nghĩa nước với sự mưu lược, can trường, không sợ hiểm nguy. Ðêm chi khu, hối hả những nhịp chèo từ khắp sông nước Ðầm Dơi đổ về, hơn 5 ngàn lực lượng đồng bào tranh đấu trực diện với kẻ thù. Người con gái vùng Tân Ðức - Tân Thuận Tô Thị Tẻ xung kích ở hàng đầu. Trước cái chết cận kề, nữ anh hùng mỉm cười, dõng dạc: “Chúng bây giết tao, tao không sợ! Ngày tận số chờ sẵn chúng bây kia!”.

Ðầm Dơi có cô giáo trẻ thành Nữ kiện tướng chiến hào huyền thoại Dương Thị Cẩm Vân mà chỉ cần nhắc đến giặc phải hồn xiêu phách lạc. Bên những ngã sông mênh mông gợi dáng quê hương tại thị trấn Ðầm Dơi ngày nay, người về còn thấy lồng lộng tượng đài của nữ anh hùng với oai linh bất tử.

Nhớ Ðầm Dơi 3 lần dựng Ðền thờ Bác Hồ ở xã Tân Tiến cũ (nay là xã Nguyễn Huân) từ trong kháng chiến cho tới hòa bình. Mưa sụt sùi Tân Ðức trong lễ truy điệu Bác Hồ, kỷ niệm này được Ðạo diễn Lê Vũ Hoàng (nguyên Phó giám đốc Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau), khi còn là một học sinh tuổi niên thiếu, thuật lại: “Buổi lễ diễn ra trong đêm mưa ngày càng nặng hạt, nước mắt của hàng ngàn cán bộ, quân dân chánh, học sinh của Tân Ðức, Ðầm Dơi cũng tuôn trào”. Ðất và người Ðầm Dơi biến đau thương thành sức mạnh, chiến công nối tiếp những chiến công, để ngày toàn thắng ngày càng gần thêm và trở thành sự thật.

Tự hào lắm Ðầm Dơi, nhưng hành trình đi tới đâu hề dễ dàng. Tình cờ tôi đọc được bài báo của Nhà báo Nguyễn Bé (nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Cà Mau) viết cách đây 40 năm (1985), với tựa đề “Con đường đã mở”, trong đó có những dòng suy tư day dứt: “Không thể không có người ở Ðầm Dơi cả đời mà không biết thị xã Cà Mau và các thành thị khác... Ðầm Dơi còn có những xã phải đi tàu đò suốt đêm, hoặc 2 ngày mới đến thị trấn”.

Ao ước của Nhà báo Nguyễn Bé cách đây 40 năm mà tươi mới hơi nóng thời sự như của ngày hôm qua, hôm kia, để con đường mới nối “nơi xa nhất của Ðầm Dơi chỉ trong 2 giờ cũng đến được Cà Mau bằng xe gắn máy”. Và Ðầm Dơi bây giờ, những con đường lớn đã rộng mở thênh thang...

Gió Tết lộng tứ bề rồi! Gió thổi thao thiết trên miền sông nước xứ Ðầm, qua bao nhiêu không gian, thời gian, qua bao nhiêu thế hệ con người để đọng lại thành dáng điệu quê hương. Ðó là nỗi nhớ, niềm thương và chỉ dấu dẫn đường để những người đi xa không lạc lối khi tìm về xứ./.

Ghi chép của Phạm Quốc Rin

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/gio-long-xu-dam-a36893.html
Zalo