Gìn giữ văn hóa đọc
Trong thời kỳ công nghệ số phát triển, nhiều loại hình nghe, nhìn hấp dẫn ra đời, văn hóa đọc đứng trước nhiều thách thức. Trước thực tế đó, nhiều mô hình, cách làm nhằm khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ đã được triển khai. Qua đó, hình thành thói quen đọc sách, xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc trong toàn xã hội.

Đọc sách, báo giúp cập nhật kiến thức, mở ra nhiều chân trời mới.
Trên thao trường huấn luyện tại Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh tranh thủ giờ giải lao giữa các khoa mục huấn luyện, Binh nhì Lê Đức Việt, Trung đội 9, Đại đội 3 lại cùng các chiến sĩ say sưa tìm hiểu, cập nhật tin tức qua những trang báo trong “Hòm báo thao trường”. Được ví như một thư viện “di động”, “Hòm báo thao trường” là chiếc hộp nhỏ đựng sách, báo do trung đội trưởng trực tiếp quản lý; sách, báo được thay đổi hằng ngày và phân công chiến sĩ mang theo khi đi huấn luyện.
Binh nhì Lê Đức Việt chia sẻ: Thông qua mô hình “Hòm báo thao trường”, chiến sĩ có thể đọc sách, báo ngay trên thao trường, bãi tập trong những giờ nghỉ giải lao. Việc thường xuyên được đọc sách, báo không chỉ giúp chiến sĩ cập nhật kiến thức, mà còn mở ra nhiều chân trời mới, thỏa chí khám phá, tìm hiểu, học tập.

Chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 1 đọc báo cập nhật tin tức thời sự.
Ngoài mô hình “Hòm báo thao trường”, để xây dựng thói quen đọc sách cho cán bộ chiến sĩ thành nền nếp, thời gian qua, Tiểu đoàn Bộ binh 1 đã triển khai nhiều mô hình, như: “Mỗi tuần một cuốn sách”, thành lập nhóm sách, báo nội bộ có từ 3 đến 5 thành viên… Ngoài ra, vào các ngày trong tuần, từ 18 giờ 45 phút đến 19 giờ, các chiến sĩ sẽ được đọc sách, báo trong không gian sinh hoạt chung của Tiểu đoàn. Việc thường xuyên tổ chức các hoạt động đọc sách, báo đã góp phần đưa sách đến gần hơn với bộ đội, hình thành thói quen, văn hóa đọc trong đơn vị.
Đại úy Thào A Lồng, Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 1 cho biết: Sách, báo tại Tiểu đoàn Bộ binh 1 được trang bị rất đa dạng, thu hút bộ đội tìm đọc. Hiện Tiểu đoàn có khoảng 800 đầu sách, truyện, tài liệu nghiên cứu nghị quyết, văn kiện, sách pháp luật. Hằng năm Tiểu đoàn phối hợp với Thư viện tỉnh, Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp luân chuyển khoảng 200 đầu sách để thư viện sách thêm phong phú.

Mô hình “Thư viện tiên tiến” của Trường Tiểu học Thanh Chăn thu hút nhiều học sinh đến đọc sách.
Tại Trường Tiểu học xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, để gìn giữ, khơi dậy văn hóa đọc cho học sinh, từ năm 2017, mô hình "Thư viện tiên tiến" đã được trường triển khai. "Thư viện tiên tiến" của nhà trường được thiết kế gồm 2 không gian bên trong và bên ngoài phòng đọc với tổng diện tích 190m2, được trang trí đẹp mắt bằng những bức tranh, dòng chữ sinh động thể hiện nội dung theo từng chủ đề của góc đọc. Hệ thống giá sách với trên 4.000 cuốn sách, truyện, tài liệu tham khảo các loại cũng được sắp xếp khoa học, khéo léo góp phần thu hút cũng như phục vụ tốt nhu cầu học tập, giải trí của cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.

Sách tại thư viện của Trường Tiểu học Thanh Chăn được sắp xếp khéo léo, khoa học.
Theo nhà giáo ưu tú Vũ Thị Trung Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Chăn chia sẻ: Điểm khác biệt cơ bản giữa "Thư viện tiên tiến" của nhà trường với loại hình thư viện truyền thống đó là hàng tuần mỗi lớp sẽ có 1 “tiết đọc thư viện” được sắp xếp thời khóa biểu như một tiết học bình thường khác. Với các chủ đề đã lựa chọn, chuẩn bị từ trước, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau như: thuyết trình, giới thiệu sách, góc nghe - nhìn, hỏi - đáp, chơi trò chơi... Qua đó, vừa phát huy tính sáng tạo vừa khuyến khích các em tìm đọc nhiều thể loại sách khác nhau.
Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo được tổ chức hiệu quả ở các đơn vị, nhà trường, địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về văn hóa đọc, vai trò của sách, tri thức trong đời sống. Từ đó, hướng đến việc đọc sách trở thành một việc làm có ý thức, tự giác. Văn hóa đọc sẽ là nét đẹp văn hóa sống mãi giữa thời hiện đại khi người đọc có ý thức giữ gìn và yêu thích đọc sách.