Gìn giữ văn hóa dệt thổ cẩm của đồng bào Bahnar

Nét đẹp văn hóa dệt thổ cẩm của người Bahnar và những nỗ lực bảo tồn di sản truyền thống.

Đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và đồng bào dân tộc Bahnar nói riêng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được xem như “linh hồn” của cả cộng đồng vì mang đậm những nét văn hóa rất riêng. Trước thực trạng thế hệ trẻ ngày càng xa rời những giá trị truyền thống, những nghệ nhân Bahnar lớn tuổi đang nỗ lực truyền đạt nghề dệt thổ cẩm nhằm bảo tồn, phát triển nét văn hóa đặc sắc này.

 Nghệ nhân Y Tủi (người Bahnar, xã Kroong, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) mang nghề dệt thổ cẩm đến trình diễn tại lễ hội.

Nghệ nhân Y Tủi (người Bahnar, xã Kroong, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) mang nghề dệt thổ cẩm đến trình diễn tại lễ hội.

“Linh hồn” của cộng đồng

Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm là một trong những văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Bahnar, tạo dựng nét riêng để phân biệt với các dân tộc khác. Người Bahnar cho rằng, thổ cẩm không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp mà còn nằm ở ý nghĩa văn hóa, tôn giáo, cuộc sống đời thường của họ. Các tấm vải thổ cẩm của người Bahnarthường có gam màu chủ đạo là đen, xanh đen, gắn với các họa tiết đỏ, vàng và trắng. Đây là điểm nhấn để tô điểm, nổi bật lên cả bộ trang phục và người có địa vị như già làng sẽ có thêm những họa tiết rất riêng. Đơn cử như già làng, người có uy tín trong làng, trên trang phục thổ cẩm của họ sẽ có phần ruy-băng nhiều màu sắc và dày hơn so với trang phục thông thường; một số điểm sẽ đính những vật lấp lánh để tô thêm màu sắc thể hiện sự uy quyền của người mặc đối với dân làng.

Nghệ nhân Y Tủi (43 tuổi, xã Kroong, thành phố Kon Tum) chia sẻ, các họa tiết trên thổ cẩm thường được người dệt tái hiện lại từ hình ảnh của hạt lúa, cây cối, vật nuôi và cảnh sinh hoạt đời thường. Trải qua thời gian, người Bahnar đã sáng tạo thêm nhiều họa tiết, hoa văn độc đáo để phù hợp với thế hệ ngày nay.

Người Bahnar tin rằng thổ cẩm chính là “linh hồn”, bản sắc của dân tộc nên từ nhỏ, những người phụ nữ đã được mẹ hoặc bà thổi bùng “ngọn lửa” đam mê về dệt thổ cẩm. Đơn cử như nghệ nhân Y Yin (72 tuổi, trú làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) đã biết dệt từ năm 12 tuổi. Những lúc rảnh, bà thường miệt mài bên khung dệt để cùng mẹ làm ra các sản phẩm phục vụ đời sống.

Hiện, bà Y Yin là nghệ nhân hiếm hoi của tỉnh Kon Tum thành thạo, có thể dùng khả năng của mình “kể truyện cổ” trên thổ cẩm. Với kho tàng truyện cổ Bahnar mà bà Y Yin được nghe kể từ mẹ, bà đã sử dụng tài năng của mình để đưa các chuyện Tấm Cám, Chú Cuội cung trăng, câu chuyện Hơ Rit, Nước Giọt… lên vải dệt. “Truyện cổ của người Bahnar có nhiều nét tương đồng giống với dân tộc Kinh. Điều khác biệt ở đây là những chi tiết bên trong câu chuyện thường gắn với thần linh và cuộc sống của người Bahnar. Đa phần những câu chuyện cổ được dệt lên vải thường đi đôi với các kết thúc có hậu nhằm mang ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ, cộng đồng về văn hóa, tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số nơi đây”, nghệ nhân Y Yin chia sẻ.

Nghệ nhân Y Yin cho biết, dệt thủ công truyền thống là một chuẩn mực về vẻ đẹp của người phụ nữ, thể hiện được sự tinh tế, tài hoa, khéo léo và tính thẩm mỹ của người dệt. Nhưng để dệt một tấm vải “kể truyện cổ” còn phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức hơn. Tuy khó khăn, gian khổ do nhiều yếu tố, song, bà vẫn tiếp tục niềm đam mê dệt của mình nhằm khơi dậy cho thế hệ trẻ niềm tự hào về bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Để nét đẹp văn hóa không bị mai một

Nhằm kết hợp công tác bảo tồn nghề truyền thống với mưu sinh, người Bahnar trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đưa vào kinh doanh những sản phẩm dệt thủ công của mình với mong muốn lan tỏa rộng khắp. Nghệ nhân Y Tủi (xã Đăk Kroong, thành phố Kon Tum) cho biết: “Người dân trong làng thường phân chia các công đoạn để dệt tùy theo thế mạnh của mỗi người. Nhất là khi có khách đặt hàng những tấm vải thổ cẩm, các chị em sẽ chung tay cùng làm để sản phẩm được hoàn thiện nhanh nhất, đẹp mắt khi đến tay khách”.

Tại Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, nhờ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Y Yin, nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã được trải nghiệm phương pháp dệt truyền thống, tận mắt xem những tấm thổ cẩm của người Bahnar.

Già làng A Chun (làng Kon Kơ Tu) chia sẻ, nghệ nhân Y Yin chính là tấm gương sáng trong việc khơi dậy khao khát giữ gìn nét đẹp văn hóa cho thế hệ trẻ. Cùng đó, nghệ nhân Y Yin còn truyền đạt lại phương pháp dệt cho các phụ nữ trong làng, giúp hình thành tổ dệt thổ cẩm với nhiều sản phẩm độc đáo, giúp du khách có nhiều trải nghiệm mới lạ, góp phần quảng bá du lịch cho địa phương.

 Trang phục truyền thống của người Bahnar tại tỉnh Kon Tum thường được thế hệ trẻ mặc vào những dịp đặc biệt như lễ hội hoặc trong trường học.

Trang phục truyền thống của người Bahnar tại tỉnh Kon Tum thường được thế hệ trẻ mặc vào những dịp đặc biệt như lễ hội hoặc trong trường học.

Tháng 2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem như lời khẳng định và tiếp thêm động lực cho những nghệ nhân nói riêng và người Bahnar nói chung trong công cuộc bảo tồn nghề truyền thống.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng cho biết, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy nghề dệt thủ công truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh nói chung và người Bahnar nói riêng, Sở đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa của Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Sở đề nghị, các cấp chính quyền quan tâm, bố trí với các nguồn ngân sách để hỗ trợ một phần kinh phí trong việc bảo tồn các di sản văn hóa. Cùng với đó, Sở còn khuyến khích người dân tiếp tục trồng bông, dệt vải, từ nguồn nguyên liệu truyền thống để giữ nét văn hóa truyền thống; cải tiến về khung dệt để việc dệt được thuận lợi hơn.

Thời gian tới, Sở sẽ triển khai các chương trình, dự án liên quan đến nghề dệt thổ cẩm như: mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lễ hội truyền thống, trong đó các đội văn nghệ có sử dụng các trang phục truyền thống của dân tộc mình để tham gia các ngày hội và các đợt liên hoan do tỉnh tổ chức. Việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống sẽ góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội thông qua hoạt động về du lịch, giúp người dân tộc thiểu số từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo Khoa Chương (TTXVN)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gin-giu-van-hoa-det-tho-cam-cua-dong-bao-bahnar-post298901.html
Zalo