Gìn giữ nghề làm nón truyền thống qua hội làng Chuông
Cứ đến ngày 10/3 âm lịch, hàng nghìn người dân và du khách đã đổ về xã Phương Trung (hay gọi là làng Chuông), huyện Thanh Oai, Hà Nội để dự lễ hội truyền thống.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 30km, làng Chuông nằm nép mình bên dòng sông Đáy hiền hòa, nổi tiếng xa gần với nghề làm nón với chất lượng sản phẩm dày dặn, bền chắc và mũi đều, mềm mại.
Xưa kia, nón Chuông là vật tiến cống cho hoàng hậu và công chúa, đồng thời cũng là thứ trang sức cho các bà, các chị, nhất là những thiếu nữ. Đến nay, những nét đẹp đó vẫn còn được gìn giữ như một biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Việt Nam nói chung và người dân làng Chuông nói riêng.

Xã Phương Trung (làng Chuông) ngày càng phát triển.
Theo lời các cao niên trong vùng thì làng Chuông thờ lục vị thành hoàng gồm hai vị thiên thần (Đức thiên thần Địa kỳ và Thổ kỳ), bốn vị nhân thần là Đức Phùng Hưng, Đức Đỗ Huệ, thánh mẫu Tiên Dung và Đức Nguyễn Xí. Đây đều là những vị có công với làng và được nhân dân suy tôn. Hội Chuông cũng nhằm tưởng nhớ những vị có công mở đất, giữ làng.
Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội làng Chuông mang đặc trưng văn hóa dân tộc truyền thống đồng bằng Bắc Bộ, có sức sống lâu dài và bền bỉ trong tâm thức người dân. Nét đặc sắc của hội làng Chuông được tóm lược trong hai câu ca dao: "Mồng mười đi chợ Chuông chơi/Xem đánh cờ người, xem thổi cơm thi."

Người dân nô nức tham gia lễ hội truyền thống của làng.
Sau phần rước kiệu thì Hội làng Chuông diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh cờ người, chọi gà, đập niêu đất, bắt vịt… trong đó đặc sắc nhất và thu hút đông người xem nhất là hội thổi cơm thi và đánh cờ người.
Trong đó, đánh cờ người ở chợ Chuông được tổ chức ngay trước cửa đình trên khu đất họp chợ, thể hiện cuộc đấu trí giàu tính văn hóa giữa hai đối thủ trên một bàn cờ tướng mà các quân cờ đều là người thật, với một bên 16 quân cờ là nam giới ăn mặc sang trọng, phía trước áo in chữ Hán thể hiện chức năng của quân cờ đó. Bên kia, 16 quân cờ do nữ giới sắm vai. Riêng tướng ông và tướng bà của hai bên được ngồi trên ghế có lọng che, người sắm vai quân cờ khác phải đứng.

Phần thi đánh cờ người thu hút nhiều khán giả.
Theo lệ, người làm tướng ông, tướng bà ngồi trên ghế ở bàn cờ được làng chọn lựa rất kỹ càng, vừa đẹp về hình thức lại phải ăn ở phúc đức, trong năm gia tộc không có vận áo xám (việc tang).
Sau cuộc thi đánh cờ người, các vị tướng ông, tướng bà sẽ mời quân cờ về nhà mở tiệc trầu cau, chè nước và gia chủ lúc ấy rất hãnh diện vì được làng chọn vào vị trí tướng cờ năm đó.
Đặc sắc nhất tại hội làng Chuông là cuộc thi thổi cơm thi. Mỗi cuộc thi có tám đội tham gia, mỗi đội ba người. Trong vòng 23 phút, các thôn nữ của từng đội phải vo gạo thật sạch, lấy lửa từ bùi nhùi rơm, nhóm củi và nấu.

Nét đặc sắc của cuộc thi thổi cơm.
Đặc biệt, trong khi thi, một người gánh, hai người còn lại phải cầm củi chạy theo cho tới khi cơm chín nhằm thử thách sự nhanh nhẹn, tháo vát của các cô gái làng Chuông.
Khi hết 23 phút, sau một hồi trống ngân dài, các đội tắt bếp, những nồi cơm sản phẩm được trình cho Ban giám khảo chấm theo các tiêu chí cơm ngon, không khô không cháy, trang phục của đội thi đẹp, thái độ trình diễn đẹp...
Lễ hội làng Chuông là sự hòa hợp rất nhiều lớp văn hóa trong tiến trình phát triển của lịch sử. Những trầm tích của văn hóa chùa chiền, tín ngưỡng thành hoàng làng của các sinh hoạt gắn liền với nông nghiệp trồng lúa nước vẫn được người dân gìn giữ, lưu truyền thông qua nghề làm nón truyền thống nơi đây.