Gìn giữ nét đẹp xin chữ đầu năm

Tính đến ngày 4/2 (tức mùng 7 Tết Ất Tỵ), di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã đón khoảng 120.000 lượt du khách đến tham quan, xin chữ đầu năm. Không chỉ là một nét đẹp văn hóa, tục xin chữ đầu năm còn thể hiện sự trọng chữ nghĩa, đề cao tinh thần học tập và ước nguyện một năm mới tốt đẹp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, cần tránh biến xin chữ thành một hoạt động thương mại hóa…

Xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: P.Sỹ.

Xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: P.Sỹ.

Phong tục truyền thống tốt đẹp

Những ngày qua, tại Hồ Văn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rất đông người dân đến xin chữ đầu năm. Hình ảnh “ông đồ” đã gắn với bao thế hệ người Việt Nam, đó là hình ảnh đẹp về người thầy đồ cho chữ mỗi độ Tết đến, xuân về. Các ông đồ mặc áo dài khăn đóng, cẩn thận từng nét bút trên giấy đỏ. Theo quan niệm truyền thống, người viết thư pháp không chỉ cần nét chữ đẹp mà phải hiểu sâu sắc ý nghĩa của từng chữ mình viết ra cũng như tâm nguyện, tính cách của người xin chữ.

Hội chữ Xuân những năm qua được Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức tại khu vực Hồ Văn với một không gian thoáng đãng, sạch đẹp, đầy sắc xuân. Đặc biệt, trong không gian của Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025, có nhiều du khách nước ngoài tới tham quan và tự mình xin chữ với mong muốn tìm hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Cầm trên tay chữ "Phúc", chị Vũ Thu Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm nay đến Văn Miếu chị xin chữ “Phúc” với mong muốn gia đình luôn ấm êm, thuận hòa, hạnh phúc. "Mỗi năm đến xin chữ, tôi đều chọn vị trí đẹp trong phòng khách để treo lên, trang trọng, bởi với tôi, mỗi chữ xin được không chỉ là nét mực trên giấy mà còn chứa đựng hy vọng và năng lượng tích cực cho cả năm. Xin chữ đầu năm không chỉ là một phong tục truyền thống ý nghĩa mà còn để nhắc nhở bản thân luôn sống tích cực, hướng thiện và trân trọng những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống" - chị Hà chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám xin chữ đầu năm.

Nhiều bạn trẻ đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám xin chữ đầu năm.

Không chỉ những người lớn tuổi mà nhiều bạn trẻ cũng hào hứng tham gia hoạt động này. Mỗi người một ước nguyện xin chữ với mong muốn thi cử đỗ đạt, sự nghiệp thăng tiến hay đơn giản là có một năm bình an, thuận lợi. Chữ sau khi xin thường được treo trong nhà, nơi học tập hoặc làm việc như một lời nhắc nhở bản thân cố gắng phấn đấu.

Bạn Lê Thanh Tâm (Ninh Bình) cùng nhóm bạn tham quan và xin chữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Năm nào mình cũng đến đây để xin chữ. Năm ngoái mình xin chữ “Nhẫn” với mong muốn nhắc nhở bản thân luôn kiên trì, không nóng vội trong công việc và cuộc sống. Năm nay mình xin chữ “Tài” để năm mới công việc phát đạt, suôn sẻ. Xin chữ đầu năm là một phong tục rất ý nghĩa, thêm trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, lại giúp mình có thêm động lực để phấn đấu”.

Không để thương mại hóa “xin chữ”

Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học (Văn Miếu - Quốc Tử Giám), năm nay số lượng các nhà thư pháp chữ quốc ngữ chiếm khoảng nửa trong số 47 ông đồ viết thư pháp ở hội chữ xuân. “Điều này cho thấy nhu cầu của người dân xin thư pháp chữ quốc ngữ nhiều hơn, ngày càng nhiều người thực hành viết thư pháp chữ quốc ngữ bởi các bạn trẻ thường thích thư pháp quốc ngữ vì nhìn vào chữ đó họ hiểu được nghĩa ngay” - ông Kiêu nói.

GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, tục xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Ngày xưa, phong tục này gắn liền với hình ảnh ông đồ viết thư pháp bằng chữ Hán, nhưng những năm gần đây, hình ảnh “ông đồ trẻ” với khăn xếp, áo the xuống phố đã mang lại những nét đẹp mới, là tín hiệu lạc quan vì đã xuất hiện rất nhiều bạn trẻ tài năng và yêu hơn những nét đẹp của thư pháp.

“Với truyền thống là hình ảnh những ông đồ già mới đủ độ chín chắn, đủ uy tín để cho chữ. Nhưng ngày nay, các bạn trẻ được học hành, cập nhật nhiều kiến thức, thậm chí nhiều người trẻ còn có những tiến bộ và sáng tạo hơn. Đây là sự khuyến khích để họ tự khẳng định uy tín và cùng góp phần gìn giữ nét đẹp xin chữ ngày đầu xuân” - GS.TS Từ Thị Loan nói.

Các em nhỏ được bố mẹ đưa đi xin chữ đầu năm. Ảnh: Lê Minh.

Các em nhỏ được bố mẹ đưa đi xin chữ đầu năm. Ảnh: Lê Minh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, để tránh biến xin chữ thành một hoạt động thương mại hóa, việc tổ chức các không gian xin chữ cần chú trọng đến yếu tố văn hóa, tôn vinh những giá trị tinh thần của phong tục này. Đồng thời, việc giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu về ý nghĩa của tục xin chữ cũng là điều quan trọng, giúp họ trân trọng và gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.

ThS Nguyễn Đắc Tới - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển) cho rằng, xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, thể hiện sự trọng chữ, trọng tri thức và mong cầu may mắn, hanh thông trong năm mới. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, ở một số nơi, phong tục này đang dần bị thương mại hóa, biến thành hoạt động mang tính giao dịch hơn là một nghi lễ văn hóa.

“Việc thương mại hóa tục xin chữ có thể thấy qua hình ảnh có nhiều ông đồ viết chữ để bán với giá cố định, thậm chí có nơi giá chữ bị đẩy lên cao tùy vào kích thước hay nội dung chữ. Điều này làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng vốn có của phong tục. Bản chất của việc xin chữ không phải là một giao dịch mua bán, mà là sự trân quý giá trị tinh thần và tri thức. Khi chữ trở thành hàng hóa, người xin không còn hướng đến giá trị tinh thần, mà chỉ xem đó như một món đồ trang trí hay phương tiện cầu may” - ThS Nguyễn Đắc Tới nói.

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng trong xã hội hiện đại, việc phát triển nghề viết chữ thư pháp cũng cần có nguồn thu để duy trì. Vả lại, để viết chữ không đơn thuần là một tờ giấy với lọ mực, cây bút lông mà còn nhiều chi phí khác. Vấn đề ở đây không phải là cấm tuyệt đối việc người viết chữ nhận thù lao, mà là làm sao để hài hòa, vừa giữ được ý nghĩa cao đẹp của phong tục, lại tránh tình trạng chạy theo lợi nhuận mà đánh mất giá trị truyền thống.

Để giữ gìn tinh thần cao đẹp của tục xin chữ, theo ThS Nguyễn Đắc Tới, cần có sự điều chỉnh từ nhiều phía. Trước hết là từ chính cá nhân, gia đình, phải nhận thức về tính chất, giá trị của việc xin chữ, bên cạnh đó là ý thức của người cho chữ. Chữ được cho phải phù hợp với người nhận và mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc; người cho chữ cần giải thích rõ ý nghĩa của chữ được cho, vận vào từng người nhận. Như thế, việc cho và nhận chữ trở thành việc trao - nhận một giá trị văn hóa chứ không mang ý nghĩa trao đổi hàng hóa.

“Ngoài ra, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ hoạt động cho chữ, đảm bảo tính chất văn hóa thay vì thương mại. Chẳng hạn, có thể tổ chức không gian xin chữ tại các di tích lịch sử, đình chùa với sự tham gia của những người thực sự am hiểu thư pháp, có tâm huyết truyền bá tri thức, thay vì để bất cứ ai cũng có thể viết chữ để bán” - ThS Nguyễn Đắc Tới nói.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gin-giu-net-dep-xin-chu-dau-nam-10299388.html
Zalo