Gìn giữ màu xanh di tích

Những di tích ở vùng rừng núi Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương) từ lâu được biết đến với không gian xanh mát. Việc gìn giữ, chăm sóc, bảo tồn màu xanh của di tích luôn được quan tâm hàng đầu.

Di tích Côn Sơn nằm trọn trong khu rừng xanh mát

Di tích Côn Sơn nằm trọn trong khu rừng xanh mát

Côn Sơn xanh ngút ngàn

Đến thăm di tích Côn Sơn (Chí Linh) trong những ngày đầu xuân mới này, du khách khắp trong và ngoài tỉnh được hòa mình vào thiên nhiên xanh mướt của những hàng cây, sắc màu rực rỡ của nhiều loài hoa và thấp thoáng những cây trái sum suê. Trở lại Côn Sơn vãn cảnh vào mỗi dịp Tết, ông Vũ Xuân Thiện - một nhà giáo nghỉ hưu quê ở tỉnh Bắc Giang lân cận, lộ rõ vẻ thư thái. “Côn Sơn nhiều năm nay đã thực sự trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ như lời Bác Hồ căn dặn năm xưa. Di tích được bao bọc trong một cánh rừng ngút tầm mắt và trong chính khuôn viên cũng trồng rất nhiều cây, hoa. Tôi thường đến đây vào dịp Tết hằng năm, dẫu có lúc khách rất đông nhưng chính vì hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn nên di tích không bị xô bồ mà vẫn giữ được vẻ bình yên của chốn thờ tự”, ông Thiện nói.

Du khách về thăm Côn Sơn được hòa mình với thiên nhiên

Du khách về thăm Côn Sơn được hòa mình với thiên nhiên

Đó cũng là cảm nhận chung của nhiều du khách khi về thăm di tích Côn Sơn. “Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ”, lời căn dặn của Bác khi về thăm Côn Sơn cách đây tròn 60 năm luôn được Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương coi là nhiệm vụ cao cả trong sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích lịch sử danh thắng Côn Sơn. Trong đó, việc trồng cây, gìn giữ màu xanh ngút ngàn nơi đây trở thành nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày.

Côn Sơn được xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào năm 1960, đến năm 2012 trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2010, khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt quy hoạch tổng thể, gồm hệ thống di tích và cảnh quan môi trường. Các vùng như núi Côn Sơn, am Bạch Vân, hồ Côn Sơn, chùa Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc tồn tại hơn 700 năm qua được xác định là vùng lõi, vùng đỏ. Còn rừng Côn Sơn gắn bó mật thiết và không thể tách rời, tạo cảnh quan, không gian cho toàn bộ khu di tích. Các công trình Phật giáo của di tích gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, với rừng Côn Sơn.

Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh

Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh

Hiện khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có khoảng 1.500 ha rừng. Rừng được bảo tồn và phục hồi tích cực, hằng năm trồng bổ sung từ 10 - 20 ha. Diện tích rừng rộng lớn cùng với sự chăm chút tỉ mỉ của tỉnh nên vừa qua dù bị cơn bão số 3 tàn phá dữ dội, nhiều cây cối bị quật ngã nhưng rất nhanh núi rừng Côn Sơn và khu di tích này đã, đang lấy lại được dáng vẻ xanh mát trước đây.

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng thường xuyên tuyên truyền người dân, du khách giữ gìn rừng thông, bãi rễ, trồng thêm hàng nghìn cây xanh tạo cảnh quan trong khuôn viên di tích, suối Côn Sơn… Đặc biệt lễ phát động Tết trồng cây năm nay là lễ phát động lớn nhất từ trước tới nay ở di tích này. Số lượng lớn cây sẽ được trồng ở khu vực hồ Côn Sơn, chân đền Nguyễn Trãi, Bàn Cờ Tiên, núi Ngũ Nhạc… Những gốc cây bị bão quật ngã sẽ được trồng những cây mới tiếp nối hàng nghìn cây cổ thụ từ thông, đại, nhãn, vải… để núi rừng, khuôn viên di tích Côn Sơn mãi xanh mát.

Bảo vệ những “cụ” cây

Rừng lim xanh mướt ở Đền Cao An Lạc

Rừng lim xanh mướt ở Đền Cao An Lạc

Ở TP Chí Linh còn có khu di tích Đền Cao An Lạc với rừng lim quý giá. Câu nói "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt" được bao thế hệ người dân An Lạc truyền cho con cháu cho đến ngày nay, rằng không được xâm phạm mà phải bảo vệ bằng được rừng lim cổ thụ.

Khi Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định công nhận 54 cây lim ở đây là "Cây di sản Việt Nam" vào năm 2010, các nhà khoa học đã xác định có những cây khoảng 800 năm tuổi. Anh Phan Văn Đức, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Chí Linh cho biết: “Không chỉ Ban Quản lý mà người dân địa phương từ bao lâu nay rất có ý thức bảo vệ, giữ gìn rừng lim ở khu di tích. Chúng tôi thường xuyên cho cắt tỉa cành, phát quang cành nhỏ để vừa tạo cảnh quan đẹp vừa phòng chống cháy rừng. Đợt bão số 3 vừa qua có khoảng 20 cây lim bị gãy ngọn, gãy cành đổ kín lối đi, địa phương đã nhanh chóng cắt tỉa, dọn dẹp và hiện tại số cây này đã khôi phục”.

Bao thế hệ người dân An Lạc vẫn truyền cho con cháu rằng không được xâm phạm mà phải bảo vệ bằng được rừng lim cổ thụ

Bao thế hệ người dân An Lạc vẫn truyền cho con cháu rằng không được xâm phạm mà phải bảo vệ bằng được rừng lim cổ thụ

54 cây lim di sản trên thuộc diện tích rừng đặc dụng, rừng bảo tồn thiên nhiên và được kiểm lâm bảo vệ. Bởi vậy, những “cụ” lim này vẫn luôn được gìn giữ và bảo tồn.

Ở Hải Dương, ngoài TP Chí Linh có diện tích rừng rộng lớn bao bọc quanh các di tích thì thị xã Kinh Môn với Đền Cao An Phụ cũng được biết đến với không gian xanh mát của núi rừng. Tuy nhiên, khu vực này lại rất hay bị “bà hỏa” rình rập. Mới đây vào đầu tháng 10/2024, chỉ sau khi bị cơn bão số 3 tàn phá đúng 1 tháng, lại xảy ra cháy rừng với quy mô lớn khoảng 5 - 6 ha tại khu vực Đền Cao An Phụ. Ngay sau đó, Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã cảnh báo về nguy cơ cháy rừng ở TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn thuộc cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V - cao nhất).

Cây đại tuổi đời khoảng 800 năm ở Đền Cao An Phụ vẫn vững vàng bất chấp thiên tai

Cây đại tuổi đời khoảng 800 năm ở Đền Cao An Phụ vẫn vững vàng bất chấp thiên tai

Đối phó với nguy hiểm trên, khu di tích Đền Cao An Phụ đã được trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy khá tốt, với 3 bể chứa nước, có máy bơm công suất lớn. Do chủ động phòng cháy, chữa cháy nên những trận cháy rừng trên không lan vào trong khu di tích. Tuy nhiên, hằng năm vào dịp lễ hội mùa xuân, Ban Quản lý di tích đều chú trọng tuyên truyền du khách quan tâm phòng chống cháy rừng, không đưa các vật dụng dễ cháy nổ vào trong di tích.

Khu di tích Đền Cao An Phụ cũng là nơi có nhiều cây cổ thụ so với các di tích khác trong tỉnh. Trong đó phải kể đến 2 cây đại có tuổi đời khoảng 800 năm vẫn vững vàng bất chấp thiên tai.

Duy trì cảnh quan sạch đẹp là công việc đột phá hằng năm của Ban Quản lý di tích Kinh Môn

Duy trì cảnh quan sạch đẹp là công việc đột phá hằng năm của Ban Quản lý di tích Kinh Môn

“Cơn bão số 3 khiến cho cây cối trong khuôn viên di tích và cả xung quanh cũng ngổn ngang. Ban Quản lý phải thuê thợ chuyên nghiệp cắt tỉa cành riêng cho hơn 20 cây đại cổ thụ. Mất hơn 2,5 tháng dọn dẹp, cắt tỉa cành cây gãy, đổ, di tích mới trở lại được vẻ phong quang, sạch sẽ. Dù đã bớt những tán cây xanh mướt so với trước, nhưng những cây được trồng lại đã đâm chồi nảy lộc, phát triển tốt", chị Phạm Thị Bích Huệ, Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ du lịch, Ban Quản lý di tích Kinh Môn cho biết.

Duy trì cảnh quan đẹp là công việc đột phá hằng năm của Ban Quản lý di tích Kinh Môn. Bởi vậy, việc trồng, chăm sóc cây xanh là công việc đã đi vào nền nếp bao năm nay. Tuy vậy, vào những thời gian trọng điểm như dịp Tết, lễ hội mùa xuân, tưởng niệm ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu (1/4 âm lịch), ngày mất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (20/8 âm lịch), Ban Quản lý di tích sẽ cắt tỉa cây, tạo tiểu cảnh, trang trí trước đó hơn 1 tháng.

Đền Cao An Phụ được rừng cây bao bọc nhưng nguy cơ "bà hỏa" vẫn luôn rình rập

Đền Cao An Phụ được rừng cây bao bọc nhưng nguy cơ "bà hỏa" vẫn luôn rình rập

Mùa Tết trồng cây sắp đến, năm nay thị xã Kinh Môn và Ban Quản lý di tích thị xã phối hợp tiếp tục trồng cây ở khu vực bãi xe số 1 ở di tích Đền Cao. Chỉ vài tháng nữa thôi, nơi đây sẽ lại được bao phủ màu xanh mát của những cây đang hồi phục sau bão và những cây mới trồng.

NGÂN HẠNH - THÀNH CHUNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/gin-giu-mau-xanh-di-tich-404475.html
Zalo