Gìn giữ, lan tỏa văn hóa của người Mông tới cộng đồng

Người Mông là dân tộc yêu thích âm nhạc. Âm nhạc dân gian của họ độc đáo và giàu bản sắc, khó lẫn với âm nhạc dân tộc khác. Nhóm nghệ thuật Hmong Culture do các bạn trẻ thành lập từ tình yêu với văn hóa Mông và họ đã kiên trì nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa tới cộng đồng.

 Mặc dù, hoạt động của nhóm gặp không ít khó khăn nhưng các thành viên Hmong Culture dồn tâm huyết cho đam mê

Mặc dù, hoạt động của nhóm gặp không ít khó khăn nhưng các thành viên Hmong Culture dồn tâm huyết cho đam mê

Khẳng định "Văn hóa người Mông là một quyển sách không có trang cuối", nhóm nghệ thuật Hmong Culture đã hoạt động bằng cách vừa đi lưu diễn nghệ thuật thông qua điệu múa, hát, chơi nhạc cụ, vừa tổ chức nhiều hoạt động phong phú để giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục, lan tỏa nét đẹp bản sắc văn hóa của người Mông.

Lý Minh Cường - Trưởng nhóm Hmong Culture

Lý Minh Cường - Trưởng nhóm Hmong Culture

Lý Minh Cường (SN 2005), sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã đứng ra thành lập nhóm từ năm 2022.

Các nhạc cụ nhóm sử dụng để biểu diễn workshop, talk show hoàn toàn là nhạc cụ của người Mông bao gồm kè, sáo, đàn môi, gậy xin tiền, tù và, thêm một vài nhạc cụ nhỏ khác. Không chỉ biểu diễn nhạc cụ, Hmong Culture còn sáng tác âm nhạc dựa trên cội nguồn văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Một trong những tác phẩm âm nhạc gây ấn tượng với cộng đồng là tác phẩm âm nhạc đương đại mang tên "Nguồn". "Nguồn" được nhóm trình diễn trong đêm nhạc thuộc một dự án của Hội đồng Anh.

Nhóm Hmong Culture trong một sự kiện

Nhóm Hmong Culture trong một sự kiện

"Chúng mình muốn cho cộng đồng thấy sự chuyển mình của nền văn hóa dân tộc và cách người trẻ nhìn nền văn hóa ấy như thế nào. Tác phẩm "Nguồn" nói về hành trình an cư lạc nghiệp, việc di cư của người Mông cũng như là hành trình họ đi qua các cuộc chiến tranh. "Nguồn" cũng nói nên câu chuyện cha ông đi tìm sự sống, sự sinh tồn như thế nào. Rồi phong tục tập quán như đám ma của người Mông, nơi câu chuyện tâm linh để nhìn về quá khứ, soi chiếu hiện tại và hình dung tương lai", Lý Minh Cường chia sẻ.

Năm 2023, Hmong Culture thực hiện Workshop "Âm nhạc dân tộc Mông trong thế giới đương đại". Đây là chương trình sáng tạo gồm nhiều hoạt động bao quanh văn hóa, ẩm thực, trò chuyện, triển lãm nhạc cụ người Mông thu hút hàng nghìn khán giả. Các hoạt động này nhằm quảng bá và tạo không gian văn hóa cho người dân tộc thiểu số.

Theo Lý Minh Cường, tục lệ và văn hóa, sự phân tầng, lớp trong dân tộc Mông rất đa dạng, chính vì thế văn hóa của họ cũng rất phong phú. Tìm hiểu sâu mới thấy, người Mông có văn hóa chung nhưng cũng chia ra thành nhiều nhóm, càng khai thác càng thấy chưa đủ, cần phải tìm hiểu thêm bởi đây là một nền văn hóa đồ sộ.

"Đặc biệt là người Mông giống nhau về ngôn ngữ, tiếng nói, còn lại phong tục tập quán khác nhau ở vùng miền, dòng họ. Có 5 nhóm Mông được công nhận là: Mông xanh, Mông trắng, Mông đen, Mông hoa và Mông đỏ. 5 nhóm Mông có đặc điểm khác nhau ở đây là tiếng nói, trang phục. Riêng về văn hóa, nhạc cụ đa dạng nhưng không khác nhau, mà khác nhau ở làn điệu, cách ngân nga, nối từ và phát âm", Lý Minh Cường cho biết.

Hmong Culture được thành lập tháng 9 năm 2022, đến nay đã có 14 thành viên. Các bạn trẻ đều là sinh viên dân tộc Mông đến từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La. Ngoài tham gia những sự kiện văn hóa, nhóm Hmong Culture cũng đặt ra mục tiêu mỗi quý tổ chức ít nhất 1 sự kiện về văn hóa Mông.

Đặc biệt, trong thời gian tới, nhóm lên kế hoạch tham gia đóng góp tư liệu vào "Di sản kết nối". Đây là một phần của dự án do Hội đồng Anh Việt Nam thực hiện từ năm 2018, nhằm tạo ra cơ hội để cộng đồng trực tiếp đóng góp và hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản văn hóa.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gin-giu-lan-toa-van-hoa-cua-nguoi-mong-toi-cong-dong-20241229104325041.htm
Zalo