Gìn giữ bản sắc Chăm trong dòng chảy thời đại
Chiều 31/12, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Giao lưu với người Chăm: Ngôi nhà truyền thống và những biến đổi hiện nay'.
Đây là dịp để công chúng và những người yêu thích văn hóa dân tộc tìm hiểu về đời sống, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống của người Chăm, cũng như những nỗ lực bảo tồn di sản trong bối cảnh hiện đại.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo khách mời, bao gồm các nhà nghiên cứu, đại diện cộng đồng người Chăm, sinh viên và những người yêu mến văn hóa dân tộc.
Mở đầu chương trình, người tham dự có cơ hội chiêm ngưỡng nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm tại Ninh Thuận. Đây là một trong những nghề thủ công lâu đời, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2022.
Các nghệ nhân đã tái hiện toàn bộ quy trình làm gốm tinh xảo, mang đến cái nhìn trực quan và sống động về giá trị văn hóa mà nghề thủ công này chứa đựng trong suốt chiều dài lịch sử.
TS. Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng dân tộc học Việt Nam nhấn mạnh, việc bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là lưu giữ những giá trị truyền thống mà còn là một quá trình sáng tạo, đòi hỏi sự đồng hành của các bên liên quan để dòng chảy văn hóa Việt Nam luôn trường tồn và không ngừng lan tỏa.
Với những kiến trúc truyền thống như nhà Chăm, việc tái tạo không gian văn hóa đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc và đầu tư lớn về thời gian, nhân lực cũng như chi phí. Hơn hết, tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp như gỗ, đá, lá tranh... đã là một bài toán nan giải, chưa kể đến việc duy trì các giá trị chân thực của di sản trong bối cảnh hiện đại hóa và áp lực kinh tế thị trường.
"Trong 10, 20 năm tới, liệu quan điểm và cơ chế bảo tồn hiện tại có còn phù hợp? Hay chúng ta buộc phải thay đổi và nếu thay đổi, lộ trình đó sẽ như thế nào để đảm bảo bản sắc văn hóa vẫn được duy trì và phát triển bền vững", TS. Bùi Ngọc Quang trăn trở.
Trong khuôn khổ chương trình, khách tham dự cũng được lắng nghe những chia sẻ về phong tục, tập quán của người Chăm; quá trình sửa chữa, phục dựng nhà Chăm tại Bảo tàng; những biến đổi trong không gian sống của người Chăm...
Theo ông Đàng Văn Quyết, trưởng đoàn người Chăm Ninh Thuận, nhà Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không chỉ là một biểu tượng văn hóa mà còn là một cầu nối với cội nguồn, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, ông Đàng Văn Quyết cũng cho rằng, sự biến đổi mạnh mẽ của xã hội hiện đại, đô thị hóa và giao thoa văn hóa đã khiến những ngôi nhà truyền thống dần biến mất. Tại Ninh Thuận và Bình Thuận, nơi tập trung đông đảo người Chăm sinh sống, việc phân biệt giữa kiến trúc nhà của người Chăm và người Kinh trở nên khó khăn hơn, khi những nét đặc trưng dần mai một.
Dù vậy, ông Đàng Văn Quyết tin tưởng, nhiều gia đình người Chăm vẫn luôn nỗ lực lưu giữ những vật dụng, kiến trúc, hay phong tục tập quán, thể hiện sự tôn trọng quá khứ và góp phần giữ lửa cho bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, âm nhạc và những điệu múa truyền thống của người Chăm cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người tham gia. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa các nhạc cụ dân tộc không chỉ làm sống lại bầu không khí văn hóa đặc trưng mà còn giúp công chúng cảm nhận rõ hơn về tâm hồn và đời sống tinh thần phong phú của người Chăm trên đất nước hình chữ S.
Ngoài ra, tại sự kiện, TS. Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đã trao bằng khen và quà lưu niệm cho các cá nhân, tập thể có đóng góp nổi bật trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm. Đây không chỉ là lời cảm ơn sâu sắc mà còn là sự khích lệ, động viên cho những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống.