'Tiếp lửa' truyền thống cho thế hệ trẻ
'Tôi chỉ mong mình có sức khỏe tốt để thường xuyên gặp gỡ các bạn trẻ, học sinh và truyền cho thế hệ trẻ, các cháu về truyền thống ông cha, về lịch sử hào hùng của dân tộc và những gì mà bản thân chứng kiến, trải qua. Để từ đó, các cháu hiểu thêm lịch sử dân tộc, ý thức về vai trò, trách nhiệm trong học tập và rèn luyện' - ông Lê Lý Trịnh, Câu lạc bộ Giáo dục truyền thống thế hệ trẻ thị xã Phước Long chia sẻ.
“Cầu nối” quá khứ và hiện tại
Thế hệ trẻ hôm nay được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, thụ hưởng những điều kiện thuận lợi trong học tập, sinh hoạt và có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Việc giáo dục truyền thống cách mạng giúp thế hệ trẻ khắc sâu những giá trị cao đẹp, giúp các em vững tin vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc là vấn đề được quan tâm.
Từng trải qua lửa đạn chiến tranh, giờ đây, trong thời bình những người lính năm xưa lại đặt cho mình nhiệm vụ mới, đó là giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Các cấp hội cựu chiến binh trong tỉnh thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các trường học tổ chức bồi dưỡng truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Thông qua những mô hình “Ông kể, cháu nghe”, “Giáo dục truyền thống thế hệ trẻ”… do hội cựu chiến binh thực hiện đã có hàng ngàn lượt học sinh, giáo viên tại các trường tham gia.
Dù tuổi cao nhưng ông Lê Lý Trịnh, Câu lạc bộ Gíao dục truyền thống thế hệ trẻ thị xã Phước Long thường xuyên tham gia các buổi giáo dục truyền thống cho học sinh trên địa bàn
Tại thị xã Phước Long, so với những năm trước, công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn đã có bước tiến, số lượng các buổi tuyên truyền nhiều hơn, chất lượng và hình thức cũng đa dạng hơn gắn với các hoạt động nhân kỷ niệm những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, như: Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7); Quốc khánh (2-9); Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4); Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2); Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)... Đặc biệt, dịp 6-1 hằng năm - Ngày giải phóng Phước Long thì các thành viên Câu lạc bộ Giáo dục truyền thống thế hệ trẻ ở địa phương là các bác, các chú - những nhân chứng lịch sử, những người “kể chuyện” trên 70 tuổi dù không chuyên nhưng với cách dẫn dắt câu chuyện giản dị và sâu sắc đã kể về những gương chiến đấu kiên cường, về lịch sử dân tộc, góp phần “tiếp lửa” truyền thống cách mạng cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
Em Phan Nguyễn Trà Mi, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, thị xã Phước Long chia sẻ: “Qua buổi gặp gỡ, các bác đã tuyên truyền những bài học ý nghĩa, em tiếp thu được nhiều điều hay, bổ ích và những kiến thức mới về lịch sử. Em hiểu thêm về những trang sử và công lao to lớn của ông cha đã gầy dựng, xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như xây dựng Phước Long anh hùng”.
Để “truyền lửa” cách mạng cho thế hệ trẻ bằng chính những câu chuyện thật của mình khi tham gia chiến đấu, phục vụ trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, những thành viên Câu lạc bộ Giáo dục truyền thống thế hệ trẻ đã phối hợp với nhiều trường học tổ chức nói chuyện chuyên đề về sự kiện giải phóng Phước Long ngày 6-1-1975. Và vai trò của chiến thắng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 luôn được các nhân chứng lịch sử nhấn mạnh tại buổi tuyên truyền, qua đó khơi dậy mạch nguồn truyền thống, giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ. Thầy Đặng Đình Thám, Hiệu trưởng Trường tiểu học Long Giang, thị xã Phước Long bày tỏ: “Qua những buổi nói chuyện của Câu lạc bộ Giáo dục truyền thống thế hệ trẻ, các em học sinh và giáo viên rất tự hào, luôn cảm phục các cô, chú, các bác đã cống hiến cho Tổ quốc, cho địa phương để hôm nay chúng tôi được học tập, giảng dạy ở mái trường xanh, sạch, đẹp và khang trang”.
Bài học từ lịch sử, giá trị cho tương lai
Giáo dục lịch sử địa phương giúp thế hệ trẻ hiểu về mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên; hiểu thêm những chiến công được đổi bằng máu, nước mắt và sự dũng cảm hy sinh của ông cha, từ đó giúp các em khắc sâu những giá trị cao đẹp, vững tin vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
50 năm sau ngày giải phóng, Phước Long với những hiện vật, tư liệu của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long vẫn còn đó, sừng sững và trường tồn với thời gian như những chứng nhân lịch sử chứng kiến và nhắc nhở nhân dân về sự hy sinh anh dũng của thế hệ ông cha, là bài học sống động cho thế hệ trẻ về lịch sử của dân tộc.
Đối với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, thời gian qua luôn đẩy mạnh tuyên truyền công tác giáo dục truyền thống ở các địa phương, đơn vị trên các chương trình chính luận, chuyên trang, chuyên mục. Các chương trình được đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân theo dõi. Đặc biệt, nhiều mô hình, hoạt động tiêu biểu hướng về giáo dục truyền thống được kịp thời tuyên truyền trong các chương trình, chuyên mục như: Thời sự, Khát vọng tuổi trẻ, Tạp chí thiếu nhi, Cuộc sống tươi đẹp, Niềm vui tuổi hạc… Qua đó, góp phần lan tỏa công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy tình cảm của thế hệ trẻ với quê hương, Tổ quốc.
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, công tác giáo dục truyền thống thời gian qua đã tạo động lực, nâng cao tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Phát huy mọi nguồn lực để giáo dục truyền thống
Tuổi trẻ hôm nay không trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, không chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc, mà chỉ biết qua những di tích lịch sử, trang sách, bài ca, thước phim tư liệu hay lời kể của nhân chứng lịch sử… Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ luôn là việc làm cần thiết, là biện pháp hữu hiệu nhất.
Các trường học trên địa bàn thị xã Phước Long lồng ghép công tác giáo dục truyền thống địa phương thông qua các chương trình ngoài giờ lên lớp, học tập và tham quan các di tích, danh thắng, “địa chỉ đỏ” trên địa bàn
Song song đó, các cơ quan truyền thông tăng cường hơn nữa mở các chuyên mục, diễn đàn tìm hiểu truyền thống cách mạng, phổ biến kiến thức lịch sử, tìm hiểu nhân vật lịch sử..., khẩn trương thực hiện các phim tài liệu, các bài báo chuyên sâu cùng với các nhân chứng lịch sử.
Học để hiểu, để tự hào về lịch sử, góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước là mục tiêu của những giờ học lịch sử nói riêng. Với học sinh, khi được “tiếp lửa” truyền thống sẽ giúp các em thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào về truyền thống lịch sử đấu tranh của ông cha ngay trên mảnh đất mà các em đang sống và học tập.