Giàu mà không bảo vệ được quyền riêng tư, cuộc sống cũng không an toàn và đầy đủ

Đại biểu Quốc hội cho rằng, giàu có mà không bảo vệ được quyền nhân thân, quyền riêng tư thì cuộc sống cũng không an toàn và hạnh phúc đầy đủ. Do đó, các đại biểu tán thành cao sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là dự án luật mà Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo với nhiều quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Trước khi bắt đầu chương trình, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Quốc hội dành phút mặc niệm nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Trước khi bắt đầu chương trình, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Quốc hội dành phút mặc niệm nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết ban hành luật như Tờ trình Chính phủ nêu và Báo cáo thẩm tra, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước ( đoàn Kon Tum) cho rằng, thực tế hiện nay còn nhiều hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân khi sử dụng thiết bị công nghệ, như camera an ninh, internet vạn vật...; trong đó những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ thu thập dữ liệu cá nhân ngoài sự kiểm soát của người dùng, hoặc yêu cầu quyền thu thập dữ liệu không cần thiết vào thông tin của người dùng.

"Dữ liệu từ các thiết bị này có thể được lưu trữ và xử lý bởi các đơn vị mà người dùng khó kiểm soát, đặc biệt là các máy chủ ở nước ngoài. Do đó, song song với thực thi luật cần có các biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn việc sản xuất, kinh doanh các thiết bị, ứng dụng có khả năng thu thập dữ liệu cá nhân nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dùng", đại biểu đề nghị.

Dẫn báo cáo từ cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay hệ thống bảo mật của một số doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ cá nhân; việc triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu theo tiêu chuẩn đặt ra còn nhiều thách thức về nguồn lực, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các chương trình chính sách hỗ trợ đào tạo để các doanh nghiệp này từng bước nâng cao năng lực và đáp ứng yêu cầu đề ra.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận.

"Thực tiễn cho thấy, các hành vi vi phạm liên quan dữ liệu cá nhân, nhất là các hoạt động mua bán dữ liệu trái phép ngày càng tinh vi, có yếu tố xuyên biên giới, sử dụng công nghệ cao để che giấu hành vi và gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý", bà Phước đề cập.

Đồng thời cho rằng, để luật thực sự có sức răn đe, đi vào cuộc sống, không chỉ dừng lại các quy định trên giấy, cần đầu tư tương xứng cho lực lượng thực thi pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, có chuyên môn về công nghệ thông tin và nghiệp vụ điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và chính quyền địa phương; tăng cường hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cùng với đó, quy trình tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, quy trình điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến dữ liệu cá nhân cũng cần được quy định rõ ràng, cụ thể, đảm bảo xử lý kịp thời, nghiêm minh. Chỉ khi chế tài xử phạt được áp dụng một cách kiên quyết, các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh được triển khai đồng bộ, hiệu quả thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn này.

Qua nghiên cứu và dành nhiều thời gian đối chiếu với các dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn TP Huế) nhận định, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân có một sự điều chỉnh ngoạn mục, từ giảm số chương, số điều, nhưng quan trọng nhất là nội hàm của luật. "Tôi đánh giá cao Cơ quan soạn thảo là Bộ Công an, cụ thể là lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã làm tốt", bà nói và cho biết đã đọc kỹ 4 văn bản báo cáo được trình, theo gói thư mục gửi mới nhất cho ĐBQH qua Ipad.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) nêu rõ: Bảo vệ dữ liệu cá nhân là một thành tố của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, của quyền con người và quyền công dân. Giàu có mà không bảo vệ được quyền nhân thân, quyền riêng tư thì cuộc sống cũng không an toàn và hạnh phúc đầy đủ.

“Luật này cũng mang tính quốc tế và tác động đến môi trường đầu tư. Ví dụ người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, học tập, du lịch, chữa bệnh. Nếu như dữ liệu cá nhân của họ không được bảo vệ một cách đầy đủ, nghiêm minh bằng pháp luật thì sẽ ảnh hưởng đến phát triển và hội nhập quốc tế”, ông Nghĩa nói.

Đồng tình với quy định nghiêm cấm các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trái phép, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị: Đề nghị sửa quy định này theo hướng nghiêm cấm hành vi mua bán, chuyển nhượng dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trục lợi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác.

“Qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế thì tôi thấy đa số các nước đều có cách tiếp cận linh hoạt về vấn đề này, vừa tạo được niềm tin của người dân và quan trọng nữa là vừa thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế số”, đại biểu Nga nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo đã bám sát và thể chế hóa quan điểm của Đảng về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tán thành việc ban hành luật với những cơ sở lý luận, chính trị pháp lý, thực tiễn mà Tờ trình của Chính phủ đưa ra.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7), ông nhận thấy có những hành vi tạo ra thông tin dữ liệu sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, có khi xuyên tạc sai sự thật những thông tin, dữ liệu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

"Như thế là rất nguy hiểm, tạo ra sự sai lệch, xuyên tạc so với thực tế; những thông tin sai lệch, xuyên tạc về lịch sử để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cho nên, nên bổ sung thêm hành vi này nữa vào khoản 1 cho rõ hơn", đại biểu góp ý.

Về quy định ghi âm, ghi hình và xử lý dữ liệu cá nhân tại nơi công cộng với mục đích thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.

Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Lương Tam Quang.

Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Lương Tam Quang.

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý, bởi: “Tôi thấy trong dự thảo quy định ghi âm, ghi hình phải có trách nhiệm thông báo để chủ thể dữ liệu hiểu mình đang bị ghi âm, ghi hình. Tôi đề nghị nên cân nhắc lại quy định này. Vì chúng ta thực hiện nhiệm vụ này để đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội mà lại phải báo tôi đang ghi âm, ghi hình anh. Tôi đề nghị việc này không nhất thiết phải báo cho người bị ghi âm,ghi hình”.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang cho biết: Dữ liệu cá nhân, đây là một loại tài nguyên đặc biệt. Do vậy, yêu cầu khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất.

“Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác, nếu không quy định việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường, có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều phương thức thủ đoạn để hình thành chợ đen về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân”, đại tướng Lương Tam Quang nói.

Đại tướng Lương Tam Quang cho biết, trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày hôm nay, Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Quốc phòng An ninh và Đối ngoại Quốc hội sẽ tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm dữ liệu, Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/giau-ma-khong-bao-ve-duoc-quyen-rieng-tu-cuoc-song-cung-khong-an-toan-va-day-du-post1201855.vov
Zalo