Giật tít 'dừng xe máy mặc áo mưa bị phạt 14 triệu' là thiếu trách nhiệm với xã hội
Ngày 9/2, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, những ngày qua mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài viết có chung nội dung, tiêu đề 'dừng xe máy mặc áo mưa bị phạt tới 14 triệu đồng' khiến người dân hoang mang lo lắng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và hiểu sai về luật giao thông.
Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, pháp luật không cấm việc người dân dừng xe để mặc áo mưa, nhưng nếu dừng, đỗ xe không đúng quy định, gây cản trở hoặc tai nạn giao thông, người vi phạm mới bị xử phạt theo quy định hiện hành.
Cụ thể, tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông, có tín hiệu báo cho phương tiện khác biết và tuân thủ các quy định về vị trí dừng, đỗ xe.
Ngoài ra, những địa điểm không được dừng, đỗ xe bao gồm bên trái đường một chiều, trên cầu, gầm cầu vượt, nơi đường giao nhau, phần đường dành cho người đi bộ qua đường, điểm dừng xe buýt, xe khách, khu vực che khuất biển báo hiệu hoặc đèn tín hiệu giao thông…
Người điều khiển phương tiện nếu dừng xe ở các vị trí này, dù với bất kỳ lý do gì, bao gồm cả việc mặc áo mưa đều có thể bị xử phạt và mức xử phạt được quy định rất rõ theo Nghị định 168/2024 đối với hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định.
Cụ thể, đối với xe máy, mức phạt từ 400 đến 600 nghìn đồng áp dụng cho hành vi dừng, đỗ xe gây cản trở giao thông, tại điểm dừng xe buýt, nơi đường giao nhau hoặc phần đường dành cho người đi bộ qua đường.
Dừng, đỗ xe trên cầu bị phạt từ 600 đến 800 nghìn đồng; trong hầm đường bộ không đúng quy định bị phạt 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Mức phạt cao nhất, từ 10 đến 14 triệu đồng chỉ áp dụng đối với hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông.
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội khẳng định, không có quy định nào phạt người dừng xe mặc áo mưa nếu thực hiện đúng quy định. Việc đăng tải thông tin theo hướng "mặc áo mưa bị phạt 14 triệu đồng" là hành động giật tít câu view, không đầy đủ chính xác, thiếu trách nhiệm với xã hội, dễ gây hiểu nhầm cho người dân.
Qua đây, người tham gia giao thông cần hiểu rõ quy định để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng, thay vì lo lắng trước những thông tin chưa đầy đủ.