Ông Nguyễn Viết Thông: 'Có thể tăng cường Ủy viên Trung ương cho những bộ, ngành quan trọng'

Trước thực tiễn triển khai Nghị quyết 18, nhiều ý kiến băn khoăn về việc giảm đầu mối ở các cơ quan TƯ có thể ảnh hưởng đến chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 14. Nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận TƯ Nguyễn Viết Thông có phân tích rõ hơn về vấn đề này.

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Theo đó, các khối Đảng, Chính phủ, Quốc hội sẽ giảm khá nhiều đầu mối cũng như số lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, khối Đảng giảm 4 đầu mối lớn. Khối Quốc hội giảm 2 ủy ban, chấm dứt hoạt động Viện nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội. Chính phủ giảm 5 bộ ngành, 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 13/13 tổng cục và hàng ngàn cục, vụ...

Dự kiến trong vài ngày tới, Quốc hội sẽ họp bất thường để kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ; sửa đổi một số luật liên quan đến tổ chức bộ máy.

Tổ chức, bộ máy của cả hệ thống chính trị sau khi tinh gọn sẽ có sự thay đổi về cơ cấu, số lượng các chức danh và sẽ có tác động đến công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 14 của Đảng tới đây.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Viết Thông - nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.

200 Ủy viên Trung ương không phải là quá nhiều

Là người theo dõi rất nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, theo ông, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay có làm thay đổi số lượng cũng như cơ cấu nhân sự Đại hội 14 của Đảng sắp tới, nhất là số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương?

Việc tinh gọn các đầu mối các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội đồng nghĩa với việc một bộ phận cán bộ, lãnh đạo sẽ phải hy sinh quyền lợi như phải nghỉ hưu sớm, thôi giữ chức vụ hoặc chuyển sang công việc khác…

Chẳng hạn như khi 2 bộ sáp nhập làm 1 thì sẽ giảm 1 bộ trưởng; 2 cục, vụ sáp nhập với nhau thì cũng chỉ còn 1 cục trưởng, 1 vụ trưởng. Đáng chú ý là ở khối Chính phủ bỏ hẳn cấp tổng cục, 13/13 tổng cục không còn thì sẽ giảm 13 tổng cục trưởng.

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông. Ảnh: Lê Anh Dũng

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhìn về tổng thể lâu nay Đảng vẫn giữ ổn định tổng số 200 Ủy viên Trung ương Đảng (180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết), 17 - 19 Ủy viên Bộ Chính trị và 11 - 13 Ủy viên Ban Bí thư.

Mặc dù khi tinh gọn bộ máy sẽ giảm số đầu mối và nhân sự người đứng đầu ở các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội nhưng tôi cho rằng một số ban, bộ, ngành quan trọng vẫn có thể thêm số lượng Ủy viên Trung ương.

Theo tôi, bớt một số đầu mối nhưng có thể tăng cường số Ủy viên Trung ương đó cho những bộ, ban, ngành quan trọng thì số lượng 200 Ủy viên Trung ương cũng không phải là quá nhiều, còn con số cụ thể như thế nào sẽ do Đại hội Đảng quyết định.

Một trong những điều mà nhiều người lo lắng hiện nay là khi thực hiện tinh gọn bộ máy, không cẩn thận thì người giỏi ra đi và điều này cũng ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội khóa tới?

Có một thực tế ở những lần sắp xếp trước, những người giỏi sẵn sàng ra đi vì ở môi trường nào họ cũng sống được, còn những người trung bình và dưới trung bình không bám Nhà nước thì không sống nổi.

Vừa qua, Thủ tướng yêu cầu chống chạy chọt khi tinh gọn bộ máy là bởi vì người tài không chạy, còn người dở, người trung bình lại chạy để ở lại. Đây là một thực tế, không cẩn thận người tài lại bỏ ra đi, chảy máu chất xám.

Trong một cơ quan tổ chức, ai làm được việc, ai không làm được việc mọi người đều biết rõ. Tuy nhiên công tác đánh giá cán bộ của mình lâu nay vẫn còn là khâu yếu, còn tâm lý duy tình, dẫn đến tình trạng "yêu nên tốt, ghét nên xấu".

Vì vậy, vấn đề là trong đợt sắp xếp này người đứng đầu có đủ công tâm để giữ người tài giỏi hay không. Nếu như lãnh đạo không công tâm, khách quan, bị lợi ích nhóm, bị “cá nhân chủ nghĩa” chi phối thì sẽ xảy ra tình trạng bổ nhiệm người nhà, họ hàng, cánh hẩu. Nếu người đứng đầu minh bạch, chính trực, việc đánh giá cán bộ khách quan thì không bị ảnh hưởng bởi tâm lý cả nể.

Vấn đề nữa là ranh giới giữa năng động và liều lĩnh; giữa cẩn thận, chín chắn và bảo thủ rất mong manh. Nếu không khách quan, người giỏi dễ bị dìm, còn kẻ xu nịnh lại được nâng đỡ. Vì vậy, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu cần được đề cao.

Đặc biệt, cơ quan tham mưu cho người đứng đầu phải tham mưu đúng ai tốt, ai xấu.

Giải pháp quan trọng và lâu dài là chúng ta phải hoàn thiện đề án vị trí việc làm, đánh giá cán bộ dựa trên hiệu quả công việc thay vì tiêu chí chung chung. Khi sản phẩm là thước đo sẽ hạn chế được tình trạng lợi ích nhóm, duy tình trong đánh giá cán bộ.

Lỗi không phải ở quy trình

Để nâng cao chất lượng nhân sự cho Đại hội 14 và ngăn chặn tình trạng một số cán bộ, lãnh đạo sau khi trúng cử lại phát hiện có sai phạm, bị xử lý kỷ luật như thời gian qua, theo ông cần quan tâm đến những yếu tố nào?

Thực tế vừa qua cho thấy bài học từ Đại hội 13 vẫn còn nguyên giá trị. Ngay sau Đại hội, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị khởi tố cho thấy công tác sàng lọc chưa thực sự hiệu quả. Đến nay, nhiều cán bộ cấp cao, có cả Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm bị xử lý kỷ luật.

Trước đây, chúng ta làm nhân sự theo quy trình 3 bước, bây giờ là quy trình 5 bước nhưng vẫn để lọt người vi phạm. Lỗi không phải ở quy trình mà ở những người thực hiện quy trình.

Vì vậy bên cạnh những quy định đang còn nguyên giá trị, chúng ta phải thực hiện nghiêm, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc từ khâu đánh giá cán bộ như tôi nói ở trên.

Thêm vào đó là phải "dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng". Nhân dân biết rõ ai là người liêm chính, ai có biểu hiện tham nhũng, suy thoái. Vấn đề là phải có cơ chế lắng nghe ý kiến nhân dân một cách khách quan, thực chất.

Nếu làm nghiêm túc, khách quan công tác nhân sự, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, chúng ta sẽ chọn được nhân sự xứng đáng, thực sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ngược lại, nếu làm công tác nhân sự thiếu chặt chẽ, thiếu công tâm sẽ dẫn đến nguy cơ lọt những người không đủ phẩm chất vào cấp ủy.

Ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 14 của Đảng tới đây?

Qua quan sát, tôi thấy công tác chuẩn bị nhân sự đang được triển khai theo đúng lộ trình.

Trước hết, Trung ương hướng dẫn các cấp giới thiệu ứng cử viên vào Trung ương. Vừa rồi, các cấp đã giới thiệu và Trung ương đã cho ý kiến, Bộ Chính trị đã tổ chức 3 lớp cập nhật kiến thức để đào tạo các Ủy viên Trung ương.

Hội nghị Trung ương cũng đã xem xét quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bổ sung nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương và tiếp tục phát hiện, bổ sung nhân tố mới.

Quy trình lựa chọn nhân sự được thực hiện theo từng bước chặt chẽ. Đầu tiên là xem xét những Ủy viên Trung ương đủ điều kiện tái cử. Tiếp theo là xét trong danh sách quy hoạch nhân sự vào Trung ương lần đầu để đảm bảo số dư cần thiết.

Sau đó, thực hiện quy trình tương tự đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét ai trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện tái cử rồi mới xem xét đến nhân sự được quy hoạch lần đầu. Cuối cùng mới xem xét đến các trường hợp đặc biệt.

Nguyên tắc là đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài; đồng thời, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người không đủ năng lực, phẩm chất.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-the-tang-cuong-uy-vien-trung-uong-cho-nhung-bo-nganh-quan-trong-2368478.html
Zalo