Nằm ở trung tâm quận 1 TP HCM, công viên Tao Đàn có lịch sử lâu đời, là một trong những lá phổi xanh quan trọng nhất của thành phố. Ở một góc công viên sát hè đường Trương Định có một khu mộ cổ bề thế, có kiến trúc còn khá nguyên vẹn.
Đây là một quần thể mộ táng lớn gồm hai ngôi mộ nằm kề nhau và một ngôi mộ nhỏ bên ngoài. Rất ít người biết về nguồn gốc, lai lịch của nhân vật nằm dưới mộ, chỉ biết rằng đây là “mộ cổ họ Lâm”, theo một tấm biển được gắn cạnh khu mộ từ năm 2014.
Theo truyền tụng của người xưa cùng những dòng chữ Hán còn lưu lại trên bia mộ, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là mộ ông Lâm Tam Lang, tự “Nguyên thất” và phu nhân là bà Mai Thị Xã. Ông Lâm là người Hoa gốc Quảng Đông di cư sang Việt Nam, mất năm 1795.
Hậu duệ của ông Lâm Tam Lang sinh sống nhiều ở tỉnh Kiên Giang. Theo gia phả họ ở đây, ông bà Lâm Tam Lang có 4 người con. Trong đó người con thứ ba là ông Lâm Phong Quang. Ông Quang sinh ra Lâm Kim Diêu rồi Diêu sinh tiếp Lâm Quang Kỳ.
Ông Lâm Quang Kỳ - cháu 4 đời của ông Lâm Tam Lang - là một danh nhân lịch sử được đặt tên đường ở Rạch Giá, Kiên Giang. Tương truyền, ông là phó tướng của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người đã “đóng thế” để cứu mạng Nguyễn Trung Trực năm 1868.
Theo giai thoại kể lại rằng, rạng sáng 16/6/1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, trong đó có Lâm Quang Ky làm phó tướng, đã tổ chức tấn công chiếm đồn Kiên Giang từ người Pháp và làm chủ 5 ngày. Khi quân pháp phản công với hỏa lực vượt trội, nghĩa quân không giữ được đồn.
Trong tình thế hiểm nghèo, Lâm Quang Ky cùng một số nghĩa quân cảm tử tự nguyện ở lại cầm chân quân Pháp. Nguyễn Trung Trực rút lực lượng chính về Hòn Chông. Lâm Quang Ky mặc chiến bào của Nguyễn Trung Trực, cầm cờ lệnh, cố tình chiến đấu kéo dài thời gian.
Cuối cùng, quân Pháp bắt được ông cùng với sáu nghĩa binh khác. Ông tự xưng là Nguyễn Trung Trực. Chỉ huy quân Pháp đinh ninh đã bắt được lãnh tụ nghĩa binh nên không cho quân truy đuổi nữa. Qua ngày hôm sau, vụ việc trên bị bại lộ.
Rất tức giận, Pháp sai người đem tất cả ra xử tại chợ Rạch Giá. Người dân biết chuyện, gọi ông là Lê Lai Kiên Giang. Ngày bị thực dân Pháp xử tử, ông Lâm Quang Ky – người cháu gọi người nằm dưới khu mộ ở công viên Tao Đàn là cụ cố - mới 29 tuổi.
Đến đời thứ 7 kể tử cụ tổ Lâm Tam Lang, họ Lâm có một nhân vật nổi tiếng khác xuất hiện. Đó là ông Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937. Lâm Đình Phùng là tên thật của nhạc sĩ Lam Phương, người nhạc sĩ tài hoa với những tác phẩm tình ca đi vào lòng người, hiện sinh sống ở Rạch Giá.
Quay trở lại với khu mộ cổ họ Lâm, các nhà nghiên cứu khẳng định, đây là mộ xây bằng ô dước, loại mộ này thường chỉ dành cho giới hoàng tộc hoặc những bậc đại công thần xưa, thường chứa xác ướp bên trong. Như vậy, ông Lâm Tam Lang hẳn là người rất có địa vị ở Sài Gòn thời ấy.
Vào năm 2013, mộ cổ công viên Tao Đàn bỗng trở thành tâm điểm của sự chú ý khi được một trang tin của Anh đưa vào danh sách “những địa điểm ma ám ghê rợn thế giới”. Cùng với thông tin này, nhiều lời đổn thổi vô căn cứ được lan truyền, khiến dư luận hoang mang.
Đến năm 2014, khi khu mộ được xác định là “mộ cổ họ Lâm” và gắn biển Di tích lịch sử cấp thành phố, những tin đồn nhảm mới phai nhạt dần...
T.B