Giáp Tết, trái dừa tăng giá đột biến
Gần đây, trái dừa tươi và dừa khô ở tỉnh Bến Tre đều tăng giá đột biến. Thị trường mua bán trái dừa và sản xuất kinh doanh các mặt hàng từ dừa ở địa phương này về gần Tết cổ truyền trở nên sôi động.
Mỗi ngày, những âm thanh phát ra từ lao động của nhân công tại Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre rất nhộn nhịp. Từ sáng sớm, hơn 50 lao động có mặt nơi đây lao động rất hăng say, người thì lột vỏ dừa, người thì lấy cơm dừa... Các công đoạn sản xuất các mặt hàng từ trái dừa khô tại đây rất nhịp nhàng, khí thế.
Anh Trần Hoàng Tấn cùng các nhân công khác đang lột vỏ dừa bằng phương pháp thủ công, trên gương mặt đầy những giọt mồ hôi, hồ hởi nói: “Dân công mình thì làm theo sản phẩm, mình làm nhiều ăn nhiều. Nói chung mỗi ngày, tôi làm cũng được hơn 300 nghìn đồng, mình làm tới Tết luôn. Dừa bây giờ có giá, dừa mới lên 120 nghìn đồng/chục. Dự kiến ăn Tết năm nay, tôi ăn Tết lớn hơn năm rồi”.
Ở thời điểm này, tùy theo chất lượng trái dừa và địa bàn, các doanh nghiệp thu mua trái dừa khô phục vụ xuất khẩu giá từ 120 nghìn đồng đến 140 nghìn đồng/chục (12 quả). Riêng dừa tươi (dừa xiêm) giá từ 70-80 nghìn đồng/chục, đối với trái dừa xiêm đạt chuẩn xuất khẩu giá gần 100 nghìn đồng/chục cao gấp 3-4 lần so cùng vụ năm ngoái. Tuy nhiên, vụ dừa gần đây giảm năng suất, các doanh nghiệp thiếu nguồn cung nên tổ chức đến vườn để thu gom.
Bà Trần Thị Dung, chủ 2 ha vườn dừa khô tại ấp 2, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm chia sẻ: "Tôi bán dừa khô vừa rồi được giá 120 nghìn đồng/chục, nay thì có nơi người ta thu mua 130 nghìn đồng/chục. Ở bên huyện Mỏ Cày giá dừa đến 170 nghìn đồng/chục (12 quả). Dừa năm nay được giá hơn năm rồi, năm rồi giá thấp lắm nhưng năm nay dừa năng suất thấp hơn năm rồi”.
Tại các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên thu mua trái dừa ở huyện Mỏ Cày Nam, thành phố Bến Tre thời điểm này cũng rất nhộn nhịp; mặt hàng dừa đang xuất khẩu mạnh, doanh nghiệp và nhà vườn đều có lợi nhuận khá. Ông Bùi Thành Hiếu, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm- địa bàn có hơn 1.100 ha dừa với 2/3 hộ dân có trồng dừa chia sẻ: "Với giá dừa như thế này người dân có trồng dừa thu nhập tăng lên đáng kể. Những người có phần đất trồng dừa nhiều Tết này có thu nhập mua sắm trong nhà khang trang hơn mọi năm. Vì những người vườn nhiều, có sản lượng dừa khá sẽ bán được nhiều, dân vui lắm".
Bến Tre là “thủ phủ” cây dừa của cả nước với hơn 80 nghìn ha, chiếm 88% diện tích dừa khu vực ĐBSCL và gần 42% diện tích dừa cả nước có ảnh hưởng đến đời sống của hơn 200 nghìn hộ dân. Đến nay, trái dừa và các sản phẩm từ dừa của tỉnh Bến Tre đã xuất khẩu sang 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với khoảng 150 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh trái dừa; trong đó có 08 doanh nghiệp có quy mô lớn thu mua dừa của nông dân để đưa đi xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, Cannada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, EU...
Nhà vườn Bến Tre đã tham gia mô hình sản xuất dừa hữu cơ có liên kết với các doanh nghiệp và 28 Hợp tác xã nông nghiệp trên diện tích hơn 16.000 ha dừa. Năm 2024, ngành dừa tỉnh Bến Tre đạt giá trị xuất khẩu trên 516 triệu USD; trong đó trái dừa tươi đã xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, tuy giá dừa tăng rất cao, nhà vườn có dừa thu hoạch sẽ có thu lợi nhuận đáng kể nhưng doanh nghiệp lại thiếu nguồn cung, phải mua thêm từ bên ngoài để đủ hàng xuất khẩu theo hợp đồng với đối tác. Ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre cho biết: “Trái dừa năm nay giá khá cao, dừa khô và dừa tươi đầu ra đều rất tốt, nông dân phấn khởi lắm. Tuy nhiên lúc này sản lượng dừa giảm gọi là “dừa treo”, nói chung các doanh nghiệp dừa phải nhập từ bên ngoài chứ tại tỉnh không đủ hàng. Tỉnh có chủ trương là cải tạo tốt vườn dừa, diện tích đất mà trồng cây ăn trái khác kém hiệu quả thì chuyển sang trồng cây dừa trong đó kể cả diện tích đất lúa”.
Cây dừa ở xứ dừa nay đã khẳng định được vị thế của mình nhất là phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Vấn đề cần quan tâm là duy trì và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng trái dừa, đa dạng các sản phẩm chế biến từ dừa để thị trường kinh doanh ngành dừa ở tỉnh Bến Tre luôn sôi động, giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất thân yêu.