Cơ chế giao tín dụng sẽ thông thoáng hơn
Chiều 7/1, trao đổi với báo giới tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Năm 2025, cơ chế giao tín dụng được thực hiện thông thoáng hơn năm 2024.
Theo đó, các ngân hàng sẽ tự xác định và tính toán cho vay khi có nhu cầu vốn cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn của hệ thống.
“Từ cuối năm 2023, NHNN đã có thông báo giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Năm 2024, NHNN có 2 lần điều chỉnh, nhưng là văn bản hướng dẫn các ngân hàng tự tính, tự điều chỉnh theo nhu cầu cho vay vốn hợp lý. NHNN đang nghiên cứu để có biện pháp điều hành tín dụng phù hợp với cơ chế thị trường hơn, tạo sự chủ động cho NHTM” - ông Tú cho biết.
Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh, NHNN sẽ vẫn phải kiểm soát lượng cung ứng tiền tăng thêm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát; tăng trưởng tín dụng hợp lý, trên cơ sở đảm bảo an toàn lành mạnh, nhất là những ngân hàng đang dồn vốn vào lĩnh vực có nguy cơ rủi ro.
Trước đó, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025. Theo đó, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%.
“Con số có thể tăng hơn, tùy vào điều kiện tình hình kinh tế, nhu cầu đầu tư vốn, hấp thụ vốn của doanh nghiệp; nhu cầu rót vốn vào một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...” - ông Tú cho biết.
Tính đến ngày 31/12/2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08 % so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Doanh số cho vay khoảng 23 triệu tỷ đồng trong năm 2024, số tiền dư nợ còn là 15,6 triệu tỷ đồng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, nền kinh tế có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, tăng trưởng kinh tế đã đạt 7,08%.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, chính sách tiền tệ năm 2024 cũng gặp không ít khó khăn. Theo Phó Thống đốc, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thị trường trái phiếu, chứng khoán còn trầm lắng, chưa phát triển như kỳ vọng, thị trường bất động sản sôi động hơn nhưng cũng còn nhiều dự án đang gặp vướng mắc về pháp lý, thủ tục, quy trình. Ngoài ra, nợ xấu có xu hướng tăng, hàng loạt chính sách trong việc điều hành các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt tiến độ giải ngân đầu tư công chưa đạt như mong muốn…
Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đồng thời yêu cầu các TCTD báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD...
Phó Thống đốc thông tin, theo số liệu thống kê, lãi suất huy động tăng 0,71% so với cuối năm 2023, lãi suất cho vay giảm 0,6% so với đầu năm.
Về thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối cho biết, trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.