Giao xe máy cho người không đủ điều kiện: Tăng mức xử phạt, tạo sức răn đe
Theo quy định, người đủ từ 18 tuổi trở lên mới được tham gia thi sát hạch giấy phép lái xe mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) và điều khiển xe trên 50 phân khối.
Song thực tế hiện nay, nhiều gia đình vẫn coi thường pháp luật, giao xe cho con em mình khi chưa đủ tuổi. Bộ Công an đang hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Trong đó có đề xuất tăng xử phạt hành chính đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện lên gấp 5 lần, từ 4-6 triệu đồng lên 28-30 triệu đồng. Việc tăng mức xử phạt là hoàn toàn cần thiết để nâng cao ý thức chấp hành giao thông.
Tội mình... hại người!
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến lứa tuổi học sinh, trong đó có việc người lớn giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển. Một ngày đầu tháng 12, khi đang làm việc tại công ty, chị N.M.N ở phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh được triệu tập tới Đội Cảnh sát giao thông-trật tự, Công an thị xã Quảng Yên để xử lý về hành vi giao xe máy cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Trước đó, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Đội Cảnh sát giao thông-trật tự đã phát hiện con trai chị N đang là học sinh lớp 10 điều khiển xe máy tham gia giao thông. Tại cơ quan công an, chị N.M.N chia sẻ: “Tôi biết hành vi của tôi là tiếp tay cho vi phạm. Tôi thấy tôi đã sai, lần này về tôi sẽ đổi phương tiện khác cho con đi học”. Hay như trường hợp ông H.V.T ở phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP Hải Phòng; tháng 9-2024, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hải An khởi tố vụ án hình sự, ông T bị khởi tố về tội: Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, theo khoản 1 Điều 264 Bộ luật Hình sự. Qua điều tra, Công an quận Hải An xác định, ông T biết con trai là H.V.D chưa đủ 18 tuổi, không có giấy phép lái xe nhưng vẫn giao xe máy cho D điều khiển để đi học, sau đó xảy ra tai nạn giao thông, dẫn đến D bị tổn thương cơ thể 98% .
Thiếu tá Hoàng Văn Sơn, Đội Cảnh sát giao thông-trật tự, Công an thị xã Quảng Yên cho biết: “Khi phát hiện các trường hợp chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy, chúng tôi sẽ tiến hành tra cứu trên hệ thống, phối hợp với các công an xã, phường mời người giao xe cho người không đủ điều kiện lên làm việc. Phụ huynh hay bất kỳ ai khi giao xe cho con em và người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện đã thực hiện hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, người giao xe còn phải đối mặt với trách nhiệm hình sự”.
Thời gian qua, không ít vụ việc giao xe cho người không đủ điều kiện cầm lái gây tai nạn, bị xử lý hình sự. Khi xảy ra chuyện thì mọi việc đã lỡ làng, hối hận không kịp. Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: “Hậu quả chúng ta đã thấy rất rõ, đó là nhiều em đã phải mất tính mạng hay chịu thương tật từ khi còn rất trẻ. Do đó, bên cạnh trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng thì cần phát huy trách nhiệm của gia đình”.
Đề xuất nâng cao mức xử phạt là cần thiết
Lý giải với mức đề xuất tăng này, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, Bộ Công an đang thực hiện cao điểm về việc ngăn chặn hiện tượng học sinh hoặc trẻ trong độ tuổi học sinh điều khiển phương tiện gây tai nạn cho bản thân hoặc người khác, nhất là hành vi sử dụng phương tiện vào các hoạt động tụ tập, đua xe, lạng lách, đánh võng... “Ngoài xử lý trực tiếp người sử dụng phương tiện thì cần gắn trách nhiệm và xử lý những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, bởi hành vi này gián tiếp gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc”, Đại tá Phạm Quang Huy chia sẻ.
Nói về những lý do mà Cục CSGT đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện gấp 5 lần, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT cho biết: “Cục CSGT dựa trên rất nhiều yếu tố, trong đó, việc nghiên cứu thực tế, thực trạng hoạt động trật tự, an toàn giao thông để đưa ra đề xuất. Hiện nay, nhiều cha mẹ không quản lý con cái, lấy lý do nhà xa, mua xe máy để con đi học, nhưng cứ đến tối là các thanh, thiếu niên lại bỏ ra ngoài. Từ đó hình thành các hội nhóm tụ tập đi chơi, lấy xe chạy lòng vòng, phóng nhanh, lạng lách, thậm chí đua xe, gây rối trật tự công cộng. Chính vì vậy, việc nâng cao mức xử phạt là cần thiết để phụ huynh có trách nhiệm hơn”.
Còn theo chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo, việc cha mẹ không làm gương chính là nguyên nhân dẫn tới tình huống học sinh xem thường luật lệ, coi nhẹ tính mạng của chính mình cùng người và phương tiện tham gia giao thông khác. Người điều khiển phương tiện giao thông muốn an toàn thì phải đáp ứng được hai yêu cầu: Thứ nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện thông qua sát hạch; thứ hai là hiểu biết pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Cả hai yêu cầu này, lứa tuổi học sinh đều không đáp ứng được. Nâng cao chế tài xử phạt là cần thiết để nâng cao trách nhiệm, ý thức của các bậc phụ huynh trong kiểm soát phương tiện, không giao xe cho con em, học sinh và những người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.