Giáo viên dạy thêm đóng thuế như thế nào?
Hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường được pháp luật quản lý chặt chẽ và giáo viên dạy thêm phải đóng thuế theo đúng quy định.
Cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đều phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, tức là phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh.
Giáo viên dạy thêm đóng thuế thế nào?
Theo quy định, giáo viên được dạy thêm ở nhiều nơi và khi tham gia các lớp dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng thì thu nhập từ hoạt động dạy thêm cũng được tính vào thu nhập chịu thuế.
Căn cứ Điều 25, Thông tư 92/2015, thuế thu nhập cá nhân với thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định bằng công thức: Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó, thu nhập tính thuế được tính như sau: Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ. Tuy nhiên, công thức tính thu nhập chịu thuế nêu trên chỉ áp dụng với giáo viên là cá nhân cư trú ký hợp đồng dạy thêm từ 3 tháng trở lên.
Quy định đối với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường
Điều 6, Thông tư 29/2024 quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật và công khai thông tin môn học tổ chức dạy thêm.
Cùng với đó, tổ chức hoặc cá nhân dạy thêm bắt buộc công khai số lượng dạy thêm với từng môn theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Người dạy thêm ngoài nhà trường cần đảm bảo phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Đồng thời, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.