Giáo viên đăng ký kinh doanh, mở trung tâm dạy thêm như thế nào?
Ngày 14/2, Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm sẽ chính thức có hiệu lực. Đối với những cá nhân, tổ chức muốn đăng ký kinh doanh, mở trung tâm dạy thêm cần lưu ý một số điểm.
Điều 6, Thông tư 29/2024 quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền phải đăng kí kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm.
Công khai thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lí an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.
Việc mở trung tâm dạy thêm hoặc kinh doanh dịch vụ dạy thêm tại Việt Nam yêu cầu tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn một trong các loại hình kinh doanh sau đây để đăng ký kinh doanh: Hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Tùy theo từng loại hình kinh doanh mà cá nhân, tổ chức muốn thành lập sẽ có thủ tục thực hiện đăng ký khác nhau.
Thông thường, giáo viên kinh doanh dạy thêm với quy mô nhỏ sẽ phù hợp với loại hình hộ kinh doanh.
Theo Khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thể đăng ký kinh doanh dạy thêm tại các cơ quan theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp, Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với trường hợp thành lập hộ kinh doanh.
Giáo viên dạy thêm đóng thuế như thế nào?
Hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường được pháp luật quản lý chặt chẽ và giáo viên dạy thêm phải đóng thuế theo đúng quy định.
Cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đều phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, tức là phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh.
Theo quy định, giáo viên được dạy thêm ở nhiều nơi và khi tham gia các lớp dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng thì thu nhập từ hoạt động dạy thêm cũng được tính vào thu nhập chịu thuế.
Căn cứ Điều 25, Thông tư 92/2015, thuế thu nhập cá nhân với thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định bằng công thức: Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó, thu nhập tính thuế được tính như sau: Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ. Tuy nhiên, công thức tính thu nhập chịu thuế nêu trên chỉ áp dụng với giáo viên là cá nhân cư trú ký hợp đồng dạy thêm từ 3 tháng trở lên.