Giáo viên cho học sinh phân biệt, so sánh sách giáo khoa thật-giả trên lớp

Giáo viên cho biết, thường tổ chức các hoạt động trên lớp để giúp HS phân biệt sách thật - giả, theo đó, cho HS so sánh 2 cuốn sách mẫu chỉ ra sự khác biệt.

Tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu trà trộn vào thị trường không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Sách giáo khoa là thành quả của rất nhiều người lao động trong ngành xuất bản

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Việc sử dụng sách giáo khoa từ nguồn chính thống là rất quan trọng, nhằm đảm bảo quá trình học tập của học sinh không bị gián đoạn hoặc ảnh hưởng bởi những sai sót trong sách giả, sách lậu. Sách giáo khoa không chỉ là công cụ học tập mà còn là yếu tố giúp đảm bảo tính chính xác của các kiến thức mà các em sẽ tiếp thu.

Cũng theo cô Kiều Hoa, mặc dù nhà trường không gặp phải vấn đề về sách giả, sách lậu, song, qua một số phương tiện truyền thông, cô nhận thấy, tình trạng này vẫn đang diễn ra.

“Ở một số nơi, do thiếu sự hiểu biết hoặc ham rẻ, phụ huynh có thể vô tình mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu. Điều này rất đáng lo ngại vì sách giả thường có chất lượng in ấn kém, nội dung sai lệch hoặc thậm chí nội dung được trình bày không chính xác, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của học sinh.

Những cuốn sách này có thể thiếu các thông tin quan trọng, gây ra sự hiểu nhầm trong quá trình học, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển toàn diện của học sinh. Về chất liệu, những cuốn sách này thường được in bằng giấy kém chất lượng, dễ bị hư hỏng, bung, rách sau một thời gian sử dụng. Điều này khiến học sinh gặp khó khăn khi sử dụng sách trong suốt năm học” - nữ hiệu trưởng nhìn nhận.

 Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm đó, cô Nghiêm Thị Như Ý - giáo viên Trường Tiểu học Phạm Tu (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ rằng, mặc dù nhà trường chưa gặp phải tình trạng sách giáo khoa giả, lậu, tuy nhiên, với cương vị là một bậc huynh, cô đã gặp phải tình trạng này ngay chính với con trai mình.

“Cách đây vài tháng, con tôi mượn sách giáo khoa của một bạn cùng lớp do con quên mang theo sách. Sau đó, con đã mang sách về nhà và tôi vô tình phát hiện đó là cuốn sách giáo khoa giả.

Ban đầu, tôi thấy chất lượng giấy rất kém, mỏng, màu sắc nhợt nhạt. Khi đọc kỹ hơn, tôi nhận ra có lỗi sai trong nội dung, thậm chí có những phần bài học bị thiếu so với sách giáo khoa của con trai (được mua tại trường). Điều này khiến tôi không khỏi lo lắng.

Tôi lập tức liên hệ với phụ huynh của bạn con, để tìm hiểu thêm. Được biết, do mới chuyển trường, thay đổi bộ sách, nên phụ huynh cháu đã mua tạm sách ở một quầy văn phòng phẩm gần nhà. Tôi đã giải thích với phụ huynh ấy rằng, sách giả thường in sai nội dung, chất lượng giấy kém, dễ hỏng, thậm chí có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc học của các con.

Quan trọng hơn, sách thật không chỉ đảm bảo kiến thức chính xác mà còn là thành quả của rất nhiều người lao động trong ngành xuất bản. Việc sử dụng sách giả không chỉ gây hại cho con, mà còn vô tình làm ảnh hưởng đến uy tín và công sức của cả đội ngũ làm sách.

Là một giáo viên, tôi hiểu rõ rằng, học sinh tiểu học, đặc biệt là các em ở lớp nhỏ, rất dễ bị ảnh hưởng bởi những lỗi sai trong sách giáo khoa giả. Ở độ tuổi này, các em mới bắt đầu hình thành thói quen học tập và nền tảng kiến thức cơ bản. Nếu sách chứa nội dung sai lệch, học sinh sẽ học sai từ đầu, gây ra những lỗ hổng khó sửa chữa. Không những thế, sách giả thường có chất lượng in ấn kém, ảnh và chữ mờ, nhòe, gây khó khăn trong việc đọc hiểu, thậm chí ảnh hưởng đến mắt của các em”.

Cũng theo cô giáo Nghiêm Thị Như Ý, việc mua phải sách giả, sách in lậu đến từ các nguyên nhân: “Thứ nhất, sách giáo khoa giả, sách in lậu thường được bán qua các cửa hàng nhỏ lẻ, các kênh thương mại điện tử, hoặc các đối tượng trung gian không có giấy phép. Những kênh này thiếu sự kiểm soát và dễ dàng tiếp cận đến phụ huynh.

Thứ hai, phụ huynh không nhận thức đầy đủ về tác hại của việc sử dụng sách giáo khoa giả, sách in lậu, hoặc không biết cách phân biệt sách thật - sách giả. Người tiêu dùng có thể mua sách từ các cửa hàng không có giấy phép, những kênh không chính thống hoặc thông qua các đối tượng bán sách online không rõ nguồn gốc. Điều này dễ dẫn đến việc mua phải sách giả mà không nhận ra”.

 Cô giáo Nghiêm Thị Như Ý - giáo viên Trường Tiểu học Phạm Tu (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô giáo Nghiêm Thị Như Ý - giáo viên Trường Tiểu học Phạm Tu (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Giáo viên, phụ huynh cần nâng cao nhận thức về sách giáo khoa giả

Cũng từng gặp tình huống “dở khóc, dở cười” với sách giáo khoa giả, chị Nguyễn Bích Châm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Vào tháng 8 năm 2024, khi chuẩn bị bước vào năm học mới, con gái tôi đã nhận được một món quà sinh nhật từ một người quen. Đó là một bộ sách giáo khoa mới tinh. Lúc đầu, tôi rất vui vì nghĩ rằng món quà này sẽ giúp gia đình tiết kiệm chi phí cho năm học mới. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ, tôi đã phát hiện ra một số điều bất thường: Màu in trên bìa sách hơi nhợt nhạt, chất giấy mỏng và chữ in bên trong có nhiều chỗ bị mờ hoặc lệch.

Ngay lập tức, tôi gọi điện cho người quen để hỏi về nguồn gốc của bộ sách. Họ cho biết bộ sách được mua trên TikTok Shop với giá rẻ hơn nhiều so với nhà sách. Người đó hoàn toàn không biết đó là sách giả, vì trang bán hàng quảng cáo rất chuyên nghiệp, hình ảnh bắt mắt và giá cả hấp dẫn. Sau tình huống đó, tôi đã khuyên người quen nên cẩn trọng hơn khi mua sách, chỉ nên chọn mua ở nhà sách uy tín hoặc các kênh bán hàng chính thống”.

Cũng theo chị Châm, sau sự việc, chị đã quyết định không sử dụng bộ sách đó và mua bộ sách mới từ nguồn đáng tin cậy cho con. Bên cạnh đó, chị Châm cũng cảnh báo các phụ huynh khác trong nhóm chat phụ huynh của lớp con về tình trạng sách giả đang được rao bán trên mạng xã hội.

“Tôi luôn nhấn mạnh rằng, mua hàng trực tuyến rất tiện lợi, nhưng chúng ta cần phải chọn những kênh chính thống để tránh “tiền mất, tật mang”. Học sinh tiểu học cần được học với sách chuẩn để đảm bảo kiến thức và không gặp trở ngại trong học tập” - chị Châm nhấn mạnh.

Chia sẻ về giải pháp ngăn chặn tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa chia sẻ: “Nhà trường luôn có các biện pháp cụ thể để đảm bảo học sinh được sử dụng sách giáo khoa chất lượng. Một trong những biện pháp chính là liên kết với các nhà cung cấp uy tín, có giấy phép, để học sinh có thể đăng ký mua sách ngay tại trường.

Ngoài ra, nhà trường cũng dành thời gian tuyên truyền và hướng dẫn phụ huynh, học sinh về cách nhận diện, phân biệt sách thật - sách giả và khuyến khích họ chỉ mua sách từ các nguồn chính thống, như nhà sách uy tín hoặc các kênh bán hàng chính thức”.

 Hình ảnh một cuốn sách bị in mờ, nhòe nhoẹt. Ảnh: Cô Như Ý cung cấp.

Hình ảnh một cuốn sách bị in mờ, nhòe nhoẹt. Ảnh: Cô Như Ý cung cấp.

Cùng bàn về vấn đề trên, cô Như Ý chia sẻ: “Từ sau sự việc con mượn phải sách giả, tôi không chỉ cẩn trọng hơn trong việc chọn sách cho con, mà còn hướng dẫn học sinh và phụ huynh cách nhận biết sách giáo khoa thật - giả. Trong các buổi họp phụ huynh, tôi nhấn mạnh rằng, sách thật thường có tem chống giả của nhà xuất bản, chất lượng giấy tốt và thông tin rõ ràng. Tôi cũng khuyến khích phụ huynh mua sách tại nhà sách uy tín hoặc đặt sách qua nhà trường để tránh rủi ro.

Ngoài ra, tôi thường tổ chức các hoạt động nhỏ trên lớp để giúp học sinh phân biệt sách thật - giả. Chẳng hạn, tôi cho các em so sánh hai cuốn sách mẫu, chỉ ra sự khác biệt về chất lượng giấy, màu sắc hình ảnh và cách đóng gáy sách. Qua những bài học thực tế như vậy, các em không chỉ hiểu được tác hại của sách giả, mà còn biết cách trân trọng những giá trị thực sự trong học tập”.

“Tôi tin rằng, nếu mỗi giáo viên, phụ huynh đều nâng cao nhận thức về vấn đề này, chúng ta có thể hạn chế tối đa tác hại của sách giả, đảm bảo cho học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất” - nữ giáo viên nhấn mạnh.

Anh Tú

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-cho-hoc-sinh-phan-biet-so-sanh-sach-giao-khoa-that-gia-tren-lop-post248605.gd
Zalo