Giáo viên biệt phái: Đi để cống hiến
Các thầy, cô mang theo kiến thức và bầu nhiệt huyết chung tay gỡ khó, nâng chất cùng các trường học vùng sâu...
Dù điều kiện còn khó khăn, nhưng nhiều giáo viên tại huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn xung phong chuyển công tác tới vùng biên giới cách nhà hàng chục cây số.
Xung phong gỡ khó
Gần 6 giờ sáng, khu vực cây xăng thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã tấp nập người vào gửi xe. Trong số đó có nhiều giáo viên đang công tác tại các trường lân cận làm nhiệm vụ biệt phái lên trường học vùng biên giới.
Cô Ngô Thị Tú Anh - giáo viên Lịch sử, Ngữ văn, Trường THCS Hồ Tùng Mậu là 1 trong 5 giáo viên đang biệt phái tại Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng - ngôi trường nằm ở khu vực biên giới huyện Hương Sơn.
Mỗi buổi sáng, cô cùng hàng chục giáo viên, chạy xe máy từ nhà lên cây xăng gửi phương tiện rồi “tăng bo” chung xe lên vùng biên giới. Đây cũng là năm học thứ 2 cô gắn bó với ngôi trường vùng biên này.
Công tác trong ngành Giáo dục 23 năm, khi địa phương có chủ trương biệt phái giáo viên, cô Tú Anh không ngần ngại xung phong “gỡ khó” cho giáo dục huyện nhà.
Cô Tú Anh cho biết, 2 vợ chồng làm giáo viên, chồng là con liệt sĩ, chú ruột bị nhiễm chất độc da cam không có con cái chăm sóc. Mỗi khi đau ốm, vợ chồng cô lại thay nhau đưa chú thăm khám. Dù hoàn cảnh đặc biệt, nhưng khi biết cô “xin” đi biệt phái, cả gia đình đều ủng hộ bởi “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”.
“Trước khi có quyết định, lãnh đạo phòng giáo dục huyện đã gặp gỡ để tìm hiểu nguyện vọng, mong muốn biệt phái tại trường nào. Tuy nhiên, tôi xác định đi trường nào cũng là cống hiến nên tùy theo sự bố trí, sắp xếp của ngành. Theo kế hoạch, năm học 2024 - 2025, tôi đến lượt đi biệt phái, nhưng do phòng giáo dục huyện chưa bố trí điều động được giáo viên đến Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng nên tôi xung phong nhận nhiệm vụ biệt phái từ năm học 2023 - 2024”, cô Tú Anh chia sẻ.
Năm học 2023 - 2024, cô Nguyễn Thị Thanh Tịnh - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện (thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) cũng làm đơn xung phong nhận nhiệm vụ tại Trường THCS Sơn Kim (xã Sơn Kim, Hương Sơn).
Đây là vùng đất miền Tây Hà Tĩnh nằm trên thượng nguồn dòng sông Ngàn Phố với dãy núi Trường Sơn điệp trùng cao vút. Sơn Kim là địa bàn biên giới, vùng sâu, xa huyện Hương Sơn.
“Thời gian đầu, cuộc sống gia đình có chút xáo trộn bởi tôi đi sớm về muộn. Bản thân cũng có chút lo lắng, nhất là các con đang trong giai đoạn bước vào kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp quan trọng. Nhưng chồng và các con đã đồng lòng động viên, tự sắp xếp công việc để mẹ yên tâm nhận nhiệm vụ”, cô Tịnh cho hay.
Con đường từ thị trấn Phố Châu lên các xã biên giới Hương Sơn đã thuận lợi hơn, nhưng các cô phải vượt qua đoạn đường đèo, dốc với những khúc cua ngoằn ngoèo. Dù đã 2 năm làm quen, song đến mùa mưa bão, cung đường đến trường vẫn khiến nhiều giáo viên lo lắng, thấp thỏm.
“Mùa Đông sương mù giăng không thấy đường đi, chúng tôi phải bật đèn pha, cho xe đi từ từ qua các khúc cua dốc. Mùa mưa, nhiều đoạn nước chảy băng qua đường khá mạnh, thậm chí nhiều điểm bị sạt lở. Dù khối lượng đất đá không đáng kể nhưng đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc khiến chúng tôi bất an mỗi lần qua lại. Tuy nhiên với tinh thần “học sinh đi học, chúng ta đi dạy”, các thầy cô đã động viên nhau thực hiện nhiệm vụ biệt phái”, cô Tịnh kể.
Nâng chất trường vùng biên
Từ khi nhận nhiệm vụ tại Trường THCS Tây Sơn, cô Đinh Thị Thuận - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Trần Kim Xuyến còn đảm nhận thêm vai trò dạy bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Văn và ôn luyện tuyển sinh lớp 9.
“Môi trường mới, trọng trách mới nên bản thân rất áp lực. Tuy vậy, tôi xác định đi biệt phái không là hình thức mà cần tận tâm cống hiến, tạo dấu ấn ở mỗi đơn vị công tác”, cô Thuận chia sẻ.
Còn đối với cô Đậu Thị Thanh Hoa - giáo viên Trường THCS Phan Đình Phùng (Hương Sơn), công tác biệt phái không chỉ là “chia lửa” với giáo viên vùng thiếu mà tại đây cô còn “bội thu” kinh nghiệm và tình cảm của đồng nghiệp từ ngôi trường mới.
“Mặt bằng chung của học sinh Trường THCS Tây Sơn học tiếng Anh khá tốt. Đặc điểm học sinh ở trường mới bắt buộc giáo viên phải tự nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận sao cho phù hợp. Những ngày đầu, các giáo viên tại Trường THCS Tây Sơn cũng chia sẻ với tôi rất nhiều kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ”, cô Hoa chia sẻ.
Sau một năm, cùng với giáo viên sở tại, thành tích môn Ngữ văn, Tiếng Anh của Trường THCS Tây Sơn đã có những chuyển biến vượt bậc. Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024, môn Ngữ văn của nhà trường xếp thứ 3 toàn huyện và xếp thứ 11 của tỉnh; môn Tiếng Anh nâng lên 1 bậc so với năm trước.
Cũng trong kỳ thi tuyển sinh Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, nhà trường có 1 em giành ngôi thủ khoa môn Tiếng Anh. Ngoài ra, tại kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp huyện, đội tuyển Trường THCS Tây Sơn có 4 em tham gia đều đoạt giải trong đó có 1 giải Nhì và 3 giải Ba.
Dù mới công tác hơn 1 năm tại Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng, nhưng cô giáo Ngô Thị Tú Anh đã kịp để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp ở ngôi trường vùng biên. Mỗi tuần, cô Tú Anh đảm nhận 16 tiết dạy Lịch sử kiêm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử và dạy tuyển sinh môn Văn cho học sinh lớp 9.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm công tác, cô đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy để việc học tập của học sinh đạt hiệu quả khi thì bằng trực quan, lúc lại thông qua các trò chơi. Sự góp sức của cô đã đưa kết quả chất lượng đại trà nhà trường nâng lên đáng kể. Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn, Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng xếp thứ nhất của huyện và thứ ba của tỉnh (năm học 2022 - 2023, trường xếp thứ 40 của tỉnh, thứ 13 của huyện).
“Để có thành tích này phải có sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều giáo viên và ban giám hiệu nhà trường. Từ đầu năm học, lịch giảng dạy được nhà trường bố trí phù hợp để giáo viên có thời gian về nhà trong điều kiện đường xa, cách trở. Chúng tôi thật ấm lòng với sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường, đồng nghiệp nơi đây. Tôi nghĩ rằng, biệt phái không chỉ là trách nhiệm còn là cơ hội của mỗi giáo viên đi để trải nghiệm và làm mới bản thân”, cô Tú Anh bày tỏ.
Giải bài toán thiếu giáo viên cục bộ
Theo thầy Nguyễn Đức Dân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng, mỗi năm đơn vị có từ 5 - 6 giáo viên xung phong biệt phái. Hiện, nhà trường có 35 cán bộ giáo viên, nhân viên, trong đó có 11 giáo viên biệt phái. Nhiều giáo viên dù công tác 2 năm nhưng đã để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp đối với học sinh và phụ huynh, chính quyền địa phương. Tiêu biểu như các cô giáo Hồ Xuân Ân, Nguyễn Thị Phúc, Dương Vân Nga, Ngô Thị Tú Anh...
“Là một trong những trường được tăng cường nhiều giáo viên, chúng tôi đã giải quyết cơ bản tình trạng giáo viên dạy ghép nhiều môn, dạy quá nhiều tiết trong tuần. Trên cơ sở đó, kết hợp với sự chung tay phối hợp của giáo viên biệt phái và giáo viên sở tại đã nâng cao chất lượng dạy và học, đưa thành tích nhà trường ngày càng đi lên”, thầy Nguyễn Đức Dân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng bày tỏ.
Theo Phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn, hiện tổng số đội ngũ giáo viên các cấp học trên địa bàn cơ bản đủ theo quy định, tuy nhiên còn thừa, thiếu cục bộ do bất cập về cơ cấu bộ môn. Ở cấp tiểu học, huyện còn thiếu 20 giáo viên văn hóa và 9 giáo viên Tin học - Công nghệ… Trong khi đó thừa 16 giáo viên Mỹ thuật, 7 giáo viên Âm nhạc. Còn ở cấp THCS thiếu giáo viên Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học... nhưng thừa giáo viên Toán, Ngữ văn.
“Những năm qua, nhằm đảm bảo tỷ lệ giáo viên dạy học ở các trường khó khăn, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, động viên các giáo viên đang công tác ở vùng thuận lợi lần lượt đến nhận nhiệm vụ giảng dạy tại các trường xa trung tâm, vùng khó khăn của huyện.
Thời gian biệt phái từ 2 - 3 năm tùy vào khoảng cách đường đi của mỗi người, nhằm đảm bảo sự công bằng, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên biệt phái. Trong năm học 2024 - 2025, huyện vừa bố trí 13 giáo viên biệt phái đến các trường còn thiếu, trong đó có 1 giáo viên tiểu học, 12 giáo viên THCS”, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho hay.
“Điều động biệt phái một số giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu được xem là chủ trương hợp lý nhằm tạo điều kiện cho thầy cô đã công tác lâu năm tại các trường miền núi, xa trung tâm được về công tác gần nhà.
Ngoài ra, việc này còn giúp cân đối về chuyên môn giữa các trường, góp phần đưa chất lượng giáo dục trường vùng khó khăn huyện Hương Sơn tiến gần chất lượng các trường thuận lợi. Qua đó, tạo được niềm tin, sự ủng hộ, đồng thuận trong ngành và cộng đồng”, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn chia sẻ.